TƯỢNG ĐỒNG NỮ THẦN DURGA

Bảo vật độc đáo của nghệ thuật Chăm

.

Tháng 9-2023, tại London, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh tiếp nhận tượng đồng Nữ thần Durga 4 tay (cao gần 2m, nặng 250kg) và đang xúc tiến thủ tục để có thể đưa pho tượng này về Việt Nam. Đây là một bức tượng giá trị trên nhiều khía cạnh liên quan văn hóa, lịch sử, tôn giáo - tín ngưỡng, bên cạnh những bảo vật khác của văn hóa Chăm đang được trưng bày tại Việt Nam.

Tượng nữ thần Durga. Ảnh: Website Bộ Nội vụ Hoa Kỳ
Tượng nữ thần Durga. Ảnh: Website Bộ Nội vụ Hoa Kỳ

Từ những bức tượng ở Đồng Dương...

Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang trưng bày gần 400 tác phẩm điêu khắc. Các tác phẩm có niên đại từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ XV, là những tác phẩm thuộc nền nghệ thuật điêu khắc Champa cổ và hầu hết đều liên quan đến Ấn Độ giáo và Phật giáo. Trong đó có những bức tượng được chế tác tinh xảo, thể hiện bản sắc văn hóa Chăm.

Đặc biệt tại đây có 6 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia (được công nhận lần lượt các năm 2012, 2018 và 2020). Một trong số đó là tượng Bồ tát bằng đồng tại Phật viện Đồng Dương (Tara/Laskmindra Lokesvara) là Bảo vật quốc gia năm 2012. Theo thông tin từ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, tượng đồng Bồ tát Tara có niên đại cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X, có xuất xứ từ Phật viện Đồng Dương (thuộc làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) được người dân địa phương tìm thấy một cách tình cờ vào năm 1978.

Tượng cao gần 115cm với tư thế đứng thẳng, hai tay cùng đưa cân xứng về phía trước. Tay phải cầm đóa hoa sen, tay trái cầm vỏ ốc. Toàn bộ phần cơ thể phía trên được phô trần với bộ ngực căng đầy. Y phục phía dưới gồm một tấm váy dài gần đến cổ chân và tấm vải chồng bên ngoài. Khuôn mặt vuông vức, nghiêm nghị, đôi lông mày to, cong, giao nhau, mũi to, môi dày... gợi đến phong cách Đồng Dương. Tóc của nữ thần được vấn lên thành búi cao, mang hình Phật A Di Đà.

Theo Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, dựa trên những đặc trưng phong cách và các dấu hiệu biểu tượng của hoa sen cầm tay, hình Phật A Di Đà trên tóc, nhiều nhà nghiên cứu đã sớm liên tưởng bức tượng này đến vị thần chủ Laskmindra Lokeshvara được đề cập đến trong văn bia tìm thấy tại Đồng Dương. Tên gọi Tara là tên gọi mà nhà nghiên cứu Jean Boisselier đã gợi ý sau 5 năm tìm ra tác phẩm và cách gọi tên này vẫn còn gây nên ít nhiều sự băn khoăn, trao đổi giữa các nhà nghiên cứu. Tác phẩm này là một trong những tượng Tara bằng đồng quan trọng nhất của toàn thể Đông Nam Á. Bức tượng này được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2012.

Tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang lưu giữ pho tượng Phật Đồng Dương có niên đại từ thế kỷ IX, tạc hình Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, được nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier phát hiện vào tháng 4-1911 cũng tại Phật viện Đồng Dương.

Bức tượng nặng 120kg, cao 119cm, đứng trên một bệ tròn hai tầng có tạc hình các cánh sen bao quanh. Toàn thân tượng và bệ đều được đúc bằng đồng và gắn chặt với nhau bởi những chiếc mộng đặt dưới lòng đôi bàn chân bằng phẳng. Theo Cục Di sản văn hóa, tượng Phật Đồng Dương có giá trị đặc biệt liên quan đến một giai đoạn Phật giáo ở Chămpa phát triển hưng thịnh nhất, đó là thời kỳ thuộc triều Indravarman II, còn gọi là “Vương triều Đồng Dương” hay “Vương triều Phật giáo”.

... Đến tượng đồng Nữ thần Durga đang trên đường “hồi hương”

Khác với những bức tượng trên, tượng đồng nữ thần Durga vừa được Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh tiếp nhận được nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương xác định có niên đại muộn hơn, cụ thể là sau thời kỳ của phong cách Đồng Dương (thế kỷ IX-X). Trao đổi với Đà Nẵng cuối tuần, ông Phương nhận định, theo thông tin ban đầu được đưa ra thì tượng có từ thế kỷ VII, tuy nhiên theo nghiên cứu của ông trên phương diện phong cách nghệ thuật thì tượng có từ thế kỷ X-XI, sau thời kỳ của phong cách Đồng Dương (thế kỷ IX-X).

Theo ông Phương, bản chất bức tượng nói trên có thể là một bức tượng liên quan Phật giáo, khắc họa nữ Bồ tát thuộc Phật giáo Đại thừa do có nhiều tương đồng với những bức tượng nữ Bồ tát có trong nghệ thuật Chăm. “Bức tượng có 4 tay, theo kỹ thuật chế tác tượng của người Chăm thì trên tay tượng có thể đặt những hiện vật cầm tay di động, có thể lấy ra lấy vào được. Những hiện vật này thông thường là bình nước cam lồ, hoa sen, chuỗi hạt, quyển kinh… Kỹ thuật này xuất hiện muộn từ thế kỷ X-XI trở đi chứ không có ở thời kỳ trước đó”, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương chia sẻ.

Cũng theo nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, bức tượng xứng đáng là một kiệt tác độc đáo trong nghệ thuật Chăm và có một vị trí trong hàng ngũ bảo vật quốc gia, tương đương tượng Bồ tát Tara tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. “Kích thước bức tượng với chiều cao 192cm, cao hơn nhiều so với tượng Bồ tát Tara cao 115cm, Đây là tượng đồng cao nhất và đẹp nhất hiện nay được phát hiện trong nghệ thuật Chăm. Trình độ đúc nên bức tượng rất hoàn hảo, diễn tả được thần thái khuôn mặt, nét uy nghi của một nữ Bồ tát. Điều này cho thấy trình độ tay nghề, kỹ thuật của đội ngũ thợ chế tác thời kỳ đó rất cao.

Nhìn xa hơn, câu chuyện đằng sau bức tượng phản ánh được tổ chức xã hội và thời kỳ kinh tế hưng thịnh của người Chăm. Bởi khi kinh tế phát triển thì kỹ thuật chế tác, sản xuất phát triển, họ có đội ngũ thợ tay nghề cao, có thị trường lớn đúc tượng, kế thừa được truyền thống làm tượng qua hàng trăm năm. Ở xã hội đó, là cả một hệ thống với người luyện đồng, đúc đồng, có người mua bán đồng và người tài trợ bỏ tiền làm bức tượng, có thể là thương nhân giàu có nào đó…”, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương nhận định.

Thời gian đến, khi tượng nữ thần Durga được “hồi hương”, kho tàng di sản văn hóa Chăm tại nước ta lại được bổ sung thêm một bảo vật giá trị, góp phần vào công cuộc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử. Từ câu chuyện của bức tượng này, cần lắm những chính sách khuyến khích các cá nhân, đơn vị chung tay “hồi hương” cổ vật quốc gia cũng như ngăn ngừa sự “đi lạc” của những cổ vật này.

LÂM VIÊN

;
;
.
.
.
.
.