Vị sứ thần không làm nhục mệnh vua

.

* Tôi nhớ loáng thoáng rằng có một sứ thần nước ta đi sứ sang Trung Hoa, vì giữ sĩ diện quốc gia bằng một vế đối có liên quan đến trận đánh tan tác quân Nguyên trên sông Bạch Đằng mà bị vua xứ Tàu ra lệnh giết chết. Xin cho biết hành trạng của vị sứ thần này và câu đối đó. (Hoàng Ngọc, Hải Châu, Đà Nẵng)

Mộ Thám Hoa Giang Văn Minh. Ảnh: Internet
Mộ Thám Hoa Giang Văn Minh. Ảnh: Internet

- Vị sứ thần này tên là Giang Văn Minh (1573 – 1638), tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung, người làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Lộc (nay thuộc thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

Ông đỗ Đình nguyên Thám hoa (không có Trạng nguyên, Bảng nhãn) khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Lê Thần Tông, sau khi đỗ đầu thi Hội (Hội nguyên). Làm quan trải qua nhiều chức, đến năm Dương Hòa năm thứ 3 (1637), ông và một vị khác được cử làm Chánh sứ dẫn đầu 2 đoàn sứ sang triều Minh bên Tàu.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (NXB Khoa học xã hội - Hà Nội, 1998) chép rằng, khi ông vào triều kiến, vua Minh Tự Tông (niên hiệu Sùng Trinh 12) ra vế đối đầy vẻ dương dương tự đắc và mang tính hăm dọa sứ thần Đại Việt (quốc hiệu của nước ta bấy giờ): “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng đến nay đã phủ rêu xanh).

Minh Tự Tông có ý nhắc việc tên tướng Mã Viện đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở những năm đầu Công nguyên rồi cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, nghĩa là Cột đồng gãy thì Giao Chỉ (Đại Việt) bị diệt vong. Qua câu đối này, vua Minh còn ngầm bảo Đại Việt chẳng qua là nước nhỏ, đại quốc như nước Minh chỉ cần ra quân một lần là có thể san bằng thành quách...

Trước thái độ ngạo mạn, khinh thường của vua quan triều Minh, Chánh sứ Giang Văn Minh ung dung, từ tốn, ứng tác ngay vế đối: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn còn nhuộm đỏ).

Câu đối nhắc lại việc trước đó quân Nam Hán và quân Nguyên (dân gian nước ta ngày nay gọi chung là quân Tàu) chết như rạ ở sông Bạch Đằng trong chiến công lẫy lừng của Ngô Quyền và Hưng Đạo Vương, đến nay máu vẫn còn nhuộm đỏ dòng sông. Câu đối như một cú tát thẳng vào mặt vua quan nhà Minh. Vừa thẹn vừa tức sinh ra nóng giận, bất chấp luật lệ bang giao, vua Minh cho người mổ bụng xem “sứ thần An Nam to gan đến đâu”. Đó là ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639).

Nhưng rồi Minh Tự Tông tan cơn giận, lại tỏ lòng kính trọng người khảng khái, bèn cho ướp xác Chánh sứ Giang Văn Minh bằng bột thủy ngân và cho sứ bộ nước ta đưa thi hài về nước.

Linh cữu Giang Văn Minh được quàn tại quê nhà của ông. Vua Lê Thần Tông cho cử hành quốc tang và chính vua viết bài điếu văn khóc ông, trong đó có đoạn: “Thục bất hữu sinh, sinh như công dã, sinh ư khoa giáp, kỳ sinh dã vinh/ Thục bất hữu tử, tử như công dã, tử ư quốc sự, kỳ tử do sinh” (Ai mà chẳng sống, sống như ông vậy, sống đỗ đạt khoa giáp, thật là đáng sống/ Ai mà chẳng chết, chết như ông vậy, chết vì việc nước, thì cái chết như sống mãi).

Vua truy phong ông chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh Quận công, ban tặng ông câu “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (Vị sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).

Hiện tại, nhà thờ ông ở Mông Phụ đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Khách về Đường Lâm tham quan vùng đất nổi tiếng “một ấp sinh hai vua” (Phùng Hưng, Ngô Quyền) không bỏ lỡ cơ hội đến viếng mộ “Vị sứ thần không làm nhục mệnh vua”.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.
.