.

Chấm đỏ trên trán phụ nữ Ấn Độ

.

* Xin cho hỏi chấm đỏ trên trán phụ nữ Ấn Độ có nguồn gốc ra sao và ý nghĩa thế nào? (Hoàng Anh Đào, Thanh Khê, Đà Nẵng).

Bindi được chấm ngay giữa hai chân mày, nơi người Ấn xem là một trong những vị trí quan trọng trên cơ thể. Ảnh: Internet
Bindi được chấm ngay giữa hai chân mày, nơi người Ấn xem là một trong những vị trí quan trọng trên cơ thể. Ảnh: Internet

- Chấm đỏ giữa hai chân mày phụ nữ Ấn Độ được gọi là bindi, trong tiếng Ấn có nghĩa là “chấm nhỏ, giọt nước”. Màu đỏ của bindi tượng trưng cho danh dự, tình yêu và sự thịnh vượng. Theo quan niệm của người Ấn, đây là nơi giao hội của các dây thần kinh quan trọng trong con người, cũng là vị trí của luân xa số 6 - luân xa quan trọng nhất. Luân xa số 6 được gọi là Ajna hay con mắt thứ ba, mang ý nghĩa biểu trưng cho sự thức tỉnh.

Theo truyền thống, bindi thường được chấm bằng tay, từ son nên còn gọi là chấm châu sa. Châu (chu) sa hay thần sa, đan sa, xích đan, cống sa, là các tên gọi khác nhau dành cho loại khoáng vật cinnabarit của thủy ngân sẵn có trong tự nhiên, có màu đỏ; thành phần chính của nó là sulfua thủy ngân. Ở một số nơi, bindi còn được chấm bằng... máu của người chồng!

Bindi như một dấu hiệu nói lên thân phận của phụ nữ Ấn Độ, chỉ phụ nữ có chồng mới được điểm chấm đỏ này, nhất là ở miền Nam Ấn. Vào đúng ngày lễ thành hôn, chú rể tự tay dùng châu sa điểm lên trán cô dâu để “đánh dấu” rằng từ nay cô gái đã thuộc về mình. Phụ nữ chỉ lau dấu bindi khi chồng họ qua đời.

Ở Ấn, cách phụ nữ quấn lụa cũng là một dấu hiệu để ngầm chỉ “vườn hồng đã có ai vào hay chưa”. Nếu lụa chỉ quấn đến thắt lưng có nghĩa cô gái chưa có chồng; quấn lụa từ đầu đến chân nghĩa là đã yên bề gia thất. Chàng trai nước ngoài nào khi đến Ấn Độ, ngoài chấm bindi còn phải chú ý đến cách quấn lụa của phụ nữ để tránh “nhầm đối tượng”.

Ngoài ra, bindi còn mang lại lợi ích về sức khỏe, như thông tin dưới đây được tổng hợp từ bài viết khá thú vị “Lợi ích sức khỏe của chấm trán bindi của người Ấn Độ” đăng trên trang vntimes.com.vn:

Trong Đông y, vị trí giữa trán được gọi là huyệt Ấn đường, nơi tập trung các dây thần kinh và mạch máu. Khi được xoa bóp các dây thần kinh nới lỏng làm giảm cảm giác đau đầu, căng thẳng, giảm nghẹt mũi, viêm xoang… Việc tác động vị trí này sẽ kích thích cơ mặt hoạt động và lưu thông mạch máu cho tất cả các cơ liên quan, giúp duy trì độ săn chắc của các cơ, nuôi dưỡng da và hạn chế sự xuất hiện nếp nhăn.

Xoa bóp vị trí giữa hai chân mày có tác dụng hiệu quả đối với những người bị bệnh Bell (bệnh bị liệt một trong hai dây thần kinh ở mặt); những người hay bị mỏi mắt cũng sẽ điều tiết mắt và chuyển động mắt dễ dàng hơn; đôi tai sẽ có tác dụng tốt hơn; tăng cường lưu thông máu và giảm nếp nhăn da mặt; các cơ, dây thần kinh ở khu vực xung quanh trán và mắt sẽ thư giãn, đầu óc được tỉnh táo…

Đặc biệt, có thể tránh chứng mất ngủ. Theo Ayurveda (phương pháp thư giãn cổ truyền của y học Ấn Độ), một trong những lý do phổ biến nhất của chứng mất ngủ là căng thẳng thần kinh, mệt mỏi và làm việc quá sức. Nhấn vào vị trí giữa hai chân mày không chỉ có tác dụng làm dịu tâm trí mà còn giúp thư giãn các cơ trên mặt, cổ, lưng và các vị trí khác trên cơ thể.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.