.
CỰU CHIẾN BINH NHỚ LẠI

Trận đánh thần tốc vào sân bay Đà Nẵng

.

Năm 1965, quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, chiếm đóng nhiều nơi trên địa bàn thành phố, hòng xây dựng căn cứ chiến lược, phát triển lực lượng để mở rộng chiến tranh, đánh phá miền Bắc nước ta. Ngay trong những ngày đầu quân Mỹ đến đây, Đại đội bộ đội đặc công Đà Nẵng đã lên kế hoạch và thực hiện trận đánh phủ đầu tại sân bay Đà Nẵng, khiến quân địch một phen kinh hồn, bạt vía. Đến nay, đã gần 44 năm trôi qua, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Trần Kim Hùng, nguyên Chính trị viên Đại đội bộ đội đặc công Đà Nẵng vẫn còn nhớ như in trận đánh lịch sử này.  

Bối cảnh lịch sử

Đại tá Trần Kim Hùng xem lại nhật ký trận đánh sân bay Đà Nẵng.

Gặp chúng tôi tại nhà riêng ở tổ 14, phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê), Đại tá Trần Kim Hùng bồi hồi kể lại: Năm 1965, quân Mỹ đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng. Lính Mỹ chiếm đóng ở nhiều nơi như: Sân bay Nước Mặn, kho xăng Liên Chiểu, sân bay Đà Nẵng… Trong đó, tại sân bay Đà Nẵng, chúng có hơn 200 giặc lái, nhân viên kỹ thuật và sĩ quan cao cấp cùng với 200 máy bay chiến đấu. Trước tình hình trên, chủ trương của trên là tìm mọi cách xây dựng lực lượng đánh phủ đầu vào sân bay Đà Nẵng để tiêu diệt địch, phá hỏng phương tiện chiến đấu, cũng như phá vỡ âm mưu xây dựng căn cứ chiến lược, mở rộng chiến tranh của chúng. Đồng thời, lập chiến công trả thù cho 45 học sinh ở Mân Quang bị quân Mỹ sát hại trước đó.

Vào thời điểm này, tại nhiều địa phương của Quảng Nam-Đà Nẵng, bộ đội và du kích đã tổ chức nhiều trận đánh làm bọn Mỹ-ngụy bị tổn thất nặng nề cả nhân lực và vật lực, buộc chúng co cụm vào đồn bốt. Vùng giải phóng Quảng Đà và ven đô do ta làm chủ nhiều nơi, cơ sở chính trị và phong trào đấu tranh của các lực lượng địa phương vững mạnh. Trong không khí đấu tranh sôi nổi, mạnh mẽ này, ngày 19-5-1965, Đại đội bộ đội đặc công được thành lập, với quân số trên 70 người, do đồng chí Phạm Duy Đài làm Chỉ huy trưởng và đồng chí Trần Kim Hùng làm Chính trị viên. Nhiệm vụ của Đại đội đặc công được cấp trên giao phó lúc bấy giờ là đánh quân Mỹ ở kho xăng Liên Chiểu, sân bay Nước Mặn và sân bay Đà Nẵng.

Đánh địch rệu rã trong 25 phút

Để đánh quân Mỹ tại sân bay Đà Nẵng, Chỉ huy trưởng Đại đội đặc công Phạm Duy Đài và Chính trị viên Trần Kim Hùng đã lên kế hoạch đánh trong khoảng thời điểm “2 con trăng” (tức là trong hai mùa trăng tháng 5 và 6-1965). Sau khi nghiên cứu kỹ sơ đồ địa hình của sân bay, chọn vị trí đánh mở màn… 2 tổ trinh sát (mỗi tổ 15 đồng chí) đã bí mật đào hầm tiến vào sát sân bay.

Mọi phương án đánh địch đã hoàn tất, đúng vào lúc 0 giờ 28 phút ngày 30-6-1965, Đại đội đặc công đã dùng các loại súng cối 81, bộc phá... đồng loạt tấn công phủ đầu quân Mỹ ở sân bay Đà Nẵng làm chúng trở tay không kịp. Chỉ sau 25 phút đánh thần tốc, bộ đội đặc công Đà Nẵng đã tiêu diệt và làm bị thương 271 sĩ quan và giặc lái Mỹ, phá hủy 59 máy bay chiến đấu các loại, 50 xe quân sự, 3 giàn tên lửa và một nhà máy đèn, khiến cho những tên lính không quân Mỹ còn lại hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Về phía ta, nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng cho trận đánh từ trước, nên chỉ có 3 đồng chí bị thương. 
 
Sau chiến thắng vang dội ở sân bay Đà Nẵng, ngày 5-8-1965, Đại đội đặc công Đà Nẵng tiếp tục tấn công tiêu diệt địch, đốt kho xăng Liên Chiểu và ngày 27-10 tiếp tục tiêu diệt gọn quân Mỹ tại sân bay Nước Mặn. 

Trước những chiến công vang dội của Đại đội đặc công Đà Nẵng, người dân lúc bấy giờ đã sáng tác câu ca để ca ngợi thành tích của các anh: “Mân Quang rực lửa căm hờn. Đà thành dậy sóng dìm quân bạo tàn. Quân về có vạn tấm lòng. Quân dân nhất quyết, đừng hòng ở đây”. Còn quân Mỹ, khi nghe nhắc đến Đại đội đặc công Đà Nẵng, bọn chúng càng hoang mang, lo sợ.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.