.

Chuyện ông Hóng

.

Ông Hóng từng sống nhiều năm ở xóm Hoàng Châu tại Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa, dinh Quảng Nam; nay thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên.

Mộ Mạc Cảnh Huống trên núi Trà Kiệu.
Mộ Mạc Cảnh Huống trên núi Trà Kiệu.

Ông tên thật là Mạc Cảnh Huống, nhưng dân chúng tỏ lòng tôn trọng (hoặc do kỵ húy) đã đọc trại “Huống” thành “Hóng”.

Mạc Cảnh Huống (1542 - 1677), có tên húy là Lịch, lúc nhỏ gọi là Hoàng tử Lý Hòa, là cháu nội của Mạc Đăng Dung, con trai út của Mạc Đăng Doanh, em của  Mạc Kính Điển, có quê gốc ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Năm lên 7 tuổi, ông theo người ông nội chú là Mạc Đăng Lượng vào sống ở Hoan Châu (Nghệ An). Năm 17 tuổi ông cưới bà Nguyễn Phúc Ngọc Dương, em gái của Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng.

Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên (NXB Thuận Hóa, 1993, trang 81) cho biết: “Năm Mậu Ngọ (1558), mùa đông, Thái Tổ (tức Nguyễn Hoàng) vào Nam trấn thủ Thuận Hóa. Cảnh Huống đem gia quyến đi theo, làm quan đến Thống binh, tham mưu trong màn trướng, giúp việc lúc khai quốc”.

Nhưng theo gia phả của tộc Mạc (Nguyễn Trường) còn lưu ở làng Trà Kiệu thì Mạc Cảnh Huống đã đưa gia quyến vào Thuận Hóa năm 1568 theo Nguyễn Hoàng. Không hiểu tài liệu nào chính xác nhưng chắc chắn một điều Mạc Cảnh Huống đã phò Nguyễn Hoàng từ rất sớm và lập được nhiều công trạng.

Nhiều người vẫn thắc mắc vì sao một hoàng tử của nhà Mạc lại hết lòng phò người ở phía đối địch với vương triều của dòng tộc mình. Điều này có lẽ xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết là từ sự suy yếu của vương triều Mạc vào lúc đó. Sau đó phải kể đến mối quan hệ bên vợ của ông (chắc gì bà Ngọc Dương đã không rỉ tai chồng lẽ thiệt hơn về sự chọn lựa cho tương lai). Mặt khác lúc này Nguyễn Hoàng đã hé lộ tư tưởng “cát cứ”, muốn lập một lãnh địa mới thoát khỏi sự khống chế của họ Trịnh. Mà có lẽ đối với Mạc Cảnh Huống thì “kẻ thù của kẻ thù ta chính là bạn ta”. Phải chăng đây là “cảnh huống” (tình huống xảy ra trong một hoàn cảnh nhất định) để Hoàng tử Mạc Lý Hòa đổi tên thành Mạc Cảnh Huống? (từ “mạc cảnh huống” vốn có nghĩa là: đơn giản chỉ do hoàn cảnh mà ra). Sau này khi đi tu ông cũng đã chọn pháp danh Thuyền Cảnh Chân Tu (bậc chân tu của con thuyền chở hoàn cảnh).

Mạc Cảnh Huống có thiên tư về quân sự, đã giúp chúa Nguyễn hoạch định chiến lược quân sự ngay từ buổi đầu dựng nghiệp trên vùng đất mới, cùng với Nguyễn Ư Kỷ và Tống Phước Trị. So với hai công thần này, Mạc Cảnh Huống là người phục vụ lâu dài nhất, trải qua 3 đời Chúa: chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan.  

Ông là vị chỉ huy tối cao của quân đội Đàng Trong, người vạch ra chiến lược quân sự để chống quân Trịnh ở phía Bắc và bình định Chiêm Thành ở phương Nam. Dưới thời Nguyễn Hoàng, ông có công lớn trong công cuộc Nam tiến, mở rộng bờ cõi Đại Việt về phía Nam, đánh chiếm Đồng Xuân và Tuy Hòa của Chămpa vào năm 1611. Để ghi nhận công lao của ông, năm 1617, Nguyễn Hoàng tấn phong ông chức Nguyên huân Sư Thống thủ Thống Thái phó.

Dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, vào năm 1621, ông đã dùng đường lối hòa bình, bình định bộ tộc Man ở Ai Lao thường hay cướp bóc, quấy rối ở biên giới phía Tây. Tiếp đó, vào các năm 1627 và 1633  ông cũng góp công vào chiến thắng quân Trịnh do các tướng Nguyễn Khải và Nguyễn Danh Thế theo lệnh của chúa Trịnh Tráng đánh vào Đàng Trong.

Sau khi Nguyễn Phúc Nguyên mất, Mạc Cảnh Huống hết lòng phò tá chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan suốt 4 năm từ 1635 - 1639, dù lúc này ông đã ngoài 90 tuổi.

Để ghi nhớ công lao của Mạc Cảnh Huống, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã gả trưởng nữ của mình là Nguyễn Phúc Ngọc Liên cho Mạc Cảnh Vinh, trưởng nam của Mạc Cảnh Huống, rồi cho vị phò mã này được mang quốc tính (họ Nguyễn) và cử làm Trấn thủ đầu tiên dinh Trấn Biên (Phú Yên) từ 1629 đến 1643. Họ Mạc từ đây cũng được đổi thành họ Nguyễn. Đến thời Tây Sơn để tránh sự trả thù, họ Nguyễn Hữu của Mạc Cảnh Vinh được đổi thành Nguyễn Trường và trở thành tộc họ lớn của Duy Xuyên cho mãi đến ngày nay.

Mạc Cảnh Huống cũng là tác giả của Binh thư trận đồ. Cuốn sách tổng kết kinh nghiệm bình Chiêm chống Trịnh của ông đã giúp ích rất nhiều cho quân đội của các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn sau này.
Năm Mậu Dần (1639), khi ở tuổi 96, Mạc Cảnh Huống từ quan và chọn làng Trà Kiệu để định cư và trở thành thủy tổ của tộc Mạc tại đây. Ngày nay khu vực từ trong thành đến bờ suối, từ Xóm Củi giáp Duy Trung đến hết Nhà thờ Lớn là địa bàn của xóm Hoàng Châu ngày xưa vốn là khu vực sinh sống của gia đình Mạc Cảnh Huống. Thế lực của gia tộc rất lớn, nhất là sau khi họ Mạc được mang quốc tính, vì thế dân địa phương không dám gọi tên “Huống” mà đọc trại thành “Hóng”.

Đến năm Đinh Mùi (1667) khi ở tuổi 125, Mạc Cảnh Huống cho trùng tu ngôi chùa trên đồi Bửu Châu có tên là Bửu Sơn Châu Tự và trở thành trụ trì với pháp danh Thuyền Cảnh Chân Tu. Dân trong vùng tôn ông là vị “Phật sống”. Ông viên tịch vào ngày mồng 1 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1677), thọ 135 tuổi, được an táng ngay trong vườn chùa.

Khi lên ngôi, vua Duy Tân (1907 - 1916) khi đánh giá lại công lao của các huân thần trong buổi sơ khai xây dựng vương triều, ngày 24-12-1907 đã ban sắc truy phong Mạc Cảnh Huống là bậc khai quốc công thần của triều Nguyễn.

Năm 1927, khu đồi Bảo Châu được quy hoạch để khai quật khảo cổ, mộ ông được dời về hòn Non Trược cách đồi Bảo Châu 200 mét. Hiện nay trên núi Trà Kiệu, trong khu lăng mộ của Mạc Cảnh Huống ngoài mộ ông còn có mộ bà Nguyễn Phúc Ngọc Dương, mộ Mạc Cảnh Vinh và  Công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Liên.

LÊ BÌNH TRỊ

;
.
.
.
.
.