BÌNH ĐẲNG GIỚI

Phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ cuộc sống

.

Một trong những thành công lớn nhất của công tác bình đẳng giới tại các xã miền núi, đồng bào dân tộc ở huyện Hòa Vang đó là đã làm thay đổi căn bản tư duy của chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số, từ tư duy nội trợ thuần túy sang tư duy làm chủ kinh tế, làm chủ cuộc sống.

Hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số Cơ tu tham gia biểu diễn tại các chương trình du lịch sinh thái, cộng đồng. Ảnh: KHÁNH HÒA
Hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số Cơ tu tham gia biểu diễn tại các chương trình du lịch sinh thái, cộng đồng. Ảnh: KHÁNH HÒA

Ở chiều ngược lại, khi công tác bình đẳng giới phát huy được hiệu quả, chính những nữ cán bộ là người dân tộc Cơ tu trở thành “cánh tay nối dài” để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về với đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn.

Vượt qua định kiến

Các thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc), thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) thuộc huyện Hòa Vang là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Cơ tu với 466 hộ gia đình. Nếu như trước đây, hình ảnh của người phụ nữ dân tộc Cơ tu chỉ gắn liền với chuyện bếp núc, nương rẫy thì những năm gần đây, họ tham gia ngày càng nhiều vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đáng chú ý, tỷ lệ phụ nữ dân tộc Cơ tu trong độ tuổi 18-35 được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ cũng như có việc làm, thu nhập ổn định và tự chủ về kinh tế cao hơn hẳn so với các thế hệ trước. Họ chủ động tham gia các hoạt động xã hội do các cấp, ngành, địa phương tổ chức như phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, bảo vệ môi trường, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế…

Câu chuyện của chị Hồ Thị Thanh Tỏa (SN 1988), Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc) minh chứng rõ nét cho sự chuyển biến tích cực trong công tác bình đẳng giới ở các xã vùng nông thôn ở địa bàn huyện Hòa Vang. Sinh ra trong gia đình có bố mẹ đẻ là người dân tộc Cơ tu, chị Tỏa là người đầu tiên trong gia đình được học tập đến nơi đến chốn với trình độ văn hóa 10/12 và tham gia vào hệ thống chính trị ở cấp cơ sở với chức danh Phó trưởng thôn Giàn Bí và nay là Trưởng ban công tác Mặt trận thôn. Trong suốt quá trình công tác, chị luôn được các cấp chính quyền ở thôn cũng như xã, huyện nhìn nhận là nữ cán bộ năng nổ, nhiệt tình và có sự sâu sát với cơ sở, am hiểu sâu sắc về tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng cũng như nhu cầu mọi mặt đời sống của người dân trong thân.

Nhìn nhận về công tác bình đẳng giới được triển khai thực hiện trong thời gian qua, bà Bùi Thị Ga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hòa Bắc cho biết, để lựa chọn chị em phụ nữ là người dân tộc thiểu số giới thiệu đứng vào vị trí cán bộ lãnh đạo phải bảo đảm các tiêu chí về đạo đức, năng lực cống hiến, trình độ học vấn, sự tín nhiệm của nhân dân.

Hiện, trên địa bàn xã Hòa Bắc có 3 nữ cán bộ là người dân tộc Cơ tu đó là chị Bùi Thị Hạnh, Hồ Thị Thanh Tỏa (đều giữ chức vụ Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Giàn Bí và Tà Lang) và chị Trần Thị Bích Thu, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Bắc. Đến nay, hành trình vượt qua định kiến, nỗ lực không ngừng nghỉ để đeo đuổi việc học cũng như nhận được sự tín nhiệm cao của đồng bào và lãnh đạo các cấp chính quyền để đứng vào hàng ngũ nữ lãnh đạo tại thôn, xã của các chị luôn là tấm gương sáng cho phụ nữ vùng dân tộc Cơ tu ở xã Hòa Bắc nhìn vào đó để nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Sự thành công của các chị, dù mới chỉ ở cấp cơ sở, nhưng là kết quả của cả quá trình nhiều thập niên cả hệ thống chính trị xã Hòa Bắc và huyện Hòa Vang vào cuộc để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới. Trong đó, luôn lấy việc bảo vệ quyền lợi, thay đổi căn bản tư duy của phụ nữ dân tộc Cơ tu (từ tư duy nội trợ sang tư duy làm chủ gia đình) làm trọng tâm. Ở chiều ngược lại, khi công tác bình đẳng giới phát huy được hiệu quả, chính những nữ cán bộ là người dân tộc Cơ tu trở thành “cánh tay nối dài” để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về với đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn.

“Toàn xã có 7/7 chi hội phụ nữ thôn, trong đó các hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số ở 2 thôn Tà Lang - Giàn Bí luôn tham gia tích cực, đóng góp xây dựng cơ sở hội vững mạnh; đổi mới phương thức hoạt động hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin. Thông qua các cấp hội, chúng tôi tạo điều kiện để nhiều chị em phụ nữ dân tộc Cơ tu tham gia các lớp học nghề hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ phụ nữ là người đồng bào dân tộc vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình với hơn 1,2 tỷ đồng...”, bà Bùi Thị Ga cho biết.

Theo bà Lê Thu Sa, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang, công tác tuyên truyền về bình đẳng giới trong các tầng lớp phụ nữ, trong đó có phụ nữ dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt của tổ chức hội. Cũng nhờ thường xuyên tổ chức tuyên truyền, cung cấp kiến thức cần thiết cho hội viên mà số vụ việc bạo lực gia đình giảm xuống đáng kể.

Vẫn còn nhiều thách thức

Mặc dù công tác bình đẳng giới đã đạt nhiều thành quả, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số cũng dần thay đổi tư duy, vươn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ gia đình, tuy nhiên, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số vẫn đối mặt các rào cản trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Một số vấn đề giới ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục tồn tại trong vùng dân tộc thiểu số, miền núi xã Hòa Phú và xã Hòa Bắc.

Cụ thể như tình trạng lao động nữ người dân tộc Cơ tu làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương nhiều hơn so với lao động nam là người dân tộc và lao động nữ người Kinh. Họ cũng thường có xu hướng lao động sớm, hoạt động sinh kế còn phụ thuộc nên có rất ít cơ hội tự quyết định vấn đề có ảnh hưởng tới cuộc sống. Ngoài ra, những định kiến truyền thống về vai trò nam - nữ khiến phụ nữ dân tộc Cơ tu gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường, ra các quyết định liên quan đến sinh kế và hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ở địa phương, ít được đứng tên vay vốn tín dụng ưu đãi. Từ thực trạng đó khiến đa số phụ nữ dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ về giá trị bản thân; chưa mạnh dạn vươn lên trong học tập và phát triển sinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số tham gia vào các vị trí lãnh đạo ở cấp thôn, xã còn rất hiếm.

Đây cũng là trăn trở và thách thức lớn đối với các xã Hòa Phú, Hòa Bắc trong việc thực hiện bình đẳng giới ở vấn đề tìm kiếm, đào tạo và bố trí, phát triển nguồn cán bố nữ là người dân tộc thiểu số Cơ tu.

Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, nhằm làm tốt công tác bình đẳng giới, lãnh đạo xã luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để phát triển lực lượng cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số. Tại xã Hòa Bắc, một số cán bộ nữ là người dân tộc Cơ tu đã được bố trí vào công tác ở các lĩnh vực như giáo dục, y tế, các hội, đoàn thể… Đồng thời, ưu tiên bố trí việc làm, trao tặng sinh kế để họ vươn lên làm chủ về kinh tế, từ đó dần bớt sự phụ thuộc vào nam giới. Riêng trong năm 2023, trong số 8 người được chọn tham gia chương trình xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc có 7 phụ nữ là người dân tộc Cơ tu…

Vừa qua, lần đầu tiên Đảng và Nhà nước phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025. Chương trình đưa ra mục tiêu từ năm 2021 đến hết năm 2025 triển khai 10 dự án, trong đó có dự án đặc biệt dành cho đối tượng phụ nữ dân tộc thiểu số.

Thực hiện chương trình này, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Hòa Vang, mà tập trung chủ yếu ở các xã Hòa Phú, Hòa Bắc - nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, đã triển khai và tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”; tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn và tích cực kết nối cho hội viên hội phụ nữ dân tộc Cơ tu tham gia vào các mô hình kinh tế du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa Cơ tu... Đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy một cách mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến về chất, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng về giới, để người phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội vươn lên làm chủ chính mình.

KHÁNH HOÀ

;
;
.
.
.
.
.