NGHỆ THUẬT QUẦN CHÚNG

Sân chơi của đam mê

.

Trái ngược chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, hội diễn hay liên hoan nghệ thuật quần chúng thường quy tụ những “hạt nhân” văn nghệ cơ sở với lối diễn mộc mạc, chân phương. Không được đào tạo bài bản, điều giúp họ tự tin lên sân khấu đơn thuần là niềm đam mê và quyết tâm “chiến thắng chính mình”.

Một trong những tiết mục ca múa được các đơn vị đầu tư bài bản tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng công nhân, viên chức, lao động thành phố năm 2023.  Ảnh: T.Y
Một trong những tiết mục ca múa được các đơn vị đầu tư bài bản tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng công nhân, viên chức, lao động thành phố năm 2023. Ảnh: T.Y

Kích thích sự sáng tạo

Sở hữu giọng hát nội lực và có khả năng luyến láy tốt nên hoạt động vui chơi, giải trí nào mọi người cũng mời anh Nguyễn Hữu Thanh Trà, làm việc tại Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Liwayway Đà Nẵng lên sân khấu góp vui. Những lần đứng trên “sân nhà” giúp anh tự tin phô bày giọng hát của mình. Vậy mà, khi được công ty giới thiệu tham gia Liên hoan Nghệ thuật quần chúng công nhân, viên chức, lao động thành phố Đà Nẵng năm 2023, anh cho biết mình vẫn rất run và hồi hộp.

Anh kể, để chuẩn bị tiết mục hát múa “Nam quốc sơn hà” cho liên hoan sẽ diễn tháng 10-2023, ngay từ tháng 4 năm ngoái, anh và một số thành viên khác trong công ty đã lên lịch tập luyện. Đó là khoảng thời gian bận rộn nhưng rất vui của anh và đồng nghiệp khi ngày đi làm, cuối giờ chiều tranh thủ ở lại công ty tập văn nghệ. “Tụi mình tập mỗi tuần 3 buổi, thời gian đầu có nhờ người hướng dẫn các động tác múa nhưng sau đó thì tự tập với mong muốn tiết mục khi lên sân khấu sẽ chỉn chu và chuyên nghiệp hơn. Chuẩn bị kỹ là vậy, nhưng thú thật mình vẫn rất run vì đây là lần đầu tiên đứng trên sân khấu lớn”, anh Trà nhớ lại.

Cũng như anh Trà, rất nhiều đoàn viên, người lao động có cơ hội phô diễn tài năng nghệ thuật tại các hội thi, liên hoan ca múa nhạc không chuyên. Ở không gian này, những ca sĩ, nghệ sĩ “cây nhà lá vườn” được khích lệ bằng những tràng pháo tay giúp “lấy bình tĩnh”. Nhiều đơn vị “chơi lớn”, còn chuẩn bị cả băng rôn, khẩu hiệu cổ động thí sinh. Không khí vui tươi, sôi nổi và mang tính kết nối đó không phải chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp nào cũng có được.

Là giám khảo rất nhiều liên hoan nghệ thuật quần chúng, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố khẳng định, đó là sức sống của hai chữ phong trào. Ở đâu phong trào mạnh, ở đó người dân nói chung và người lao động nói riêng được khích lệ, động viên về tinh thần lẫn vật chất. Đặc biệt, trong mỗi liên hoan, cả ban giám khảo và người cổ động, cả diễn viên lẫn ban tổ chức đều cảm nhận được một không khí văn nghệ ngập tràn niềm vui. Đây cũng là nét đẹp truyền thống của phong trào nghệ thuật quần chúng thành phố Đà Nẵng gần 50 năm qua. Đặc biệt, mỗi chương trình biểu diễn quy tụ tâm huyết và cố gắng của nhiều người, nhiều tập thể trong thời gian dài. Đó chính là cái hấp dẫn, cái say sưa  của nghệ thuật quần chúng. Chưa kể, không ít diễn viên “cây nhà lá vườn” sau thời gian tham gia các hội diễn đã tự tin đăng ký tham gia các tiết mục văn nghệ phục vụ mục đích tuyên truyền tại khu dân cư, phường, xã nơi mình sinh sống.

Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa đánh giá, thời gian qua, các địa phương có sự đầu tư dàn dựng, nâng tầm nghệ thuật cho từng tiết mục biểu diễn theo hướng chuyên nghiệp. “Làm giám khảo cho nhiều liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng, tôi khá bất ngờ khi nhiều tiết mục được chuẩn bị kỹ từ nội dung, cách thể hiện đến phần hòa âm phối khí. Đặc biệt, trong các tiết mục hát nhóm, những ca sĩ không chuyên đã thể hiện tốt bản lĩnh sân khấu trong phần phối bè và nhường nhịn, nâng đỡ nhau giữa các giọng ca. Ví như, giọng ca hay, nội lực sẽ đảm nhận những đoạn hát khó, hát đơn, trong khi giọng ca yếu hơn sẽ tham gia nhiều vào phần hát bè theo ý đồ người dàn dựng. Tất cả những yếu tố này làm nhòa đi ranh giới giữa chương trình nghệ thuật chuyên và không chuyên, cũng như kích thích sự sáng tạo nghệ thuật trong những năm gần đây.

Tuyên truyền không đối lập với trình diễn

Là đơn vị có kinh nghiệm tổ chức hàng chục hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng cho công nhân, viên chức, người lao động, Liên đoàn Lao động thành phố hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tạo không khí thi đua sôi nổi trong lực lượng đoàn viên. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đinh Thị Thanh Hà nhận xét, thời gian qua, các hội diễn nghệ thuật quần chúng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống âm nhạc của người lao động. Đa phần, đó là những tiết mục văn nghệ “tự biên, tự diễn”, mang tính phong trào. “Từ các hội diễn, chúng tôi phát hiện rất nhiều “hạt nhân” văn nghệ cơ sở có tiềm năng khi tự họ có thể dàn dựng một tiết mục chỉn chu mà không cần “thuê mướn” nhân lực bên ngoài”, chị Hà nói.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Nhà Văn hóa lao động thành phố khẳng định chất lượng liên hoan nghệ thuật quần chúng ngày càng tăng và có sự đầu tư về con người, trang phục, đạo cụ, biên đạo múa… Bà Nhung nhìn nhận, chất lượng nghệ thuật tăng đồng nghĩa với phong trào quần chúng ngày càng mạnh hơn, phong phú hơn về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Đặc biệt, có nhiều giọng ca nổi bật, trong trình diễn có phối bè, múa phụ họa cũng như sử dụng hình ảnh minh họa giúp tăng sự sinh động, cuốn hút.

Ở khía cạnh khác, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật thành phố cho rằng, nghệ thuật biểu diễn được chia thành hai nhóm: nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp và nghệ thuật biểu diễn không chuyên nghiệp. Phân biệt chuyên nghiêp và không chuyên nghiệp là ở mức độ tham gia vào lao động nghệ thuật chứ không phải ở chất lượng biểu diễn - mặc dầu dễ nhận thấy do mức độ tham gia vào lao động nghệ thuật thường xuyên hơn và được đào tạo tay nghề bài bản hơn nên nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp thường có chất lượng cao hơn. Chưa kể, trong xã hội đương đại, thị hiếu nghệ thuật, thị hiếu thẩm mỹ của đông đảo công chúng ngày càng cao, từ đó đòi hỏi đã là nghệ thuật trình diễn thì chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp cũng đều phải có chất lượng nhất định và tạo được hiệu ứng nghệ thuật nhất định.

Do vậy, cần khuyến khích cơ quan, đơn vị đầu tư, xây dựng một môi trường văn hóa, nghệ thuật tại nơi làm việc nhằm động viên, khuyến khích người có năng khiếu thể hiện tài năng, từ đó nâng cao hiệu quả giải trí, tuyên truyền.

“Tôi không cho rằng hình thức, chất lượng các hội diễn ngày càng xa tiêu chí “quần chúng” khi có nhiều đơn vị bỏ tiền ra thuê diễn viên biểu diễn hoặc biên đạo các tiết mục mang tính trình diễn nhiều hơn khía cạnh tuyên truyền. Bởi lẽ, tuyên truyền hoàn toàn không đối lập với trình diễn, ngược lại hiệu quả tuyên truyền tỷ lệ thuận với hiệu quả biểu diễn. Đó cũng là lý do vì sao các hội diễn nghệ thuật quần chúng hằng năm đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động tuyên truyền. Đương nhiên, đầu tư một phần “ngoại lực” như thế nhằm tạo nên hiệu ứng nghệ thuật mạnh mẽ, lay động lòng người, từ đó nâng cao hiệu quả giáo dục tư tưởng, tuyên truyền đường lối chính sách khi chưa đủ tự tin vào nội lực của mình là rất cần thiết, chỉ trừ trường hợp làm như vậy nhằm tăng ưu thế trong thi thố/hơn thua với “đội bạn” thì có thể bị đánh giá là phạm quy”, ông Tiếng phân tích.

Có thể nói, cách thể hiện gần gũi, sinh động và không quá phô trương kỹ năng trình diễn là những điểm cộng của loại hình biểu diễn nghệ thuật không chuyên. Cùng với đó, chất lượng biểu diễn tại các hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng ngày càng tăng và chất lượng này có sự đóng góp của nhiều diễn viên không chuyên, trước hết là bằng tâm huyết và sự chân thành, nhưng cũng không thể thiếu sự đóng góp của người dàn dựng chương trình, người xây dựng kịch bản và có khi bao gồm cả một số ít diễn viên chuyên nghiệp. Và chắc chắn, sự tương tác đó sẽ mang lại những tiết mục hay, sáng tạo và giàu tính nghệ thuật trong loại hình biểu diễn này.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.