Hoàng Sa trong tâm thức dân mình

.

50 năm quần đảo Hoàng Sa thân yêu của chúng ta bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép (19-1-1974 - 19-1-2024). Từ đó đến nay, khó có thể nói hết nghĩ suy, tâm tư, tình cảm của nhân dân mình đối với phần máu thịt này của quê hương, đất nước. Hoàng Sa không chỉ sống trong ký ức mà còn lắng sâu trong tâm thức của biết bao người.

Lễ
Lễ "Khao lề thế lính" Hoàng Sa là nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người dân Lý Sơn, được bảo tồn, duy trì suốt hơn 400 năm qua. Ảnh: ST

Trong những ngày nỗ lực đi tìm hình ảnh và nhân chứng để làm bộ phim tài liệu nhằm góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ta đối với quần đảo Hoàng Sa, chúng tôi được UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng, giới thiệu gặp gỡ, trao đổi và ghi hình rất nhiều nhân chứng từng sống, làm việc và chiến đấu ở Hoàng Sa, nay họ đang ở tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam. Trong ký ức của họ, Hoàng Sa luôn hiện ra một cách rõ ràng, sống động, gần gũi. Xa cách Hoàng Sa đã 50 năm nhưng họ vẫn có cảm giác như mới ngày nào đây thôi. Những nhân chứng xuất hiện trong phim tài liệu “Nhớ Đảo” của chúng tôi đã kể lại biết bao câu chuyện chân thực, xúc động, thú vị về Hoàng Sa, nơi mà từng có thời, các ông đã sống, làm việc, từng đến đó bằng chân đi, mắt thấy, tay sờ…

Vào Quảng Ngãi, chúng tôi may mắn được tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh giúp đỡ để tiếp cận và ghi hình một lễ thức văn hóa tâm linh ở huyện đảo Lý Sơn, thể hiện rất sâu sắc rằng Hoàng Sa vẫn còn đấy trong tâm thức của nhân dân ta. Đó là lễ Khao lề thế lính được tổ chức hằng năm vào tháng ba âm lịch. Nơi đây vẫn đã và đang lưu truyền một câu ca dân gian nói về lai lịch, nguồn gốc của lễ thức quan trọng này: "Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có nhưng không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa…".

Với ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, từ rất xa xưa, các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã thành lập “đội Hoàng Sa” để quản lý, giữ gìn và khai thác sản vật nơi đây. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776 ghi rõ: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người An Vĩnh sung vào, cắt phiên cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm, đồ bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các lọai ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về…”.

Còn sách Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú viết đầu thế kỉ XIX cũng có ghi: “Quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi, các vua đời trước đặt ra quân giữ Hoàng Sa gồm 70 người, thường là lấy người xã An Vĩnh. Hằng năm, cứ đến tháng ba nhận lệnh mang lương thực trong 6 tháng rồi dùng 5 chiếc thuyền ra khơi, đi 3 ngày 3 đêm thì đến đảo. Đến vừa canh giữ vừa đánh cá mà ăn. Vật báu ở đó rất nhiều, nên đội quân này vừa làm nhiệm vụ canh giữ vừa khai thác vật báu…”.

Do ra khơi dài ngày trên những con thuyền bé bỏng, chỉ chèo chống bằng đôi tay trần giữa muôn trùng sóng gió, mạng người rất mong manh, người đi thì có mà không thấy về không phải là cá biệt, nên tương truyền, mỗi người lính trong đội Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ phải chuẩn bị cho mình một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi mây, 1 thẻ bài, để nếu không may bỏ mạng trên biển thì đồng đội sẽ dùng để bó xác và bỏ xuống biển…

Từ thực tế nghiệt ngã đó, lễ “Khao lề thế lính” ra đời, mà thực chất là nhằm khao quân, tế sống, làm nghi thức thế mạng cho những người sắp xuống thuyền đi thực thi nhiệm vụ mà Triều đình giao phó. Thực hành nghi lễ, người nhà, người trong dòng họ của lính Hoàng Sa và dân làng dùng giấy hoặc bột gạo để làm hình nộm người lính, lấy thân cây chuối làm thuyền tượng trưng, đem cúng tế ở đình làng rồi thả trôi ra biển, với mong muốn những hình nộm kia sẽ chịu mọi rủi ro thay cho những người lính Hoàng Sa bằng xương bằng thịt. Rõ ràng là lễ thức "Khao lề thế lính” Hoàng Sa đậm đà tính chất nhân văn, có ý nghĩa thiêng liêng, cao cả.

Ngày nay, đội Hoàng Sa không còn nữa, nhưng 13 dòng họ trên hai xã An Vĩnh và An Hải của huyện đảo Lý Sơn - những dòng họ từng có người tham gia đội Hoàng Sa ngày xưa vẫn duy trì thường xuyên lễ “Khao lề thế lính” nhằm tri ân những hùng binh Hoàng Sa đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời nhắc nhở các thế hệ ngày nay đừng bao giờ quên bao lớp cha ông đã từng bảo vệ Hoàng Sa bằng mồ hôi, công sức, xương máu và cả tính mạng của mình. Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, “Khao lề thế lính” có từ lâu đời, là lễ thức độc nhất vô nhị ở nước ta, trở thành một biểu tượng minh chứng cho lòng yêu nước, ý thức về chủ quyền lãnh thổ của bao lớp cha ông ta.

Năm mươi năm đã qua kể từ ngày quần đảo Hoàng Sa của chúng ta bị cưỡng chiếm trái phép, nhân dân ta vẫn luôn nhớ đến, nghĩ đến, mong đợi quần đảo thân yêu này sớm trở về với mẹ Tổ quốc. Hoàng Sa không mất, sẽ không bao giờ mất, bởi nó mãi mãi sống trong ký ức và lắng đọng rất sâu trong tâm thức của nhân dân mình.

NSND HUỲNH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.