Cựu lãnh đạo hầu tòa

.

Tại sao cán bộ, lãnh đạo cấp cao lại vướng vòng lao lý ngày càng nhiều như vậy? Đó chắc chắn là do Đảng ta đang rất “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, như tên cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-2023).

Các bị cáo tại phiên xét xử vào ngày 3-1-2024. Ảnh: TTXVN
Các bị cáo tại phiên xét xử vào ngày 3-1-2024. Ảnh: TTXVN

Ngay những ngày đầu năm mới 2024, một phiên tòa diện đại án đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Sự quan tâm rộng khắp bởi đó là phiên toàn thuộc diện đại án, có tới 3 cựu Ủy viên Trung ương Đảng hầu tòa, đó là các ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế; ông Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Sự quan tâm của người dân còn lớn hơn, bởi vụ đại án còn liên quan đến gần 20 cán bộ của Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, sở y tế và trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương. Họ đều liên quan đến chuỗi sai phạm vì kit test Covid-19 của Chủ tịch Công ty CP công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt, trong lúc đại dịch đang bùng phát mạnh mạnh mẽ trên cả nước.

Ba cựu Ủy viên Trung ương cùng hầu tòa, đó là điều hiếm có trong lịch sử. Nhưng sự hiếm có ấy không có gì là bất thường, bởi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng ta triển khai quyết liệt, không có vùng cấm. Thông tin từ phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 16-8-2023, cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (tăng gần 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII).

Sự gia tăng gần 2 lần rất đau lòng ấy không hẳn đồng nghĩa với việc tham nhũng, tiêu cực gia tăng gần gấp đôi, nó chỉ khẳng định rõ thêm một điều rằng, cuộc chiến chống “giặc nội xâm” là không có cùng cấm, không có giới hạn, không có sự “hạ cánh an toàn”. Chính vì vậy, từ sau phiên họp thứ 24, nhiều vụ đại án đã được hoàn tất kết luận điều tra và khởi tố, truy tố. Để rồi, ngày 3-1-2024, đại án Việt Á được đưa ra xét xử, dự kiến diễn ra trong 20 ngày, kể cả ngày nghỉ.

Sau đại án Việt Á đưa ra xét xử, theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Nhất là tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố xét xử các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Sở Y tế Quảng Ninh và Công ty AIC… Không ai mong muốn thấy xuất hiện thêm những cựu lãnh đạo cấp cao hầu tòa. Nhưng vì không có vùng cấm, không có sự “hạ cánh an toàn”, nên việc các cựu lãnh đạo hầu tòa, dẫu với khuôn mặt hốc hác, tiêu điều, ăn năn hối cải..., vẫn dễ xuất hiện trong thời gian tới.

Đến đây, chợt nhớ vụ án Trần Dụ Châu - Đại tá, Giám đốc Nha Quân nhu - bị tử hình vì tội tham ô vụ án chống tham nhũng, ngày 5-9-1950. Đây là vụ án đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền non trẻ, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo.

Hơn 2 tháng sau đó, ngày 15-11-1950, dự phiên họp của Chính phủ, nhân nói đến vụ án Trần Dụ Châu, Bác phát biểu: “Về vụ Trần Dụ Châu, chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm, chúng ta không có chính sách cán bộ đúng. Chúng ta sinh trưởng trong một xã hội lạc hậu, nhiễm thực dân phong kiến, xã hội cũ hám danh hám lợi, danh lợi dễ làm hư người... Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách cải tạo cán bộ, đó là khuyết điểm... Lúc tìm người phải tìm cả tài, cả đức, chú trọng tư tưởng. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của dân thì không xảy ra việc đáng tiếc... Chúng ta hay nể nả. Mình chỉ biết mình thanh liêm là đủ. Quan niệm “thanh cao tự thủ” là không đủ... Phải mở cửa khuyến khích lãnh đạo tự phê bình và phê bình”.

Đọc lại những gì Bác phát biểu, thấy những đổi thay về thời gian, bối cảnh xã hội, chính sách cán bộ..., nhưng giá trị, bài học kinh nghiệm còn vẹn nguyên, rất thời sự. Ấy là tìm người, lựa chọn cán bộ phải đủ cả tài, cả đức, phải chú trọng tư tưởng, phải sàng lọc, loại trừ được những con người hám danh, hám lợi. Ấy là nhận diện, ngăn ngừa, chống bệnh “nể nả”, lợi ích nhóm, vây cánh, quan hệ, chạy chọt, luồn lách, “mua quan, bán chức”. Ấy là sự trung thực, thẳng thắn nhưng tránh sự kéo bè kết cánh, cố ý “triệt hạ” trong tự phê bình và phê bình. Là sự biết thương dân, tiếc của dân, vì dân, thực sự là đầy tớ, là công bộc/ đầy tớ của nhân dân...

Phải khẳng định rằng, làm được những điều kể trên là không hề dễ dàng. Nhưng đó là việc bắt buộc phải làm và Đảng ta đang kiên trì, kiên quyết tiến hành trên diện rộng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của mọi người dân yêu nước. Có kiên trì, kiên quyết, có sự chung sức, đồng lòng phát hiện, triệt tiêu cái xấu, cái ác trên mọi lĩnh vực, mọi hành động mới có thể hy vọng vào việc xã hội sẽ ngày càng ít đi, thậm chí không còn những cựu lãnh đạo, quan chức hầu tòa hết sức đau lòng, phản cảm.

NGUYỄN TRI THỨC

;
;
.
.
.
.
.