.

Về bài thơ "Nỗi lòng Tô Vũ"

* Hôm rồi có anh bạn đọc bài “Nỗi lòng Tô Vũ” của Bùi Giáng, đến câu “Chiều xuống rồi tơ lòng rộn ràng rối/ Trời núi đồi ngây ngất nhảy dê nhanh” thì giảng là nhà thơ đã một thời chăn dê trên Trung Phước như Tô Vũ. Xin cho biết, chuyện Tô Vũ chăn dê như thế nào mà Bùi thi sĩ mượn đó bày tỏ nỗi lòng của mình. (Thúy Ái, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Nhà thơ Bùi Giáng gốc dòng họ Bùi ở Vĩnh Trinh (huyện Duy Xuyên) lên ngụ cư ở Trung Phước (huyện Quế Sơn, nay là huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Ông học ở trường Viên Minh, Hội An, sau cưới bà Phạm Thị Ninh – một nữ sinh nổi tiếng xinh đẹp học sau ông một lớp - làm vợ. Cưới xong, hai người lên sống ở Trung Phước. Ông mua một đàn dê khoảng 100 con, lấy việc chăn dê làm thú tiêu khiển, nuôi mà không thấy bán. Sau khi vợ qua đời do bạo bệnh vào năm 1952, lúc mới 26 tuổi, ông nghỉ chăn dê nơi núi đồi và quay về với cảnh ngựa xe phố thị.

Về nhân vật Tô Vũ, ông tên thật Tô Tử Khanh, người đất Đỗ Lăng, là một bầy tôi trung của vua Hán Vũ Đế nước Trung Hoa. Thường bị giặc Hung Nô ở phương Bắc sang quấy nhiễu, dòm ngó vùng biên ải nên tuy là nước lớn nhưng muốn cầu hòa, vua Hán bèn sai Tô Vũ đi sứ sang Hung Nô.

Sang bên Hung Nô, vì làm phật ý chúa xứ này nên họ Tô bị bỏ vào hang suốt ba ngày không cho ăn để cho chết. Tô Vũ nhờ hớp những giọt sương đêm trên ngù cờ mà sống sót. Thấy lạ, chúa Hung Nô kinh sợ, cho Tô Vũ là thần, không dám hại nữa mà đày đến đất Bắc cho chăn dê, giao hạn cho tới khi nào dê đực... đẻ ra dê con mới được trở về Hán.

Đất Bắc giá lạnh hoang vu, không một bóng người. Tô Vũ ngày chăn dê, tối ngủ hang đá, thiếu thốn, cực khổ và tuyệt vọng suốt 19 năm ròng. Một lần, gặp mùa chim nhạn thiên di về phương Nam, Tô Vũ xé mảnh áo dùng máu viết một lá thư nhờ chim mang về nhà cho đỡ nỗi nhớ nhung. Sau có người bắt được thư đem dâng cho vua Hán. Khi Hung Nô với Hán hòa nhau, vua Hán hỏi về Tô Vũ, chúa Hung Nô nói rằng họ Tô đã chết. Vua Hán bèn sai sứ sang báo với chúa Hung Nô rằng Tô Vũ vẫn còn sống và đưa mảnh áo làm bằng chứng buộc vua Hung Nô phải trả người.

Về sau, ngoài điển tích “Tô Vũ chăn dê” đã trở thành một đề tài đặc sắc trong thi ca, người ta còn dùng điển tích “tin nhạn” với hàm ý tin tức do chim nhạn đưa đến hoặc để chỉ tin tức nói chung. (Ngày sáu khắc mong tin nhạn vắng/ Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền – Cung oán Ngâm khúc).

Trở lại chuyện nhà thơ Bùi Giáng. Ông làm chàng chăn dê chỉ khoảng ba năm thôi nhưng sau này khi viết Nỗi lòng Tô Vũ, ông đã ghi câu đề từ “Kỷ niệm một đoạn đời 15 năm chăn dê ở núi đồi Trung Việt - Nam Ngãi Bình Phú”. Mười lăm năm, nhiều tác giả cho rằng có lẽ ông mượn thời gian lưu lạc của nàng Kiều để nói về phận mình. Núi đồi Trung Phước với đàn dê là không gian gợi lên trong ông nỗi lòng của chàng Tô Vũ mới và làm cho mối tình của chàng với bầy dê đượm một màu sắc riêng...

Nhà báo Nguyễn Minh Sơn, trong bài “Bùi Giáng chăn dê, một đoạn đời du mục” đăng trên báo Người lao động, đã nhận xét: “Nỗi lòng Tô Vũ là nỗi lòng của kẻ lưu đày. Mượn việc chăn dê, mượn nỗi lòng Tô Vũ để nói về mình, phải chăng ngay từ tuổi trung niên, thi sĩ Bùi Giáng đã xem mình là một kẻ bị lưu đày ở cõi trần gian huyễn mộng này rồi?”.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.