Nguyễn Ngọc Tư và những cuộc trôi huyễn hoặc

.

"Chẳng cuộc trôi nào là vô tình hết, bản thân sự nổi trôi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời. Sớm hay muộn thì cũng có kẻ nhận lời". "Trôi" là tập truyện ngắn gồm 13 truyện đặc sắc mới nhất của Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ phát hành tháng 11-2023.

Bất cứ một cuốn sách mới nào của Tư chuẩn bị ra mắt cũng khuấy lên nhiều xôn xao, trông đợi, hồi hộp lẫn tò mò. Mặc dù, cái tạng của Tư là vậy, đã buồn là buồn thẳm khôn cùng, đã đau là đau thấu tâm can. Mà lạ lùng, người đọc vẫn trông đợi gặp Tư, được nhìn ngắm chữ Tư no nê. Và lần này, chữ chị lại cuộn trôi về phía người, vừa chếnh choáng, vừa cuồng loạn, vừa khuấy lên những mộng mị hoang đường. "Trôi" lần này của Tư là những cuộc chuyển dời không đoán định. Nhưng căn cớ của những cuộc trôi thì đã manh múng từ lâu lắm.

Tôi đã gặp “trôi” khi lặn ngụp trong "Sông" (tiểu thuyết) của Tư từ nhiều năm trước. Và lần này, là những cuộc trôi khởi đi triền miên, cuồng loạn, đầy huyễn hoặc, chới với. Cả nghĩ, nếu những rẻo đất Cù Lao không rã bèn trôi, nước đứng chựng một dòng, thì đời người cũng tự trôi, bứt rời quê xứ, máu mủ ruột rà. Bởi cái gọi là gia đình của những phận đời nổi nênh ấy vốn đã bời rời tự lúc nào.

Phải chăng, bời rời ngay cả khi hai anh em cùng nằm chung khoang bụng mẹ mà chẳng thể ưa nhau, chỉ vì thằng anh “ngu tối”. Phải chăng, người có trí não chậm chạp hơn luôn là “của đáng tội”. Khi cuộc trôi rùng rùng cuốn đi, người ta tính toán “coi nên trôi với thứ vật chất nào mới phải”, đứa em gái thà trôi với chai rượu cạn láng, “chết sướng hơn trôi chung với mấy người”. Cũng không biết ai là người “chết sướng hơn”, khi phát giác ra người đàn bà của mình trôi cùng đàn ông xứ khác, và trong cuộc trôi đó, một mầm sống kịp tượng hình (Trôi).

Cái bời rời cũng hiển lộ rõ khi người đàn ông cắm mặt vào màn hình điện thoại, theo dõi cuộc nổi nênh của đám lục bình trôi sông mà quên mất đứa nhỏ trước mắt mình. “Sau này anh tự vấn, nếu mình gạn hỏi, liệu đứa nhỏ sẽ thổ lộ chuyện nó sắp thực hiện một cú tiếp đất từ tầng 9 không?... Anh sẽ linh cảm được cú rơi nếu anh dừng ngó dõi theo bụi lục bình một lúc?” (Giữa đây và kia).

Đọc Tư, ta sẽ không tránh được những quãng hẫng hụt trong lòng. Đau gì đau dữ! Như áng chừng được điều đó, Tư khéo léo nêm nếm thêm mớ mộng mị hoang đường đầy huyễn hoặc. Những cuộc trôi vì vậy mà bớt đau chăng? Như cái vụ hai vợ chồng lỉnh kỉnh bếp núc đổ bánh xèo trên máy bay đó, bày ra ăn một “bữa cuối” tưởng giản đơn như đổ bánh trên ghe. Kỳ cục vậy mà cũng nghĩ ra được.

Ờ thì đời vốn kỳ cục mà. Như bà vợ tất tả lên truyền hình tìm mẹ cho ông chồng, rồi mới có chuyện đổ bánh xèo trên máy bay, tiễn chồng trẻ đi là đi biệt không về nữa. Bởi chuyện quay về của người đàn ông đó ngó bộ cũng hoang đường đâu kém chuyện đổ bánh xèo (Lửa nguội giữa trời).

Chạm vào những huyễn hoặc Tư bày ra, không biết nên cười hay khóc. Giữa minh mông chữ nghĩa, những phận người cứ éo le, tréo ngoe đến khôn cùng. Như người đàn ông suốt đời không ra khỏi căn nhà và những món đồ gỗ quý giá, bữa nọ ngồi xổ giữa đống vé tàu cũ kỹ được ông già ve chai thu nhặt muôn phương đem tới. Cái đống vé tàu đó - những cuộc đi, so với căn nhà minh mông mà hai vợ chồng già cố giữ cho đời sau, cái nào đáng giá hơn? (Giữa vật chất này).

Có những thứ mông lung đến mức cuối cuộc đời người ta chưa chắc đã nhìn rõ một lần. Như món nợ từ đời bà sơ bà sở nào đó, buộc con cháu phải đi đòi nợ hết đời này đến đời khác. Mà nợ gì? Không ai biết rõ. Vì không rõ nên họ cứ chờn vờn trong cái vòng lẩn quẩn nợ nần. Nhưng nó cũng như một mối dây ràng buộc mà ông bà tiên tổ đã quăng ra. Bởi chỉ có mắc kẹt vào mối dây đó, cuộc đời này mới mong kết nối lại những bời rời, nhạt nhẽo đang manh nha chụp lấy họ (Nợ).

Văn chương của Tư - là một cánh đồng chữ nghĩa bất tận xô va vào nhau. Nhưng cũng có thể là những con chữ bất định, mông lung, mịt mờ đâu đó khiến người đọc phải lần dò trôi theo để rồi đắm đuối, chết chìm trong nó.

Với "Trôi", chữ nghĩa Tư đã vượt thoát khỏi lớp vỏ cố định, nó biến thiên theo những ý tưởng nổi nênh, bất tận. Nhiều người cho rằng sự biến hóa đầy kỹ thuật trong cách viết đã khiến văn Tư bớt mộc mạc chân tình gần gũi như trước. Cũng không ít người sẽ hẫng đi trước cách xây dựng nhân vật, cách Tư đẩy câu chuyện lắt léo nhiều tầng nghĩa được cài cắm trong những trạng huống phi lý nhưng đầy dụng ý. Nhưng đó là tất cả những gì mà người viết chuyên nghiệp buộc phải có: tự vượt ra cái kén của chính mình, nếu không muốn cố định ở một hạn mức nhàm chán nào đó.

Đúng như Tư nói, Tư thích mày mò nghiên cứu những từ ngữ đẹp lộng lẫy trong những cuốn từ điển. Tôi đã từng đặt câu hỏi: “Văn Tư, rốt cuộc chỉ là phương diện để khai thác phương ngữ?”. Nhưng với lần trở lại này, hành trình đó đã chấm dứt. Thay vào đó, con đường mới mẻ đầy hấp dẫn mà Tư phác lộ đã hiện ra, rõ ràng. Điều đó cho thấy chị chưa bao giờ thỏa hiệp với sự ái mộ, chưa bao giờ chiều chuộng theo thị hiếu của đọc giả mà buộc phải neo mình mãi ở một cái bến quê, một cánh đồng, một dòng sông nào đó. Những con chữ của chị phải trôi ra biển lớn. Những ý tưởng của chị phải đi rong đâu đó, đến tận cùng hốc kẹt hay bay lên cả bầu trời cao vợi kia.

TRẦN HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.