.

Hiện tượng mộc đè

* Thỉnh thoảng vào lúc giữa đêm tôi cảm thấy như có một vật gì đè nặng trên ngực, rất khó thở, muốn kêu la hay cựa quậy chân tay cũng không được. Bạn bè bảo tôi bị mộc đè. Xin cho hỏi, làm thế nào để phòng tránh hiện tượng này? (Trần Quang Hùng, Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Hiện tượng mộc đè còn được gọi là bóng đè, ma đè (tiếng Anh: sleep paralysis, nightmare). Theo các nhà khoa học, đây là một dạng rối loạn giấc ngủ không gây ra thương tổn và có khoảng 40% nhân loại ít nhất một lần trải qua trong đời.

Gọi mộc đè, bởi dân gian cho rằng hiện tượng này do “con mộc” gây ra. Theo đó, nếu có con chim bị thương đậu lên một cái cành thì máu của nó sẽ nhỏ lên cây này, khi cây được đưa về xẻ gỗ làm giường thì giường sẽ có “con mộc” và ai nằm ngủ trên đó sẽ bị mộc đè. Tuy nhiên, một số trường hợp ngủ trên giường sắt, nệm, nền gạch... mà vẫn bị mộc đè.

Gọi bóng đè vì trong giấc ngủ nửa mê nửa tỉnh, người bị bóng đè lờ mờ cảm thấy bóng một ai đó đứng, ngồi bên cạnh hay cảm giác như bị xô ngã ra khỏi giường, cùng với đó có khi như nghe được một giọng nói bí ẩn. “Nạn nhân” muốn mở mắt ra kêu cứu hay cử động chân tay nhưng đều bất lực.
Gọi ma đè vì nhiều người cho rằng hiện tượng này là do ma quỷ ám, vì thế đi chữa trị bằng cách “vái tứ phương”, đụng đâu cúng bái đó. Việc làm này nặng chất mê tín, hoàn toàn sai lầm và tất nhiên không có hiệu quả.

Các nhà khoa học giải thích, khi xảy ra hiện tượng bóng đè, vùng vỏ não được kích thích rất mạnh khiến con người trở nên tỉnh táo, không khác gì lúc thức. Thế nhưng lúc đó những mối liên hệ thần kinh giữa não với các bộ phận cơ thể lại chưa được khai thông. Kết quả là người bị bóng đè cảm thấy tê liệt giống như có ai đang bó tay bó chân mình vậy.  

Người Trung Hoa đã có những ghi chép về bóng đè từ năm 400 TCN. Nhà sử học Herodotus của Hy Lạp cổ đại cũng đã mô tả hiện tượng này. Người châu Âu thời cổ tin rằng bóng đè do một con quỷ tên là Mare gây ra khi nó ngồi lên người nạn nhân trong lúc họ ngủ. Từ “mare” về sau phát triển ra từ “nightmare” (ác mộng) theo nghĩa hiện đại.

Nguyên nhân phổ biến dẫn đến bị bóng đè là không được giải tỏa những căng thẳng, phiền muộn trong cuộc sống. Bóng đè thường xuất hiện ở những người có cơ thể suy nhược, những người “yếu bóng vía”, hay bị ám ảnh vì những điều vu vơ mà thiếu suy xét khoa học.  Việc sử dụng nhiều các chất kích thích cũng góp phần khiến cho não bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, tư thế ngủ sai cách cũng làm người ngủ cảm thấy khó thở, dễ dẫn đến bóng đè.

Hiện chưa có biện pháp chữa trị triệt để với chứng rối loạn giấc ngủ này, chỉ giảm thiểu nó bằng việc xây dựng một lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, tham gia các hoạt động giải trí, thể thao. Hãy tránh stress, tạo thói quen đi ngủ đúng giờ, nằm ngủ với tư thế thoải mái để thư giãn toàn bộ cơ bắp, đầu không vẹo lệch, quần áo phải rộng rãi, buồng ngủ thoáng khí.

Dân gian lưu truyền một cách chữa trị bóng đè rất đáng tham khảo. Theo đó, lấy con dao hay cái rựa đặt dưới chiếu phía đầu giường, liên tiếp nhiều ngày sau đó những người bị bóng đè sẽ có giấc ngủ bình yên. Các nhà nghiên cứu phân tích, về mặt khoa học thì đây là liều thuốc tâm lý, nó tạo cảm giác an tâm hơn cho con người, vì vậy sẽ có được giấc ngủ sâu hơn và không bị bóng đè nữa (dân gian gọi là “chữa mẹo”). Tuy nhiên, nếu thực hiện cách này thì chỉ cần sử dụng một con dao cùn (không có khả năng sát thương) cỡ nhỏ và nên báo với người thân hoặc người ngủ chung biết để tránh hiểu lầm.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.