Đưa sân khấu rối nước về sân trường

.

Khuôn viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng tối Chủ nhật (26-11) rộn ràng hơn thường lệ bởi một sự kiện đặc biệt. Tại đây, một sân khấu múa rối hơn 40m2 được dựng lên với các tiết mục múa rối cạn, múa rối nước trên nền âm nhạc truyền thống và vũ điệu hiện đại. Hơn 200 khán giả thích thú khi trực tiếp theo dõi màn trình diễn đặc sắc, với những hình tượng rối: chú Tễu, con trâu cày ruộng, tứ linh long - lân - quy - phụng, người nông dân…

 “Ở đây có Hội” tái hiện không gian múa rối nước truyền thống với giới trẻ.  Ảnh: N.Đ
“Ở đây có Hội” tái hiện không gian múa rối nước truyền thống với giới trẻ. Ảnh: N.Đ

Chương trình nghệ thuật mang tên “Ở đây có Hội” là một dự án tôn vinh nghệ thuật dân gian Múa rối nước do nhóm “More and more” gồm 7 sinh viên đang theo học chuyên ngành PR & Tổ chức sự kiện tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng thực hiện. Với mục tiêu đem đến trải nghiệm độc đáo và lan tỏa những giá trị ý nghĩa cho cộng đồng, xã hội, nhóm đã cùng nhau lên ý tưởng tổ chức sự kiện này.

Đại diện nhóm, sinh viên Nguyễn Thị Bi chia sẻ: “Múa rối nước là loại hình sân khấu dân gian mang tính chất đặc thù dân tộc, chỉ có ở Việt Nam. Thông qua sự kiện, nhóm em mong muốn tái hiện những nét đẹp đặc trưng và nhấn mạnh vị trí của nghệ thuật múa rối nước so với các loại hình sân khấu khác, qua đó, lan tỏa giá trị đặc sắc của bộ môn này đến cộng đồng, nhất là giới trẻ”.

Hơn 2 giờ diễn ra chương trình, “Ở đây có Hội” không chỉ có múa rối nước mà còn có múa rối cạn với phần trình diễn rối lấy cảm hứng từ vũ điệu Apsara truyền thống của dân tộc Chăm hay màn múa rối tay độc đáo mang vũ điệu ballet “Hồ Thiên nga” của nhà soạn nhạc người Nga Peter Ilyich Tchaikovsky. Theo Bi, đây không phải là sự kiện đầu tiên “More And More” tổ chức. Các sự kiện trước đó như “Bee Singer”, “Xanh”, “Tiệm cầu Zòng”… đạt nhiều thành công cả quy mô cũng như chất lượng tổ chức, lan tỏa sức hút tới sinh viên Đà Nẵng.

Tuy nhiên, với “Ở đây có Hội”, nhóm đối mặt không ít thử thách trong lần đầu tiếp cận múa rối nước. Các thành viên bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu sâu về nghệ thuật này, nghiên cứu tổ chức chương trình sao cho vừa tái hiện đúng nét đặc trưng của múa rối nước, truyền tải loại hình này đến người xem một cách chính xác nhất nhưng vẫn phải làm nổi bật và mang đến làn gió mới sáng tạo. Tiếp đó là câu chuyện làm sao thu hút đông đảo người trẻ tham gia sự kiện, hay việc tái hiện một sân khấu nước ngay giữa sân trường, câu chuyện cân đối tài chính khi tổ chức... Việc tìm kiếm nghệ nhân cũng rất khó khăn khi múa rối nước đang bị mai một dần và ít người còn giữ được lửa nghề.

May mắn là nhóm đã nhận được sự hỗ trợ từ các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Cố đô Huế. Không quản ngại đường xa, họ mang đến “Ở đây có Hội” những tiết mục chất lượng nhất, đặc sắc nhất trên một không gian đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Đạo diễn, nghệ sĩ độc diễn Nguyễn Phi Tuấn, Giám đốc Nhà hát múa rối Cố đô Huế là người “bén duyên” với nghệ thuật múa rối từ khi còn trẻ. Tham gia “Ở đây có Hội” trong vai trò khách mời biểu diễn, ông không khỏi xúc động: “Chúng tôi thực sự vui và tự hào vì đã rất lâu rồi mới có các bạn trẻ liên hệ nhà hát để tổ chức sự kiện nhằm mục đích quảng bá nghệ thuật múa rối. Sự quyết tâm của các bạn trẻ dám nghĩ, dám làm đã hoàn toàn thuyết phục chúng tôi tham gia sự kiện. Hy vọng sẽ có nhiều hơn các sự kiện sân khấu nghệ thuật múa rối nước về trường học nhằm lưu giữ, bảo tồn và lan tỏa tinh thần yêu nghệ thuật văn hóa Việt Nam và đặc biệt là nghệ thuật múa rối nước”.

Đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn chia sẻ thêm, điều hạnh phúc là những người trẻ đã và đang có tình yêu, sự quan tâm đến văn hóa nghệ thuật truyền thống, trong đó có múa rối. Theo ông, trong bối cảnh thời đại 4.0, khi con người có nhiều lựa chọn về văn hóa thì nghệ thuật truyền thống chính là nền tảng, là cội nguồn để người trẻ sáng tạo và tìm tòi phát triển trên tinh thần “hòa nhập chứ không hòa tan”. Đó cũng chính là tinh thần “More and More” khi tổ chức sự kiện, đó là gìn giữ văn hóa múa rối nước nhưng bên cạnh đó tìm ra những nét đổi mới để phù hợp hơn với thời đại, đổi mới nhưng không làm mất đi giá trị tinh hoa cốt lõi.

Còn với những bạn trẻ có mặt tại “Ở đây có Hội”, rất nhiều bạn lần đầu xem múa rối nước ngoài đời thực. “Em nhận ra múa rối nước hấp dẫn, lý thú hơn em nghĩ. Trước đó em chỉ thấy rối nước qua tivi nhưng đến khi trực tiếp nhìn những nghệ sĩ điều khiển con rối, “thổi hồn” vào chúng mới hiểu được tâm huyết của các anh chị và những giá trị của nghệ thuật này. Nếu được, em mong sẽ có nhiều hơn những chương trình như thế này đến với giới trẻ”, Lê Thanh Hà, sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ.

Ngồi theo dõi sự kiện do sinh viên tổ chức, thầy Nguyễn Đình An, Giám đốc Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng không khỏi tự hào: “Rối nước là loại hình văn hóa đặc sắc nhưng ít có dịp tổ chức ở trường học như vậy. Điều mong muốn của chúng tôi là những sự kiện, những ý tưởng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của sinh viên không chỉ dừng ở phạm vi ngành học mà sẽ được lan tỏa ở quy mô rộng hơn. Bản thân mỗi sinh viên sẽ là một đại sứ văn hóa, lưu giữ và phát huy những truyền thống cốt lõi của đất nước”.

NAM ĐỊNH

;
;
.
.
.
.
.