Chúng ta sống để lắng nghe...

.

“Cuộc đời thì quá dài để buồn phiền và quá ngắn để tận hiến yêu thương”. Dẫu vậy, với trái tim yêu hết thảy muôn hình vạn trạng của cuộc đời này tha thiết, dù không ít lần đời quăng quật cho vài cơn bầm dập, với những rung cảm sâu sắc nhất của người nặng nợ văn chương, Nguyễn Phong Việt vẫn cất lời thì thầm “Chúng ta sống để lắng nghe…”.

Có lẽ, khi đã ở vào tuổi trung niên và là cha của một đứa trẻ, những trải nghiệm, thăng trầm, buồn vui… đủ để anh quyết định ngồi lại và lắng nghe chính mình. Lắng nghe để hiểu, để tự trao mình một cái ôm ấm áp dỗ dành sau những va vấp, mất mát… nói thì rất dễ, nhưng mấy ai đã làm được điều đó, nếu ta còn đeo mang chữ “chấp” trên vai với quá nhiều thứ muốn có được, trở thành…

“Cái gì cũng muốn trở thành, là kiểu ước mơ khốn nạn nhất trần đời!”, anh thẳng thắn thừa nhận. “Nhưng mà rồi mình may mắn nhận ra mình là ai, hiểu mình, biết mình. Dù rằng cũng phải vấp ngã đến tím thịt bầm da, song mọi thứ đều xứng đáng. Bởi không có tất cả những điều ấy, mình không thể nào nhận ra được ước muốn mình chỉ cần là mình vĩ đại đến mức nào… Mình chỉ cần được là mình, dù đang trên bất cứ hành trình nào của con đường” (Mình chỉ cần được là mình).

Với Việt, lắng nghe là một hành trình mà bản thân phải tập. "Hãy lắng nghe khi mình ôm ba mẹ mình vào lòng. Nghe ra những thương nhớ của ba mẹ dành cho mình, nghe ra tuổi già của ba mẹ, nghe ra mùi hương quen thuộc từ đấng sinh thành mà không có bất kỳ mùi nước hoa nào trên thế gian này sánh bằng… Hãy lắng nghe những yêu thương mình đang có, những niềm vui trong việc mình đang làm, những lựa chọn mình đang muốn dấn thân… để có thể bỏ qua tất cả những vội vã, ngang tàng, bất chấp… hiểu được mình cần gì để chăm sóc, gìn giữ và tận hiến…” (Chúng ta sống để lắng nghe).

Cũng như bao người, Việt nuôi nhiều hoài bão và ước mơ lớn lao cháy bỏng trong lòng, anh đi tìm những niềm vui ở chốn đông người, muốn ôm hết những thứ lớn lao vào mình mà quên mất đi việc phải ôm lấy những người thân yêu nhất. Nhưng rõ ràng, cuộc đời luôn luôn là hai nửa được - mất song hành, không bao giờ là một chiều. Mọi thứ đã trở nên khác biệt trong mắt nhìn và trong cách anh chào đón. Cách anh chấp nhận được mất cũng thật nhẹ nhàng. Đôi mắt của người đàn ông trung niên lúc này là đôi mắt có thể nhìn thấu, soi tỏ chính tâm hồn mình; vui với những niềm vui tự thân, an nhiên khi những thứ đã từng hiện hữu bên mình lần lượt rời đi mà không quá tiếc nuối.

Hơn ai hết, tuổi tác, thời gian đã giúp anh có những chiêm nghiệm quý giá để biết rằng mình không còn là đứa bé mà mỗi ngày đều chìa tay ra với thế giới loài người để xin một viên kẹo, dỗi hờn nếu không được đáp ứng. Bây giờ là quãng thời gian người đàn ông ấy “miệng nói chậm lại, lòng nghĩ sâu”. Nghĩ sâu để nghe được vọng âm của chính mình. (Chỉ là một đoạn đường). Nhưng làm như vậy không có nghĩa là đứng bên lề đời sống. “Mình không đứng bên lề đời sống, nhưng cũng không để đời sống cuốn đi như một chiếc lá cứ dập dềnh theo con nước”. Chỉ là, anh dừng lại, quay vào bên trong để tự nhắc “Mình chỉ là một ngọn cỏ, không phải là cánh rừng”. Khi lắng nghe, định vị được bản thân mình, tự khắc những tham vọng hão huyền cũng lần lượt tan biến. “Chúng ta, phần lớn đều là những con đom đóm trong bóng đêm, thay vì là những vì sao tỏa ra thứ ánh sáng huyền diệu xa tít trên bầu trời đêm” (Mình chỉ là một con người).

Cuốn tản văn của Việt lần này đúng nghĩa để lắng nghe. Những câu chữ không chứa đựng mỹ từ, không thúc giục, không ồn ào khoe mẽ. Chúng cứ thủng thỉnh rót vào lòng người những giai điệu nhẹ nhàng như ru. Tôi chạm vào chúng, và hình dung chúng cũng chạm lại vào những xúc cảm tự sâu trong lòng mình, rung lên những nhịp sóng đồng điệu. Tôi nhìn ra cảnh hai cha con anh cùng nhau đi ngắm trăng. Kiểu gì thì, cái cách mà cha con dịu dàng bên nhau cũng gợi thật nhiều bình yên, an ổn trong tâm hồn. Nhưng để đánh đổi những khoảnh khắc quý giá đó, dĩ nhiên, anh đã phải vật lộn với cuộc sống này, bầm dập với nó bao lần. “Chúng ta trong mắt người khác cũng có lúc sẽ khuyết, có lúc lại đầy, có khi chỉ là một mảnh ghép bé xíu, lắm lần lại trở nên to lớn kỳ vĩ… Nỗi buồn sẽ đến nếu chúng ta thấy mình bé lại trong câu chuyện của người khác, hoặc sẽ vui nếu biết mình tròn trịa trên môi một ai đó” (Ba ơi, hôm nào mình đi ngắm trăng tròn đi).

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt sinh năm 1980 tại Phú Yên, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Phong Việt được biết đến là “nhà thơ triệu bản” với những tập thơ liên tiếp gây được tiếng vang trong ngành xuất bản, được độc giả chờ đợi và đón nhận vào những dịp Giáng sinh đều đặn hằng năm kể từ tập thơ “Đi qua thương nhớ” (2012). Sau khi kết thúc hành trình 10 năm đều đặn in thơ, anh chuyển sang tản văn và cũng vô cùng mát tay với thể loại này. Với Việt, khép lại hành trình 10 năm đi gieo vần là cũng khép lại những nỗi buồn, mở ra những nguồn vui mới, những nhân sinh quan mới mà anh tìm được trong những phút trải lòng với thể loại tản văn. Series tản văn của anh xoay quanh cảm hứng “chúng ta sống”. Từ tập tản văn đầu tiên “Chúng ta sống có vui không?” (2020), đến “Chúng ta sống, là vì…” (2022) Và bây giờ, độc giả đang cùng anh ngồi lại với “Chúng ta sống để lắng nghe” (NXB Trẻ,12-2023).

Sau hành trình đưa thơ đến với công chúng, Nguyễn Phong Việt không chọn ra mắt sách rầm rộ như trước. Nhưng sức hút từ những tác phẩm của anh vẫn như một thỏi nam châm lớn. Những buổi ký sách vẫn rất đông bạn trẻ quây quần. Những buổi nói chuyện vẫn đầy chộn rộn. Có lẽ vì sự chân tình chứa đựng trong từng câu từng chữ từng lời anh bày ra. Như cái nét quê chân chất thật thà vẫn in đậm trong hình hài phố thị.

Việt từng hỏi “Chúng ta là ai trên những dặm đường dài?”

Cuốn tản văn lần này là câu trả lời anh dành cho chính mình.

“Mình bây giờ vẫn miệt mài đi, nhưng giờ ít đi-ra mà muốn đi-vào nhiều hơn”.

TRẦN HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.