Món quà đầu năm

.

Câu chuyện lì xì sách đầu năm cho trẻ đã có rải rác từ lâu trong một số gia đình, nhưng chỉ đến vài năm gần đây mới được nhắc đến nhiều. Không chỉ cho trẻ mà quà tặng đầu năm - quen gọi lì xì - ngay chính người lớn được nhận chẳng phải cũng rất vui sao? Nhớ ngày còn bao cấp, quà tặng khá phổ biến là tặng sách, tặng sổ tay; riêng quà cưới có phong phú hơn một chút, thêm ít đồ gia dụng cho cô dâu chú rể. Từ khi chuyển qua cơ chế thị trường, đời sống khấm khá hơn, tục lì xì đầu năm rất đa dạng. Phổ biến là tiền, tiền mới. Ai cũng cố dành dụm ít tiền cuối năm, cố tìm cách đổi thành tiền mới cho người nhận lì xì gặp nhiều may mắn. Dần dần theo thời gian, đồng tiền/ phong bì tiền không còn nét mỏng manh thanh nhã nữa, mà có khi, đâu đó, đã bắt đầu có… mùi tiền! Thật tình, chỉ khổ cho những người dân nghèo, công chức nghèo, tiền lì xì đầu năm trở thành điều khó nghĩ. Con mình, con nhà người ta; nhà mình, nhà người ta… bao nhiêu là lý do để so sánh. Tiền lì xì có lúc có nơi làm thay đổi cả quan niệm về giá trị sống. Đến “đỉnh cao” của giới hạn đồng tiền lì xì - nếu có thể gọi như thế - thì “độ dày” của phong bì lì xì không biết bao nhiêu là vừa!

Đã đến lúc cần tái hiện nét văn hóa lì xì thời bao cấp chưa xa: Lì xì sách. Đây chính là dấu hiệu của sự nâng tầm văn hóa của cộng đồng. Lì xì bằng vật phẩm văn hóa, đặc biệt là sách, chính là biểu hiện của một lối sống văn hóa. Nói cho công bằng thì hiện nay, giá trị vật chất cụ thể của một cuốn sách cũng không dễ để người tiêu dùng bỏ tiền mua. Có những quyển sách muốn đọc mà chần chừ không mua, bỗng có người mang đến tặng, cảm giác như được giải thoát khỏi tính căn cơ, vui hơn được tiền! Đặc biệt, những quyển sách hay, có giá trị nội dung và nghệ thuật cao, sách dạy kỹ năng sống, học tập, kinh doanh, sách best-seller… có giá thị trường không hề rẻ. Đôi khi còn cao hơn cả giá trị phong bì tiền không chừng!

Bản thân các nhà xuất bản và những người làm sách những năm gần đây đã quan tâm nhiều hơn đến hình thức của ấn phẩm sách. Trình bày sách đã trở thành một yêu cầu không thể bỏ qua. Đã có những cuộc triển lãm nghệ thuật bìa sách Việt Nam với quy mô cả nước, tạo dấu ấn trong hoạt động của chuyên ngành đồ họa Việt Nam hiện đại, qua đó, những người làm công tác xuất bản và các họa sĩ trình bày có dịp nhìn nhận, đánh giá và suy nghĩ định hướng cho bước phát triển tiếp theo của nghệ thuật bìa sách Việt Nam trong tương lai. Chính qua những cuộc cọ xát như vậy, những bìa sách đã ngày càng trở nên bắt mắt, hấp dẫn người mua “ngay cái nhìn đầu tiên”. Không chỉ trang bìa mà những bạn đọc khó tính cũng dần dần cảm thấy thoải mái dễ chịu khi tiếp cận với từng trang ruột bên trong đã được người trình bày chăm chút tỉ mỉ.

Đó là chưa kể, trong xu thế làm “sách xanh” hiện nay, người làm sách còn cẩn thận tạo ra một sản phẩm sách không chỉ bồi bổ về mặt tinh thần mà còn bảo đảm an toàn về sức khỏe cho người đọc. Đó là loại sản phẩm sách thân thiện với môi trường, trong đó, mực in được chế tạo có nguồn gốc từ dầu thực vật,  những vật liệu liên quan như cao su in, dung dịch làm ẩm, dung dịch rửa lô… đều được Tổ chức kiểm định quốc tế cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn thân thiện môi trường. Vì vậy, mỗi một bản sách trong thời buổi văn minh, thân thiện hiện nay đã chứa đựng trong đó biết bao giá trị, biết bao ý nghĩa, xứng đáng là một món quà tặng đầu năm có giá trị, không chỉ giá trị tinh thần, mà còn mang một giá trị vật chất không nhỏ.

Nói lan man như trên về văn hóa tặng sách, nhưng không có nghĩa chúng ta xem nhẹ một mỹ tục truyền thống ngày đầu Xuân của dân tộc, đó là phong bì tiền lì xì. Hẳn là còn lâu, đại chúng mới thay đổi thói quen lì xì bằng tiền. Nhưng có điều là mức độ và tấm lòng. Ngay cả cách tặng tiền cũng có một “kiểu” riêng, chứa đựng tính giáo dục. Có lần, một người thân đã tặng đứa cháu tôi phong bì lì xì bao gồm nhiều tờ tiền với đủ các mệnh giá khác nhau, thứ tự từ nhỏ đến lớn.Ngẫm nghĩ, chính món quà lì xì này đã thay cho một lời khuyên, cháu hãy quý trọng những gì nhỏ nhất, khi trưởng thành hãy bắt đầu kiếm tiền từ những đồng có giá trị nhỏ, hiểu được giá trị từ những đồng tiền của mình làm ra, từ những đồng tiền nhỏ nhất rồi mới có được những đồng tiền lớn, có giá trị cao. Vì vậy, suy cho cùng, câu chuyện tặng sách hay tặng tiền không quan trọng. Vấn đề là không để cho trẻ có tâm lý coi trọng vật chất, trọng tiền; mà món quà lì xì đầu năm phải thực sự làm nên động lực để các cháu phấn chấn hăng say trong cuộc sống.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.