DU LỊCH KHỞI SẮC

Gìn giữ những điểm đến được vinh danh

.

Một trong những điều làm nên sức hút của du lịch Đà Nẵng đó là những điểm đến mang đậm giá trị lịch sử, tâm linh đi cùng những danh hiệu cao quý đã được công nhận. Vì vậy, việc bảo vệ và gìn giữ để những di sản này trường tồn luôn đặt ra không ít thách thức đối với cơ quan chức năng cũng như những người làm công tác văn hóa…

Tượng Gajasimha, một trong 6 bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.  Ảnh: KHÁNH HÒA
Tượng Gajasimha, một trong 6 bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: KHÁNH HÒA

Gìn giữ cũng lắm công phu...

Khi tiết trời vào độ cuối thu, chúng tôi về khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn để càng thấm hơn những dòng thơ nằm trong bài “Vịnh Ngũ Hành Sơn” có từ hàng trăm năm trước: “Cảnh trí nào hơn cảnh trí này/ Bồng lai tiên cảnh hẳn là đây/ Núi chen sắc đá pha màu gấm/ Chùa nức hơi hương khói lộn mây…”.

Lâu nay, danh thắng Ngũ Hành Sơn luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Từng viên đá, từng hang động gắn liền với bao huyền thoại, từng ngôi chùa cổ tự đã dược vinh danh trong lịch sử, từng tấm biển, bức hoành phi, liễn, từng tấm bia cũng là chứng tích của quá khứ.

Gắn liền với danh thắng còn là những câu chuyện ly kỳ, đầy bí ẩn để tự thân cảnh vật, cây cối nơi đây dường như cũng có “thần”, có “hồn”, làm tăng thêm sự linh thiêng và độc đáo hiếm có của di tích quốc gia đặc biệt này. Mới đây nhất, khi UNESCO vinh danh hệ thống ma nhai là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì việc gìn giữ chốn linh thiêng này càng trở nên cấp thiết.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết, ở tầm vĩ mô, Quyết định số 882/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn với 7 nhóm dự án, thực hiện từ năm 2023 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý quan trọng để công tác quản lý, bảo vệ danh thắng Ngũ Hành Sơn được nâng tầm, bảo đảm hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch về lâu dài. Về phía địa phương, Ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn đã và đang tích cực phối hợp các cấp, ngành nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phần 1 (trong lộ trình 3 phần) thuộc “Dự án phát huy, bảo tồn các giá trị của ma nhai Ngũ Hành Sơn”, trong đó tập trung hoàn thiện hệ thống hồ sơ dữ liệu về ma nhai, đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số nhằm đem thông tin đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.

“Việc quét mã QR hay tìm kiếm thông tin giới thiệu về điểm đến trên website của danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ giúp du khách có thêm kiến thức về điểm đến, hạn chế những hành vi gây ảnh hưởng đến khu danh thắng nói chung, hệ thống bia tư liệu ma nhai nói riêng. Bên cạnh đó, Ban quản lý thường xuyên tuyên truyền, quán triệt chủ trương đến đội ngũ cán bộ, nhân viên, lực lượng bảo vệ, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch về những hành vi ứng xử phù hợp, ý thức trân trọng đối với những di sản văn hóa, di tích lịch sử… của địa phương, dân tộc”, ông Hiền cho biết.

Về phía những người kinh doanh tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, công tác tuyên truyền của ngành chức năng về gìn giữ điểm đến luôn được họ ủng hộ và chấp hành nghiêm túc. Thể hiện qua việc các hộ kinh doanh luôn nêu cao ý thức trong khâu giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp, các khu vực kinh doanh trong và ngoài khu vực danh thắng được sắp xếp, bố trí ngăn nắp, bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng “chặt, chém” khi bán hàng...

Bà Ngô Thị Mỹ Trinh (60 tuổi) một hộ kinh doanh, khẳng định: “Từ lúc hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn được công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chúng tôi càng hiểu hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc chung tay với ngành chức năng để làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của điểm đến bằng việc luôn nêu cao ý thức kinh doanh văn minh, lịch thiệp”.

Để di sản trường tồn cùng thời gian...

Câu chuyện gìn giữ 6 bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm lại mở ra một góc nhìn khác, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về công tác bảo quản những bảo vật đặc biệt này. Đó là việc gìn giữ những bảo vật quốc gia trong khuôn viên kín phải tuân thủ quy chuẩn về ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ nhằm bảo đảm các bảo vật không bị hao mòn, giữ nguyên được hiện trạng. Đặc biệt, công tác bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hiện vật nói chung, 6 bảo vật quốc gia nói riêng là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu tại bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Ngoài những nhân viên bảo vệ của đơn vị luôn túc trực 24/24 giờ, Bảo tàng còn phối hợp Phòng PK 20 và Phòng PA 83 (Công an thành phố) và Công an phường Bình Hiên, quận Hải Châu để thực hiện các biện pháp phòng, chống trộm cắp, phá hoại...

Ông Trần Đình Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết, bảo tàng đang áp dụng phương pháp bảo quản phòng ngừa với việc thực hiện đúng và nghiêm ngặt các nguyên tắc bảo quản hiện vật bảo tàng đối với 6 bảo vật quốc gia như: lắp các đai kính nhằm hạn chế tác động trực tiếp đến các bảo vật trưng bày; nhân viên phải đeo găng tay khi thực hiện việc lau chùi, hút bụi... Đồng thời đầu tư kinh phí để trang bị, thay mới các thiết bị phục vụ công tác bảo quản bảo vật quốc gia như máy hút bụi, quạt thông gió...

Được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2017, công trình Thành Điện Hải - biểu tượng bất diệt về lòng yêu nước của quân dân ta trên mặt trận Đà Nẵng trong buổi đầu kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược giữa thế kỷ XIX, với lịch sử tròn 200 năm xây dựng (1823-2023) đã trải qua đợt trùng tu lớn ở giai đoạn 1 (tháng 3-2018). Và giai đoạn 2 của dự án được triển khai từ năm 2019-2024.

Sau thời gian được trùng tu, tu bổ, công trình có ý nghĩa lịch sử quan trọng này càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ đông đảo người dân, nhà văn hóa và cơ quan quản lý; đồng thời khẳng định sự quan tâm, đầu tư kịp thời, đúng hướng của thành phố đối với các công trình, di tích lịch sử trên địa bàn.

Trong khi đó, ông Đỗ Hồng Quang (67 tuổi, phường Thạch Thang, quận Hải Châu) là người may mắn chứng kiến những đổi thay liên quan đến di tích quốc gia Thành Điện Hải bày tỏ niềm vui khi thành phố luôn có sự quan tâm đúng mức đối với những giá trị văn hóa - lịch sử, những khu danh thắng mà thiên nhiên ban tặng. Ông Quang luôn chủ động giáo dục con, cháu phải có ý thức tự giác trong việc giữ gìn nét đẹp, bảo vệ các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh dù ở trên địa bàn thành phố hay khi đi tham quan, du lịch ở bất cứ đâu.

Các di sản văn hóa - lịch sử, nhất là những di sản, tư liệu quý đã được vinh danh là tài sản vô giá, tinh hoa của nền văn hóa dân tộc, kết tinh của lao động, tình cảm, truyền thống văn hóa được kế thừa từ đời này sang đời khác. Giữ gìn và bảo vệ giá trị của các điểm đến, di sản được vinh danh cũng chính là thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với tổ tiên, với công sức và tâm huyết của những lớp người đi trước đã đặt nền móng cho công tác này.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.