Cửa sổ tri thức

"Dân chi phụ mẫu" hay "phụ mẫu chi dân"?

07:28, 27/11/2016 (GMT+7)

* Khi ví von quan chức thời phong kiến là “cha mẹ của dân”, nhiều tài liệu, sách báo thường dùng lẫn lộn hai cụm từ Hán - Việt “phụ mẫu chi dân” và “dân chi phụ mẫu”. Xin cho hỏi cụm từ nào đúng và ý nghĩa của nó như thế nào? (Trần Quang Hợp, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Bài “Đọc và hiểu” trên Báo Tràng-An số ra ngày 12-5-1942 giải thích về cụm từ “dân chi phụ mẫu”.  Nguồn: baochi.nlv.gov.vn.
Bài “Đọc và hiểu” trên Báo Tràng-An số ra ngày 12-5-1942 giải thích về cụm từ “dân chi phụ mẫu”. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn.

- Trong hai cụm từ này, từ quyết định ngữ nghĩa là chi [之].Hán Việt từ điển trích dẫn (tra trực tuyến tại http://www.hanviet.org) giảng: Chi là giới từ, nghĩa là “của, thuộc về”. Ví dụ, “đại học chi đạo” [大學之道] nghĩa là đạo đại học; “dân chi phụ mẫu” [民之父母] nghĩa là cha mẹ của dân; “chung cổ chi thanh” [鐘鼓之聲] nghĩa là tiếng chiêng trống.

Như thế, trong chữ Hán, “dân chi phụ mẫu” là “cha mẹ của dân”. Còn nói “phụ mẫu chi dân” có nghĩa là “dân của cha mẹ”! Do không nắm được cấu trúc của chữ Hán nên nhiều người nói/viết lẫn lộn hai cụm từ này.

“Phụ mẫu chi dân” được dùng theo một ngữ nghĩa hoàn toàn khác. Tờ Tràng-An số ra thứ Ba, 12-5-1942, Tập mới số 14, được lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (tra trực tuyến tại  http://baochi.nlv.gov.vn), trong bài Đọc và hiểu, tác giả Bùi Tuân viết như sau:

“Nhân bài “Tấm gương mờ” đăng trong số báo Tràng-An vừa rồi, một độc giả hỏi tôi: Sao ông lại dùng chữ “phụ mẫu chi dân”? Đúng ra thì phải nói “dân chi phụ mẫu” mới phải chứ?

(…)

Tôi phải nói ngay ra rằng tôi dùng như vậy là vì dụng ý. Vả lại, tôi cũng có đặt nó trong ngoặc kép.
Không biết các ngài có nhớ gần đây, ở Bắc Kỳ có một quan huyện mà một bạn đồng nghiệp đã tặng cho cái biệt hiệu riêng không? Chính vì cái ông huyện ấy mà tôi muốn dùng chữ “phụ mẫu chi dân” chứ không dùng “dân chi phụ mẫu”.

Vì hình như chúng ta có hai thứ quan: một hạng “dân chi phụ mẫu” rất đáng kính và một hạng “phụ mẫu chi dân” mà chúng ta mong đừng có”. (Hết trích).

Nguyệt san Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh số 160 (Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh) số ra ngày 7-2-2011, trong bài Chuyện xưa chuyện nay: “Quan chi phụ mẫu”? có nêu ý kiến của bạn đọc về một cụm từ được một tờ báo khác nêu có “bà con” với cụm từ đang xét - “quan chi phụ mẫu”. Theo chúng tôi, căn cứ vào cấu trúc chữ Hán, cụm từ này có nghĩa “cha mẹ của quan” trong tiếng Việt, chứ không phải là “quan như cha mẹ” như cách giải thích của tờ báo nọ.

Trong bài đã dẫn, tác giả giải thích “cha mẹ của dân” như sau:

“Thời xưa ở phương Đông theo chính thể quân chủ, người đứng đầu trong nước là vua, đại diện vua trực tiếp cai trị dân là các quan lại. Đó là tầng lớp vua quan thống trị. Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Khổng-Mạnh, trừ những kẻ “hôn quân vô đạo” ra, nói chung thì đấng minh quân nào cũng nêu cao bổn phận coi dân như con của mình; vua quan được đào tạo phong cách cư xử trọng dân, thương dân, lo cho dân… để xứng đáng là bậc “cha mẹ của dân” (dân chi phụ mẫu). Trong chế độ ấy, về pháp lý cũng như đạo lý, thần dân trăm họ được hưởng sự chăm sóc của chính quyền nhà nước như bậc cha mẹ lo cho “con cưng” của mình vậy (dân vi quý). Chứ dân không phải là đám người thấp cổ bé miệng cứ bị nhà cầm quyền hà hiếp, bóc lột, đối xử như cỏ rác. Nghĩa cử xứng đáng của cha mẹ thời nào cũng vậy đó, quan hệ giữa cha mẹ với dân thời nào cũng là quan hệ ruột thịt, làm một cách tự nguyện, hết lòng, hết sức”.

Cuối cùng, tác giả lưu ý với bạn đọc: “Nói “dân chi phụ mẫu” (nghĩa là “cha mẹ của dân”) mới đúng sách vở thánh hiền; chứ nói “quan chi phụ mẫu” như tác giả bài báo đã dùng thì nghe hơi trái, tôi chưa từng nghe ai nói vậy đâu, bạn ạ”.

ĐNCT

.