Cụ Phan hay cãi

.

“Quảng Nam hay cãi”, một thành ngữ khá quen thuộc đã góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa Quảng Nam xưa và nay. Bỏ qua những trường hợp bảo thủ, cố chấp, người Quảng Nam hay cãi, trước hết vì có lòng nhiệt thành muốn khẳng định, bảo vệ một lý lẽ, một chân lý (mà mình cho là đúng đắn); “hay cãi” còn biểu hiện sinh động của trí tuệ uyên bác, bản lĩnh vững vàng và tinh thần bất khuất, không chấp nhận bất công, cường quyền. Cụ Phan Châu Trinh là một trong những gương mặt tiêu biểu như vậy.

Chân dung Phan Châu Trinh và sách Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử của Huỳnh Thúc Kháng.  (Ảnh tư liệu)
Chân dung Phan Châu Trinh và sách Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử của Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh tư liệu)

Trong cuốn Giai nhân Kỳ ngộ, cụ Huỳnh Thúc Kháng có thuật lại một câu chuyện rất lý thú về “tính không chịu khuất” của cụ Phan Châu Trinh khi còn là học trò với một quan huấn (tức huấn đạo - chức quan trông nom việc học trong một huyện, có quyền lấy hay bỏ học trò trong lúc khóa hạch).

Chuyện rằng, thời phong kiến, hễ cứ đến Tết Đoan ngọ, Tết Nguyên đán, học trò phải có lễ thúc tu (tức lễ học trò Tết thầy). Đây là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện đạo lý “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Tiếc thay, nghĩa cử này, ngay từ thời bấy giờ, đã nhuốm màu “thương mại hóa”: một số quan huấn, quan giáo (giáo thọ) nhân đây nhận hối lộ của học trò (học trò dốt mà đi lễ nhiều cũng được đỗ đạt).

Một ngày nọ, cụ Phan cùng với 2 người bạn bưng một mâm gạo, trên có đặt 3 quan tiền, tới trường xin vào yết kiến quan huấn. Tên lính hầu gác cửa liếc mắt thấy lễ vật ít liền đóng cửa, bỏ vào phía trong. Gõ cửa mãi mà không thấy ai ra, cụ Phan đập mạnh cửa như muốn xô mà vào. Tên lính hầu bực bội ra ngăn trở, lấy cớ quan đang có khách và la lớn rằng: “Trò này vô lễ”. Rất nhanh, cụ Phan giả vờ đụng tên lính hầu một cái, sẩy tay làm đổ mâm gạo, rồi lượm tiền đi về.

Nghe tên lính hầu bẩm báo, quan huấn giận lắm, liền gửi giấy xin quan huyện bắt Phan Châu Trinh trị tội. Khi sai nha đến bắt, cụ Phan bình tĩnh mang theo đồ đi câu cá. Đến cầu cống làng Chiên Đàn, ông bảo người bạn rằng: “Chiều nay tôi lại ngồi câu ở đây!”.

Tại huyện đường, quan huyện lớn tiếng nạt: “Sao anh là học trò mà lại vô lễ với thầy anh?”. Cụ Phan điềm nhiên đáp lại: “Học trò đã mang lễ thúc tu đến xin yết thầy, sao gọi là vô lễ? Cự không cho vào và xô đuổi mắng nhiếc làm ra sự bất lịch sự là tại tên hầu. Không trị tội tên hầu đó, mà thiên nộ tới học trò, lại làm phiền tới quan lớn phải hạ trát văn, phải sai dịch tới tận làng, tận nhà, bắt một tên học trò như nã một tên bợm, ấy là thầy tôi đã tự xử vào chỗ vô lễ rồi, quan lớn không cần hỏi kỹ nữa”.

Quan huyện thấy đương sự nói lời ngay, lý thẳng và có khí sắc cứng cỏi, vững vàng bèn cho qua.
Đúng hẹn, chiều hôm ấy, cụ Phan về ngồi câu cá tại cống Chiên Đàn. Mọi người hỏi vì sao quan huyện không giam phạt, ông giảng giải: “Quan huyện là một tay rất rành việc lại (quan) nên ông ta thừa hiểu: Lấy một ông quan huyện trị một anh học trò, nếu hơn không ai khen, thua lại mang tiếng. Huống chi việc này là do quan huấn vì tư thù nên muốn cậy thế làm bậy đó thôi. Ma bắt coi mặt người ta, quan huyện gian hùng đời nào chịu ra tay làm thay những việc đó đâu!”.

Vì chuyện trên, quan huấn rất căm giận Phan Châu Trinh, chờ cơ hội trả thù. Đến kỳ sát hạch thi, quan huấn bèn thảo một tờ tư gửi lên quan đốc học và quan tỉnh, bẩm rằng: Tên Phan Châu Trinh vô hạnh, lại là con của quan ngụy (cha Phan Châu Trinh là Phan Văn Bình từng giữ chức Chuyển vận sứ của Nghĩa hội Quảng Nam) nên xin đừng cho vào hạch thi. Tờ tư chưa kịp gửi đi thì cụ Phan đã biết được. Cụ tìm gặp ngay quan huấn để hỏi cho rõ nguồn cơn. Đụng phải lý lẽ ngay thẳng và thái độ gay gắt của người học trò “bướng bỉnh”, vị quan huấn bị đồng tiền làm lóa mắt này lúng túng, không trả lời được câu nào. Trước đông đảo học trò, cụ Phan tuyên bố thẳng thừng: “Tờ tư ấy mà phát ra thì là cái thù không đội trời chung, chứ không còn là thầy trò chi nữa!”.

Quan huấn quá khiếp sợ, giấu biến tờ tư đi và chỉ bẩm miệng mà thôi. Cụ Phan sau đó vô sự nhờ quan đốc học Mã Sơn (tức Tiến sĩ Trần Đình Phong, người Nghệ An - ĐNCT) đã biết tiếng học giỏi nên có ý bênh vực, không truy xét.  

Cũng theo chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, khi Phan Châu Trinh làm Thừa biện Bộ Lễ - một chức quan nhỏ ở triều đình Huế, có lần cùng một số người bạn say sưa ngồi bình luận văn chương Âu Dương Tu và Tô Đông Pha (hai đại văn hào thời Tống – Trung Quốc) tại nhà Đào Nguyên Phổ. Vừa lúc ấy, có quan Ngự sử (một quan chức đặt ra để can gián vua) họ Huỳnh đến, lớn tiếng hỏi: “Các anh không phải Âu, Tô sao dám bàn văn Âu, Tô?”.

Thấy câu hỏi đúng giọng giáo điều, kẻ cả, Phan Châu Trinh liền tiến lên chào và trả lời: “Cứ như lời quan lớn nói thì chức Ngự sử triều đình cũng hư thiết đó thôi!”.

Giận tím người vì một tên quan nhỏ lại dám phạm thượng (cho rằng chức Ngự sử lập ra không thực tế), Huỳnh Ngự sử nén giận, hỏi lại: “Anh nói cái gì vậy?”.

Phan Châu Trinh ung dung đáp: “Không phải Thiên tử (vua) không nói việc Thiên tử, không phải Tể tướng không dám bàn việc Tể tướng thì chức Ngự sử không phải hư thiết đó sao?”.

Nghe lối lập luận chắc như đinh đóng cột ấy, mọi người cùng cười ồ lên. Còn vị Ngự sử kia quá thẹn thùng, không nói không rằng, chuồn thẳng!

Trong phần Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử, cụ Huỳnh cho hay: Khi cụ Phan từ Pháp về, tàu cập bến Vũng Tàu, hành lý của ông bị nhân viên thương chánh kiểm soát. Khi bị hỏi tên, ông thản nhiên trả lời: “Đồ của tôi đó, ông hãy kiểm soát đi, không cần phải hỏi tên họ”. Quá giận, viên thương chánh kia nói: “Tôi qua An Nam 10 năm, chưa thấy người An Nam nào như anh!”.

Phan Châu Trinh ăn miếng trả miếng ngay: “Tôi ở Pháp 15 năm cũng chưa thấy người Pháp nào như ông”. Nói xong, ông giở túi lấy thuốc lá hút. Viên thương chánh hỏi: “Sao lại ở đây mà hút thuốc?”. Cụ Phan cãi: “Tôi xem cả tờ yết thị dán ở đó, không thấy cấm hút thuốc”.

Viên thương chánh nọ đành phải chào thua trước lý lẽ sắc bén của nhà ái quốc họ Phan xứ Quảng!  

VÂN TRÌNH

;
;
.
.
.
.
.