ĐI LẠI THỜI NAY

Dọc dài những chuyến đi

.

Dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai, những chuyến đi dù gần dẫu xa, phương tiện thô sơ hay hiện đại vẫn “chở” theo biết bao câu chuyện và ký ức cuộc đời của con người trên mỗi hành trình họ đi qua...

Du khách nước ngoài sử dụng xe buýt trợ giá tại Đà Nẵng. Ảnh: X.S
Du khách nước ngoài sử dụng xe buýt trợ giá tại Đà Nẵng. Ảnh: X.S

Từ những chuyến đi chở đầy ký ức...

Những chiếc Renault do Pháp sản xuất, chạy tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng ngày xưa là tiền thân của xe buýt liên tỉnh chạy tuyến liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng bây giờ. Loại xe này có mặt ở nước ta từ thập niên 60 cho tới những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, được người Quảng Nam gọi là xe đò hay xe “đờ-nôn” - có lẽ bắt nguồn từ chuyện say xe của hành khách trên những chuyến xe ì ạch, nhồi nhét đầy người, hàng hóa, gia cầm…

Xe “đờ-nôn” năm ấy và xe buýt hôm nay đều là một phần trong ký ức người xứ Quảng. Thế hệ của tôi và nhiều người bạn cùng thời - nay đã qua mốc 30 tuổi có lẽ là “may mắn” khi vẫn có dịp trải nghiệm cảm giác… hoảng sợ trên những chuyến xe cũ kỹ này ở thập niên 90, trước khi chúng hoàn toàn lùi xa vào quá khứ. Đó là một “tổ hợp” mùi đầy ám ảnh, là mùi gà vịt, mùi mồ hôi người, mùi rượu bia từ ai đó vừa tàn buổi giỗ, mùi hơi nóng hầm hập ở những cuốc xe trưa hè, mùi nhiên liệu… Ám ảnh đến mức có những đứa trẻ chỉ nhìn thấy xe dừng bên quán nước ở một góc nội thị Tam Kỳ, chưa cần bước lên xe mà đã khóc òa.

Cho tới ngày xe “đờ-nôn” nằm lại ký ức và chỉ còn xuất hiện trong vài bộ phim lấy bối cảnh thập niên 80-90 hay một góc trưng bày đồ cổ, cảm giác say xe năm ấy vẫn theo chúng tôi như một thước phim tua chậm. Ở đó, những con gà con vịt, đống thúng mủng hay ánh mắt mỏi mệt vì say xe của bao mảnh đời dọc ngang xứ Quảng đã in hằn trong tâm trí nhiều thế hệ về những năm tháng cơ cực. Người ta mệt vì không khí trên xe nhưng cũng thoáng vui khi nhìn một bảng hiệu, một cột mốc định danh trên đường. Này Hà Lam, kia Hương An, đó Vĩnh Điện, xa kia là Đà Nẵng…

Có số phận giống xe “đờ-nôn” là xe lam. Sinh ra ở tỉnh Gia Lai, chị Phan Diệp Hoàng (SN 1993) gắn tuổi thơ mình với những chuyến xe lam trên đường về quê ngoại cùng gia đình. Trong ký ức cô bé Diệp Hoàng ngày đó, xe lam khá “ngầu” vì tiếng máy nổ vang động cùng mùi khói xăng đặc trưng. Hoàng nói, xe lam thời đó là phương tiện bình dân như xe buýt hiện đại bây giờ. Khách chỉ cần đứng ven đường vẫy tay là xe dừng lại đón và khi muốn xuống thì cứ việc la lớn báo hiệu cho bác tài. Không có máy lạnh nhưng khách ngồi xe lam rất mát mẻ vì được “hít hà”, tận hưởng gió trời.

“Bây giờ, xe lam được thay thế bằng những chuyến xe điện, xe buýt với công nghệ tiên tiến làm giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy vậy, thỉnh thoảng bắt gặp hình ảnh chiếc xe lam cũ được trưng bày ở tiệm cà phê nào đó, bất giác trong tôi dâng lên nỗi niềm khó tả về một ký ức thân thương đến lạ kỳ”, chị Hoàng nhớ lại.

Sống và làm việc ở quê nhà Phú Yên sau 6 năm tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), chị Phạm Thị Hải Dương (SN 1995) nhớ như in những ngày xuôi ngược ra Đà Nẵng học hay trở về quê nhà bằng xe khách trên đoạn đường hơn 400 km nối liền hai địa phương. Trong ký ức cô gái xứ Nẫu là những lần chen chúc đến ngột ngạt trên ghế ngồi khiến hành trình lên giảng đường và về quê như dài hơn, may mắn, cũng có những chuyến xe giường nằm được nhà xe chăm chút kỹ lưỡng với chỗ nằm thoải mái, màn hình giải trí, wifi miễn phí… để hành khách vơi đi mệt nhọc.

Với Dương, chuyến xe từ nhà ra phố chở theo háo hức về một tương lai tươi sáng, còn chuyến xe từ phố về nhà mang theo niềm chờ đợi được tái ngộ với gia đình. “Xe thường khởi hành chậm rồi lao đi hun hút trong đêm, dưới ánh sáng lấp loáng dọc quốc lộ, chở theo “tập hợp” những giọng nói đa vùng miền trên cùng một hành trình. Ở đó, mình có thể nghe được giọng xứ Nẫu (Bình Định và Phú Yên quê mình), giọng xứ Quảng (Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng), thỉnh thoảng lẫn chút Bình - Trị - Thiên. Nghe thương mà gần gũi lạ”, chị Dương chia sẻ.

Chuyện tàu xe làm tôi nhớ về năm tháng ấu thơ bên gia đình ở ngã ba Huế - cửa ngõ vào thành phố. Năm đó, tôi từng lóc cóc dậy từ 2 giờ sáng để ngồi cạnh xem mẹ nướng bánh tráng bán cho khách trên mấy chuyến xe Bắc - Nam, rồi chờ mấy đoàn tàu đi ngang phố nhà. Nó cũng từa tựa cảm giác của "Hai đứa trẻ" mà nhà văn Thạch Lam viết. Mỗi chuyến hành trình như thế mang theo thứ ánh sáng của những miền đất khác. Mãi về sau, khi có nhiều dịp thức giấc nửa đêm trên một chuyến đi đường dài, lúc đi ngao du, khi đi công tác, tôi quen dòm ra ngoài cửa sổ xem hành trình đã đến đâu, rồi tìm coi có ánh sáng le lói nào ngoài đó - từ một quán nước, mái nhà nhỏ hay bóng đèn vàng phố thị. Ở đó, biết đâu cũng có đứa con nít nào đó nghịch bếp lửa, ngắm tàu xe...

Dừng chân nửa đêm về sáng ở một nơi xa cũng giống như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: "Một hôm bước qua thành phố lạ...", là một cái ngáp dài bên trạm dừng nghỉ ở Quy Nhơn, là nghe tiếng ngáy của một người đứng tuổi trên chuyến tàu từ Nha Trang về Đà Nẵng, hay cảm nhận được hơi sương Tây Nguyên đọng trên cửa kính khi xe buýt ì ạch leo đèo Khánh Lê lên Đà Lạt, ngắm ánh đèn nhập nhoạng ở ga Huế... Đó có lẽ là cảm giác ai cũng có được trên những chuyến đi mang đầy hồi ức.

... Đến trải nghiệm đi lại hiện đại

“Nói không” với việc đi xe khách, xe buýt… vì sợ say xe, nhiều bạn trẻ chọn đi xe máy cho những lộ trình không quá dài. Với Nguyễn Thị Phương Linh (SN 2003), sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), những chuyến đi-về giữa giảng đường và quê nhà luôn là những chuyến đi bằng xe máy. “Là con gái, di chuyển xe máy đi hàng chục cây số không hề thoải mái, nhưng em thích cảm giác vừa chạy xe vừa ngắm cảnh vật. Con đường từ Đà Nẵng về quê nhà em ở xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) toàn là sông nước và đồng ruộng. Mỗi lần đi về là như một chuyến du lịch “phượt” để bản thân thư giãn”, Linh chia sẻ.

Sự kết nối rộng rãi của mạng lưới hàng không và chính sách ưu đãi, khuyến mãi từ các hãng bay khiến việc đi máy bay trong nước và quốc tế thuận lợi. Đặc biệt ưa thích những chuyến bay, anh Nguyễn Anh Khoa (SN 1995, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “Mua một tấm vé máy bay cũng là mua hàng giờ đồng hồ và sức khỏe để đến nơi. Nếu tìm hiểu các ưu đãi, chi phí bỏ ra có thể chỉ gấp 1,5-2 lần vé xe/tàu hay thậm chí rẻ hơn vé tàu hỏa. Tuy nhiên, vấn đề của loại hình này là hãng bay có thể đổi chuyến hay hoãn khiến khách “hú vía” vì nguy cơ lỡ kế hoạch đi lại”.

Những năm gần đây, Thái Lan dần trở thành cái tên quen thuộc trên bản đồ du lịch của nhiều người trẻ trong nước bởi giá thành đi lại và dịch vụ hợp lý cùng với nhiều trải nghiệm thú vị. Chia sẻ về chuyến đi Bangkok vài tháng trước, chị Phan Trương Thúy Hiền (SN 1997, trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) cho hay, chị may mắn “săn” được vé 2 chiều Đà Nẵng -  Bangkok với giá ưu đãi tầm 2,8 triệu đồng. Trên đất Thái, điều làm chị ấn tượng là chi phí cho các loại hình giao thông công cộng như taxi, tuktuk, phà, xe điện ngầm Bangkok Underground (MRT), xe điện trên không Bangkok Skytrain (BTS)… tương đối rẻ và đặc biệt du khách có thể mặc cả với tài xế tuktuk hay taxi trên tinh thần “thuận mua vừa bán”.

Với chị Lê Thụy Xuân Dương (SN 1994, phường Thạch Thang, quận Hải Châu), mạng lưới đi lại công cộng ở xứ chùa vàng là nơi để hành khách hòa mình vào không gian đa sắc tộc và văn hóa. Một trong những khoảnh khắc dễ chịu nhất là lắc lư theo nhịp di chuyển của những chuyến MRT và BTS và cảm nhận thế giới thu nhỏ xung quanh mình. Từ Bangkok nhìn về Đà Nẵng, chị Dương mong muốn hạ tầng giao thông thành phố ngày càng được nâng cấp hiện đại hơn trên cơ sở những điều đã có: Sự dễ chịu khi đi lại của người dân, hệ thống xe đạp công cộng bài bản, đường sá khang trang sạch đẹp…

“Hệ thống xe buýt công cộng của Đà Nẵng đang được cải tiến về hình thức và chất lượng, đặc biệt 5 tuyến xe buýt trợ giá mới với xe 16 chỗ ngồi nhỏ gọn phần nào hạn chế kẹt xe giờ cao điểm. Người dân dễ dàng mua vé tháng qua ứng dụng Danabus. Tuy nhiên với tình trạng nhiều chuyến xe ít khách, có lẽ cần tuyên truyền, phổ biến, quảng bá loại hình này đến đông đảo du khách hơn, đặc biệt là khách nước ngoài”, chị Dương cho hay.

Giao thông thành phố từ mắt người xa xứ ngập tràn cảm xúc mới - cũ. Trở lại Đà Nẵng sau nhiều năm định cư ở Hoa Kỳ, anh Trương Công Thiên Hoàng (SN 1993) cảm nhận rõ sự tiện lợi khi được trải nghiệm công nghệ kết nối trong gọi xe cũng như thanh toán không dùng tiền mặt thông qua thẻ tín dụng quốc tế và app điện thoại. Anh nhớ những cuộc trò chuyện thoải mái, gần gũi với cánh tài xế taxi, grab trên chuyến hành trình ngắn vòng quanh phố biển. Với Hoàng, đó là “sợi dây” kết nối tình người, thể hiện “thương hiệu” mến khách của người Đà Nẵng quê mình.

Kinh tế - xã hội phát triển, cuộc sống thay đổi, hạ tầng hiện đại, công nghệ cải tiến… cũng là khi chuyện đi lại của con người ngày càng được tối ưu. Tuy vậy, dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai, những chuyến đi dù gần dù xa, dù phương tiện thô sơ hay hiện đại vẫn “chở” theo biết bao câu chuyện và ký ức cuộc đời của con người trên mỗi hành trình họ đi qua.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.