.

Chữa bệnh cho tượng

.

Ai xóa vết thời gian rêu phong trên những gương mặt Chămpa trầm tư mặc tưởng...

Cầm dao mổ, xóa bụi mờ

Gặp anh Nguyễn Hồ khi anh đang mải mê quẩn quanh với những đài thờ, tượng thần vừa mới được tu bổ xong. Vỗ vỗ vào tượng Thần Gác cửa, anh nói: “Số này sắp được trưng bày theo phòng Đồng Dương”. Nghề bảo quản tượng Chăm theo gót mấy anh em ở Phòng Sưu tầm – Bảo quản (thuộc Bảo tàng Điêu khắc Chăm) như một nghiệp phận. 7 năm trước, anh Hồ chuyển từ ngành sưu tầm sang bảo quản.

Anh Đỗ Hoàng Đạo từ khi mới đặt chân vào Bảo tàng đã bị hút theo công việc này. Và một sinh viên ngành Văn hóa vừa tốt nghiệp cũng về đây, gắng công đeo đuổi. Nếu không vì đam mê, không vì sự cuốn hút kỳ lạ của sức sống và vẻ đẹp Chămpa, hẳn không ai đủ kiên nhẫn để ngồi nhiều giờ liền, từ ngày này qua ngày khác, tháng kia qua tháng nọ chỉ để gỡ nhẹ từng chút bột xi măng in hằn trên da tượng, xóa đi vết cũ mốc xám xịt chỉ chực làm hoại tử mảng tượng quý.

Giơ chiếc dao mổ không khác gì đồ nghề bác sĩ, anh Đạo cười: “Dao mổ là dụng cụ được sử dụng thường xuyên khi bảo quản tượng”. Trước hết phải gỡ hết lớp xi măng do người bảo quản trước kia phết dính lì vào tượng. Khi đó, dao mổ được lách vào từng thớ xi măng cứng, nhẹ nhàng gỡ từng chút tạo lỗ trống, sau đó mới dám dùng đục lôi cả mảng ra, để khỏi làm hư hỏng hiện vật.
 
Vết sần sùi có khi là cục xi măng to tướng, miếng vôi vữa bám dính, hoặc là vết vôi như dòng chỉ trắng dài chạy suốt thân tượng. Vừa quan sát, vừa trò chuyện với họ chưa được một giờ, tôi đã thấy chồn chân, họ vẫn thản nhiên như không: “Người bảo quản phải cực kỳ kiên trì”. Không kiên trì, chút nóng vội sẽ làm nên sơ suất. Và sơ suất, dù nhỏ đã có thể làm mất đi giá trị linh thiêng của cả một hiện vật nghệ thuật. “Chúng tôi không cho phép mình sai sót. Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ mang tội rất nặng với di sản, vì đã không bảo tồn mà còn phá hư”, anh Hồ khẳng định.

Dùng dao mổ gỡ nhẹ từng chút vôi vữa bám trên tượng Chăm.
Quy phục vết thời gian

Quen tay làm trong gần 10 năm nay, nhưng chẳng bao giờ các cán bộ bảo quản bắt tay phục chế tượng một cách dễ dàng. Tượng Chăm muôn hình muôn vẻ, mỗi mẫu vật ẩn hiện một oai linh riêng, phong thái riêng, đòi hỏi có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Anh Hồ dẫn tôi đi khắp lượt các tượng đã được tu bổ ở Bảo tàng Chăm.

Theo anh, bức tượng Thần Siva phát hiện ở khu C1 thánh địa Mỹ Sơn là mẫu tượng quý hiếm, cực kỳ giá trị mà hầu hết các chuyên gia đều “le lưỡi” không dám đụng vào. Lúc được đem về Bảo tàng, chân của kiệt tác này trong tình trạng gãy làm 4 mảnh. Chưa hết, do kỹ thuật bảo quản trước đây còn thấp, tượng được gia cố bằng hai thanh sắt, nay đã phai mòn theo thời gian, sắt rỉ làm bung hết cả lớp xi măng đắp đổi bên ngoài.
 
Các chuyên gia của Bảo tàng Chăm phải đục lấy sắt ra, và đưa vào hai chốt kim loại không rỉ được bao bọc trong một lớp hóa chất để giữ vững tượng. Phần chân bị thiếu được đắp bằng loại vữa pha trộn tổng hợp từ cát, vôi, keo, màu với tỷ lệ hợp lý. Để phần tu bổ sát hợp với tinh thần hiện vật, mỗi bức tượng cũng cần một cách chế biến hỗn hợp riêng, sao cho màu hỗn hợp trùng khớp màu tượng. Trong những bức tượng Thủy quái Makara, Chim thần Garuda, Thần Gác cửa... được du khách trầm trồ chiêm ngưỡng như chưa từng có vết sẹo, lẩn khuất bàn tay tài hoa, đẽo gọt kỳ công của họ, mà chúng tôi xin gọi là những nghệ sĩ phục chế.

Anh Nguyễn Hồ: “Tượng Thần Siva này là loại tượng cực kỳ khó phục chế đã được chúng tôi, dưới sự giúp sức của các chuyên gia Pháp phục chế thành công”.

Bất kỳ ai đến với nghệ thuật Chăm, cũng coi đó là thử thách. Như anh Lê Công Dũng - nghệ nhân điêu khắc của Trung tâm Điêu khắc đá Đà Nẵng, từng làm rất nhiều tượng đá, nhưng khi thực hiện phiên bản tượng Thần Ganesa theo tỷ lệ 1:1 đã không giấu lo ngại: “Nghệ thuật Chăm là loại hình quá nổi tiếng, nên khó khăn nhất của chúng tôi là bắt đuợc linh hồn của tượng, để người chiêm ngưỡng có thể cảm nhận đúng theo những gì mà nguyên bản có”.

Theo anh, tượng Chăm là dạng hình khó nhất trong tất cả các loại tượng mà anh đã từng chế tác. Học tập tinh thần Chămpa từ các tượng, kết hợp điêu luyện giữa kỹ thuật – khoa học phương Tây và nghệ thuật điêu khắc đá Non Nước mới có thể tự tin cầm dụng cụ.

Dường như một sức mạnh vô hình nào đó đã giúp họ làm nên kỳ tích: phục chế thành công gần 100 tượng trong 7 năm. Vết thời gian sẽ chịu khuất phục, để linh hồn, vật thể Chămpa còn vĩnh viễn trường tồn...

 

Việc bảo quản, phục chế tượng Chăm theo khoa học bắt đầu tại Đà Nẵng từ năm 2001. Trước đó, người ta chỉ phục chế bằng cách trám xi măng vào những chỗ sứt mẻ, đun sắt vào thân tượng để gia cố và giữ cho khỏi ngã đổ, gắn kết tượng vào tường..., làm tượng dễ hư hỏng thêm.

Với sự trợ giúp về chuyên môn của các chuyên gia Bảo tàng Guimet (Pháp), cán bộ Phòng Sưu tầm – Bảo quản của Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã phục chế gần 100 mẫu tượng Chăm, cái “nặng” nhất bị lìa đầu và vỡ làm nhiều mảnh. Guimet cũng giúp đào tạo tại chỗ cán bộ kỹ thuật bảo quản và phục chế hiện vật bằng đá cho Bảo tàng trong nhiều năm qua.

H.V (Ghi theo lời anh Nguyễn Hồ, Phó Phòng Sưu tầm – Bảo quản, Bảo tàng Điêu khắc Chăm)

 

HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.