Cầu vồng nơi xứ người

.

Gắn bó cả đời với mảnh vườn, triền đê, đi xa nhất chỉ đến lũy tre đầu làng có hương thơm dịu ngọt của quê hương, dẫu khổ trong khổ ngoài, lo gần lo xa nhưng chưa bao giờ người dân các xã huyện Hòa Vang mường tượng có ngày đến nơi xứ người (huyện Yeongyang, tỉnh Gyeongsanbuk, Hàn Quốc) thắp niềm hy vọng với việc đồng áng giống ở quê nhà, chỉ mong gánh nặng sẽ nhẹ bớt đôi phần. 

Những người lao động trên đất Hàn đang cần mẫn thu hoạch cây nông nghiệp, nhờ chương trình hợp tác của huyện Hòa Vang và Yeongyang mà họ có cơ hội nhìn thấy cầu vồng trong cuộc sống. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Những người lao động trên đất Hàn đang cần mẫn thu hoạch cây nông nghiệp, nhờ chương trình hợp tác của huyện Hòa Vang và Yeongyang mà họ có cơ hội nhìn thấy cầu vồng trong cuộc sống. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ lâu, hễ nhắc đến trụ cột gia đình, chắc có lẽ, ai cũng nghĩ người chồng 10 phần song hành cùng người vợ 8 phần. Hằng ngày, họ cùng nhau đong đầy lu gạo, chắt tràn lọ mắm và lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng cuộc đời đâu lúc nào cũng như ý vẹn tròn bởi có nhiều hoàn cảnh, suốt mấy mươi năm trụ cột gia đình lại là người phụ nữ, chân yếu tay mềm, họ phải chọn đến xứ người cày xới, vun trồng, để mang sự đủ đầy về gia đình, quê hương.

Xuất ngoại làm nông

Mới hít hà không khí Tết được ba hôm, chị Tán Thị Phước (45 tuổi, thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú) lại tất tả chuẩn bị hồ sơ để đi làm nông nghiệp ở xứ người lần thứ 5. Chị kể, vừa kết thúc chuyến đi lao động thời vụ vào tháng 11-2023, sau hơn 5 tháng ở Yeongyang trồng trọt, thu hoạch ớt, cải thảo, xà lách và chăm sóc một số cây nông nghiệp khác. Đi rồi lại đi nữa, với chị, mỗi lần đi là một lần chị thêm động lực cùng sự phấn khởi. Giọng nói chị nhẹ nhàng, dáng người nhỏ nhắn và e ngại khi trò chuyện cùng người lạ nên tôi khó tin rằng người phụ nữ này đã một tay vun vén nuôi hai con ngót nghét 20 năm bởi chồng chị không may mất sớm.

Họ ăn Tết trong sum vầy rồi lại tiếp tục chặng đường phía trước, Yeongyang đang chờ, chờ để họ đến chăm bón, tỉa cành, tưới nước rồi thu hoạch, công đoạn đó như nằm lòng trong giấc mơ mỗi đêm mà khó điều gì dứt ra nổi. Có lẽ, sau giấc mơ đêm tối thì cầu vồng đã đến với họ, đến trong niềm hy vọng, vui mừng trên khóe mắt đỏ au.

Hơn 20 năm qua, chị Phước làm việc từ sáng sớm đến chiều muộn, tiền vào chưa nóng túi lại mau chóng ra đi bởi đồng lương ít ỏi không đủ trang trải. Dẫu thế, chị luôn dặn lòng phải cố gắng hơn nữa, mãi đến khi cô con gái đầu chạm ngưỡng đại học, cậu con trai vào học cấp 3 thì chị rơi vào cảnh cùng cực khi mọi chi phí cứ đến dồn dập. Nhiều đêm trằn trọc, chị nghĩ đến phương án đi xuất khẩu lao động mới có tiền lo cho các con ăn học, bởi chị không nỡ nhìn các con sau này vất vả, bôn ba giống mẹ, chỉ có con chữ mới mong cuộc đời tươi sáng hơn. Nghĩ vậy thì cơ duyên lại đến, năm 2017, huyện Hòa Vang chủ động trao đổi, làm việc với huyện Yeongyang đưa người dân làm lao động thời vụ. Để có chuyến “xuất ngoại” đầu tiên, chị vét sạch gia tài và vay mượn thêm người thân mới đủ lo trọn vẹn chi phí. Chị gửi hai con nhờ bà ngoại chăm sóc và ra đi với niềm tin nơi xứ xa sẽ giúp chị thắp sáng tương lai bằng những mảng màu rực rỡ nhất.

Ở xứ sở kim chi, mỗi ngày, chị Phước bắt đầu công việc từ 6 giờ đến 18 giờ, nắng cũng như mưa, chị cùng đồng nghiệp đều đặn ra đồng gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Tính ra, chị đi 4 lần, trải qua đủ cung bậc cảm xúc và thấu hết cái nóng rát vào mùa hè và lạnh buốt vào mùa đông. Đặt chân xuống sân bay, chị đến nơi làm việc. Cứ thế rồi hết hạn hợp đồng lại trở về quê nhà. Phần lớn, người lao động Việt chỉ biết con đường từ nhà đến nơi làm việc trong suốt thời gian hợp đồng. Mấy năm ở bên này, chị chưa ra khỏi nơi làm việc để chiêm ngưỡng đất nước kim chi nó to nhỏ ra sao hay công viên, siêu thị, con đường nơi thủ đô Seoul có đẹp giống những bộ phim mà chị đã từng xem. Đó là điều quá xa xỉ với những người lao động như chị Phước. Chị chỉ dặn lòng nhanh chóng kết thúc hợp đồng để  về với gia đình, nơi có mẹ và các con mong ngóng.

“Thời điểm mới sang, đôi lúc tôi chịu không nổi, nhìn những đêm trăng lại nhớ nhà, nhớ con và có những ngày về đến phòng là phải bò dưới sàn để di chuyển, miếng dán giảm đau nơi lưng, chân hay cổ lúc gỡ ra có khi tróc cả da thịt đau buốt. Mùa hè bên này nóng hơn ở bên mình rất nhiều, có khi một ngày tôi thay đến 4 bộ quần áo lao động vẫn ướt sũng. Mùa đông âm 10 độ, tôi phải vừa đội nón vừa mang áo mưa chống rét. Ở đây, chi phí ăn ở chủ nhà hỗ trợ 1 phần, chúng tôi chỉ lao động và khi kết thúc hợp đồng thì sẽ nhận toàn bộ lương. Số tiền đó, giúp tôi trang trải chi phí cho các con ăn học và dành dụm lúc trái gió trở trời”, chị Phước xúc động nói.

Nếu chị Phước đi hợp đồng 3 tháng sẽ nhận 80-120 triệu đồng, 5 tháng thì 130-200 triệu đồng. Đó là một con số rất lớn, giúp họ đổi thay cuộc sống nhưng cũng có nhiều người bỏ cuộc bởi vừa nhớ nhà vừa không chịu nổi áp lực công việc. Chị Phước thì khác, sự khắc nghiệt của công việc, lòng da diết nhớ mẹ, nhớ con, cái nghèo, cái khổ nơi quê nhà lại giúp chị biến thành sức mạnh, lòng quyết tâm.

Thắp sáng tương lai

Giống chị Phước, chị Thiều Thị Túy Hằng (45 tuổi, thôn Đông Lâm) là hộ nghèo, mẹ đơn thân nuôi hai con còn tuổi ăn tuổi học. Nhà chị trong tận ngõ sâu, nằm sát bìa rừng trồng cây keo của người dân. Ngày tôi ghé thăm, căn nhà đơn sơ, bốn hướng chỉ lợp bằng những tấm tôn cũ, mọi sinh hoạt của ba mẹ con đều ở gian phòng khách. Chị Hằng nói, chị sinh ra ở thôn nhưng có chồng tận Phú Yên, năm 2017, chị dìu dắt hai con trở về quê nhà sinh sống. Căn nhà này, đất mẹ cho, chị chưa có điều kiện xây khang trang nên che tôn sinh sống qua ngày. Cũng bởi chữ nghĩa không nhiều, chị cũng bôn ba làm đủ nghề để nuôi hai con. Sau này, nhờ đi làm lao động thời vụ ở Hàn Quốc, chị có thể lo cho con ăn học, đứa lớn lớp 9, đứa nhỏ lớp 6. Chị vui vẻ khoe, 4 năm đi lao động, chị đã dành một số tiền nhỏ, đón Tết xong sẽ sửa sang nhà cửa để các con có nơi học tập, sinh hoạt thoải mái hơn. Chị lại tiếp tục khoe, chị có thể giao tiếp sành sỏi tiếng Hàn, điều đó, giúp chị mạnh dạn và tự tin hơn khi trò chuyện cùng chủ nhà, chủ động hơn trong công việc.

“Nói thế nhưng điểm chung vẫn khổ vẫn cực, không thể nói hết, có mấy ai đi lao động mà sướng. Tôi và mọi người cùng đi chỉ biết động viên nhau cố gắng đợi ngày về, miễn sao có tiền lo cho con là quá đủ”, chị Hằng bày tỏ.

Chị Tán Thị Phước đang thu hoạch xà lách tại nông trại huyện Yeongyang, Hàn Quốc trong những ngày cuối tháng 11-2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị Tán Thị Phước đang thu hoạch xà lách tại nông trại huyện Yeongyang, Hàn Quốc trong những ngày cuối tháng 11-2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hai bờ vai nhỏ gánh cả gia đình, không có người đàn ông bên cạnh nhưng chị Phước và chị Hằng vẫn mạnh mẽ, dọc ngang một đời nuôi con khôn lớn, đó là điều khiến tôi xúc động trong những ngày đầu năm khi nàng xuân vẫn còn ung dung, tung tăng khắp mọi ngõ ngách. Họ ăn Tết trong sum vầy rồi lại tiếp tục chặng đường phía trước, Yeongyang đang chờ, chờ để họ đến chăm bón, tỉa cành, tưới nước rồi thu hoạch, công đoạn đó như nằm lòng trong giấc mơ mỗi đêm mà khó điều gì dứt ra nổi. Có lẽ, sau giấc mơ đêm tối thì cầu vồng đã đến với họ, đến trong niềm hy vọng, vui mừng trên khóe mắt đỏ au. Chị Phước và chị Hằng nói đùa rằng, chỉ sợ hồ sơ không đậu để đi tiếp vì số lượng có hạn mà người đăng ký thì đông. Ngoài kia, nắng xuân còn đang vươn vai, còn họ lại tiếp tục vươn mình để tương lai thấy cầu vồng, để mà níu giữ, chờ mong…

Điểm nổi bật công tác an sinh xã hội

Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang, sau 7 năm triển khai, quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Hòa Vang và Yeongyang ngày càng bền chặt. Phía Yeongyang đánh giá cao sự hợp tác, kỹ năng làm việc của người lao động Hòa Vang. Vì vậy, chương trình hợp tác trao đổi tu nghiệp sinh nông nghiệp trở thành một trong những điểm nổi bật trong công tác an sinh xã hội và hoạt động đối ngoại của huyện, qua đó tạo điều kiện giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao năng lực sản xuất cho người lao động trên lĩnh vực nông nghiệp…

Đồng thời, UBND huyện thực hiện tốt chủ trương đưa lao động làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, được Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá là 1 trong 19 tỉnh, thành phố thực hiện tốt nhất chủ trương. “Thời gian đến, UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giao lưu, hợp tác với huyện Yeongyang thông qua chương trình để tiếp nhận lao động làm việc thời vụ nông nghiệp nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến cũng như chắt lọc kinh nghiệm, công nghệ phù hợp có thể áp dụng đưa vào sản xuất tại huyện sau khi đã hoàn thành thời gian làm việc tại Hàn Quốc”, ông Dũng nhận định.

Từ năm 2017 đến năm 2023, UBND huyện tổ chức cho 1.172 lao động tham gia chương trình. Hầu hết người lao động tham gia sẽ làm việc trên lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt và thu hoạch), chủ yếu là trồng cải, dưa hấu, táo và một số cây nông nghiệp khác. Người lao động phấn khởi, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập, bảo đảm chất lượng đời sống, bình quân mỗi lao động thu nhập từ 80 đến 200 triệu đồng mỗi đợt làm việc từ 3 đến 5 tháng. Tổng thu nhập người lao động mang về trên địa bàn huyện trên 117 tỷ đồng.

HUỲNH VŨ

;
;
.
.
.
.
.