.

"Quả tim lửa" ở quốc tự Tam Thai

.

Chùa Tam Thai ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện giữ một tấm kim bài bằng đồng có hình lá đề, được gọi là “quả tim lửa”.

Tương truyền, cả hai mặt “Quả tim lửa” đều khắc chữ rập theo ngự bút của vua Minh Mạng. Ảnh: L.G.L
Tương truyền, cả hai mặt “Quả tim lửa” đều khắc chữ rập theo ngự bút của vua Minh Mạng. Ảnh: L.G.L

Lá đề thì chả ai lạ gì, bởi đó là một biểu tượng của Phật giáo. Nhưng ở đây là vô giá, bởi trên đó khắc những dòng chữ được cho là rập theo ngự bút của vua.

Trong quần thể Ngũ Hành Sơn thì Thủy Sơn, theo thượng lệnh của các vua triều Nguyễn, là ngọn núi của quốc gia, được vua Minh Mạng ngự du nhiều nhất với 3 lần. Đó là các năm Minh Mạng thứ sáu (1825), thứ tám (1827) và thứ mười tám (1837). Hai tháng, sau lần vãng cảnh đầu tiên, vua đã cho xây dựng hai con đường bằng bậc đá dẫn lên núi, một ở phía tây nam (nay là cổng số 1) lên chùa Tam Thai và một ở phía đông (cổng số 2) lên chùa Linh Ứng. Cũng năm này, vua đã đặt tên chùa là Tam Thai và phong quốc tự.

Tự nhận mình chỉ là kẻ hậu sinh, Thượng tọa Thích Huệ Mãn, trụ trì Tam Thai tự, bảo rằng những gì diễn ra trước đây ở chùa mà thầy biết được là do xem qua thư tịch và nghe các sư thầy lớp trước kể lại. Rằng xưa một lần khi chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) thất trận chạy ra biển gặp một hòn đảo, nguyện nếu được nước ngọt thì sẽ tạ ơn Trời Phật. Nước ngọt tuôn ra, thoát chết, mọi người tìm vào đất liền thì gặp giữa cảnh núi non u tịch một thiền sư đang thuyết giảng trong động. Chúa phát nguyện, nếu thắng Tây Sơn sẽ về lập cảnh chùa. Về sau, khi phục quốc xong, vua Gia Long mải lo việc triều chính nên di ngôn cho vua Minh Mạng lo hoàn thành đại nguyện.

Năm Minh Mạng thứ sáu (1825), vua cho xây dựng lại chùa Tam Thai, sức cho quan dân đưa vật liệu lên xây chùa, biến cảnh hoang vu thành nơi phát triển đạo Phật. Chuyện này, dân gian còn nhắc: Gia Long phát nguyện, Minh Mạng lập chùa.  Cùng với đó, vua cho đúc 9 pho tượng và 3 quả chuông lớn, cho xây gần chùa một hành cung để vua và các quan lại triều đình có chỗ nghỉ ngơi mỗi khi vãng cảnh...

Khi hoàn nguyện, khánh thành chùa, vua Minh Mạng ban một tấm biển ghi (phiên âm theo nguyên văn Hán tự): “Ngự chế Tam Thai tự, Minh Mạng lục niên phụng tạo”. Tạm dịch: Ngự chế chùa Tam Thai, lập năm Minh Mạng thứ sáu. Kèm theo đó là một phiến đồng (gọi là tấm kim bài) hình chiếc lá đề, chiều rộng nhất 45cm, chiều hẹp nhất 35cm, chung quanh có hình tượng tia lửa đang cháy nên được gọi là “Quả tim lửa”.

“Quả tim lửa” hiện được đặt ở Nhà Tổ phía sau chánh điện. Mặt trước ghi: “Ngã Như Lai dĩ pháp vương ngự thế, hoằng tế nhân thiên biến hiện thập phương hư không thường trú, tác thập đại công đức nhi viêm phương độc hậu yên”. Tạm dịch: “Đức Như Lai của ta đã cai quản thế gian này bằng pháp môn vô thượng, rộng lòng tế độ cho trời người, thoắt ẩn thoắt hiện khắp mười phương hư không thường trú, tạo ra mười công đức lớn mà không chỉ riêng nước Nam ta chịu ân huệ sâu dày này”. Mặt sau ghi: “Minh Mạng lục niên kiết nhật tạo”. Tạm dịch: Làm vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ sáu.

Theo thầy Huệ Mãn, từ ngày lập chùa đến nay, Tam Thai tự đã trải qua 16 đời trụ trì truyền thừa hoằng dương Phật pháp. Vì thời gian cũng như chiến tranh tàn phá không ít nên chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu và mỗi lần trùng tu như vậy, bảo vật của vua Minh Mạng ngự ban đều được các thế hệ sư trụ trì gìn giữ, bảo quản nghiêm ngặt.

Ngày 16-8-2013, “Quả tim lửa” lần đầu tiên “hạ sơn” sau gần hai thế kỷ để tham gia cuộc triển lãm “Tinh hoa cổ vật Phật giáo Việt Nam” diễn ra tại Bảo tàng Đà Nẵng nhân lễ Vu lan 15-7 âm lịch. Lần đó, hòa mình với hơn 80 cổ vật là các tuyệt tác được tuyển chọn trong hàng nghìn cổ vật đang lưu giữ tại các chùa và các nhà sưu tập tư nhân nổi tiếng ở Đà Nẵng, “Quả tim lửa” lặng lẽ rực lên lời tán tụng công đức của Đức Như Lai qua nét chữ được cho là rập theo ngự bút của vị vua từng ba lần ngự du đến Ngũ Hành Sơn

Biết bao khách vãng cảnh chùa nhưng có mấy ai biết rằng nơi đây vẫn còn lưu giữ “Quả tim lửa” với bút tích của một vị vua được cho là anh minh nhất triều Nguyễn trong suốt 190 năm qua. Đó là một trong những dấu ấn làm nên sự khác biệt cho danh thắng Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng. Chính vì vậy, vào tháng 11-2014, “Quả tim lửa” cùng với 3 hiện vật khác của Đà Nẵng là Bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật, Bia Nghĩa trủng Phước Ninh và Bia chùa Long Thủ đã được UBND thành phố Đà Nẵng lập công văn trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.