.

Về câu tục ngữ "Thả con săn sắt, bắt con cá rô"

.

* Xin cho hỏi, con săn sắt trong hai câu tục ngữ “Thả con cá rô, vồ con săn sắt” và “Thả con săn sắt, bắt con cá rô” là con gì và ý nghĩa của hai câu này? Có những câu tục ngữ nào tương đương nghĩa với các câu tục ngữ này?  (Trần Thế Hùng, Hòa Vang, Đà Nẵng).

Cá săn sắt (cá lia thia - ảnh trái) và cá rô. Nguồn: Internet
Cá săn sắt (cá lia thia - ảnh trái) và cá rô. Nguồn: Internet

- Săn sắt, trang Bách khoa tri thức (bachkhoatrithuc.vn) giảng: “là loại cá trông như cá rô nhỏ, đuôi dài, có vân xanh đỏ bên mình”. “Bỏ (thả) con săn sắt, bắt con cá rô” được trang này giải thích với hai nét nghĩa: (1) Đầu tư một số vốn nhỏ để thu về một nguồn lợi lớn; (2) Biết hy sinh, bỏ qua cái nhỏ để đạt được cái lớn.

Từ điển mở Wiktionary (vi.wiktionary.org) giảng: cá săn sắt như cá thia; “Bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”: bỏ lợi ích nhỏ để giành lấy lợi ích lớn hơn.

Từ điển Việt - Việt (tratu.soha.vn) giải thích “Thả con săn sắt, bắt con cá rô” là cách ví thủ đoạn hy sinh món lợi nhỏ để hòng thu về món lợi lớn hơn.

Nói chung, các từ điển đều giải thích câu tục ngữ trên là bỏ cái nhỏ để lấy cái lớn hơn. Bởi thực tế, cá săn sắt (còn có các tên gọi khác tùy địa phương như: cá xin xít, cá lia thia, cá chọi, cá cờ...) là loại cá nhỏ hơn cá rô. Trong cơ chế kinh tế thị trường, “Thả (bỏ) con săn sắt, bắt con cá rô” là một kế sách kinh doanh biết “bỏ lợi ích nhỏ để giành lấy lợi ích lớn hơn”. Có người còn nửa đùa nửa thật cho rằng, trong “tình trường” cũng có không ít người “bắt cá hai tay”, chọn qua lọc lại, cuối cùng đi đến quyết định “Thả (bỏ) con săn sắt, bắt con cá rô”. Có nghĩa tương đương với câu tục ngữ này là: “Thả con tép, bắt con tôm”.

Mở rộng nghĩa, “Thả (bỏ) con săn sắt, bắt con cá rô” là câu tục ngữ người xưa dạy cách ứng xử của con người ở đời, rằng hãy chọn lấy việc quan trọng hơn, ý nghĩa hơn mà nỗ lực thực hành; đừng lãng phí thời giờ, công sức và tiền bạc cho những việc nhỏ, ít quan trọng.

Câu tục ngữ “Thả con cá rô, vồ con săn sắt”, tất nhiên, sẽ có nghĩa ngược lại. Có nghĩa tương đương với câu tục ngữ này là: “Tham bát bỏ mâm”; “Thả mồi bắt bóng”.

Nghĩa của tục ngữ “Thả mồi bắt bóng” có thể tìm thấy trong truyện “Con chó và miếng thịt” trích trong Truyện ngụ ngôn Việt Nam của Nguyễn Văn Ngọc (NXB Văn học, 2003) như sau:

“Một con chó tham ăn, một hôm nó đớp được miếng thịt của làng bày ra đình để khao làng. Con chó ba chân bốn cẳng tha miếng thịt đến bờ sông. Sợ người làng đuổi theo nên nó chạy về phía cầu để qua sông tẩu thoát. Khi đến giữa cầu, nó nhìn xuống dòng sông, thấy có một con chó khác đang ngoạm miếng thịt to hơn. Con chó tham ăn mới nghĩ: Ta phải cướp miếng thịt của con chó kia mới được. Nghĩ thế nào, làm thế ấy, nó bèn nhả miếng thịt đang ngoạm ra, rồi nhảy xuống sông để tranh miếng thịt với con chó kia. Vừa nhảy xuống sông thì bóng nước tan ra, nó vùng vẫy một thôi một hồi chẳng kiếm được gì, lúc bấy giờ mọi người đổ xô ra cầm đòn đánh chó. Nước cuốn mạnh, con chó bị chìm nghỉm dưới dòng sông”.

Tác giả mượn hình tượng con chó tham lam để phê phán những kẻ không biết suy xét sự việc đến cùng mà hành động một cách ngu ngốc: “thả mồi bắt bóng”, “tham bát bỏ mâm”, “thả con cá rô, vồ con săn sắt”.

Nói thêm, “Thả con săn sắt, bắt con cá rô” có một dị bản là “Thả săn sắt, bắt cá sộp” như Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (NXB Khoa học xã hội, 1997). Cá sộp là một loại cá thuộc họ Cá quả với nhiều tên gọi khác (tùy theo từng vùng): cá chuối, cá lóc, cá sộp, cá xộp, cá tràu, cá trõn, cá đô.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.