Khi vợ chồng Hiền và đứa con gái nhỏ vừa quen biết với xóm Mã Lạng này thì thật không may, anh Ngơn - chồng chị - hy sinh khi làm nhiệm vụ truy bắt cướp! Trong sự chia buồn rất thật tình trong xóm phải kể đến bà Tư, người láng giềng mới thân của chị Hiền.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Bà Tư năm nay khoảng bảy lăm tuổi. Ông Tư mất đã lâu. Ông bà có người con trai nguyên là tên cướp khét tiếng... Tên hắn là Phú. Điền Khắc Phú. Phú nổi lên trong giới “dao búa” với hỗn danh “Giang hồ đệ nhất… chém”! Bởi hắn tàn ác đến không thể nào ác hơn được nữa!
Với tội ác của mình, giờ đây hắn phải “đánh bạn” với nhà đá gần như suốt đời!
Sau khi Phú bị bắt, một người con gái tìm đến bà Tư. Lệ - tên cô - đã khóc lóc, thú nhận đứa con trong bụng mình chính là con của hắn. Bà Tư đang chơi vơi bởi tuổi già thì như người vớ được cọc. Ngày bé Thu chào đời, cũng lúc sức khỏe Lệ suy sụp dần. Rồi chị qua đời trước khi vợ chồng Hiền đến ở vài năm. Bà Tư kiếm sống bằng việc lượm ve chai.
Một đêm, công an gọi điện báo chị Hiền: Bà Tư bị tại nạn, hiện đang hấp hối ở bệnh viện. Hiền tức tốc đưa bé Thu vào. Bà Tư chợt cựa mình, chầm chậm mở mắt, nhìn bé Thu và Hiền như từ cõi nào nhìn về. Gắng gỏi chút sức tàn, bà đặt tay bé vào tay chị. Tiếng thều thào của bà thoảng ra nghe còn mỏng hơn gió chiều: “Gửi… cô…!”. Nhìn lại, bà đã ra đi…
Bây giờ, Hiền bận bịu như mẹ có hai con gái nhỏ ở hai nhà. Cũng may chị là công an nội cần, có điều kiện đi về trông nom hai trẻ.
Được cái, bé Thu cũng quen đêm ở nhà một mình từ khi sống với bà.
Đêm nay, khi Hiền mang thức ăn sang cho bé Thu, trăng đã lên cao. Bé Thu đang ngồi bệt trước hiên nhà, lẻ loi như con mèo nhỏ.
- Trời lạnh, sao con không ngồi trong nhà?
- Con ngồi để chờ mẹ. Bà chết vậy, khi nào mới… về lận, hở mẹ?
Hiền dắt bé vào nhà:
- Đã chết là… không về đâu con. Đừng chờ nữa nhé!
- Còn… ba? Ba con vậy là… đã chết chưa, mẹ Hiền?
- Chưa! Ba thì chưa chết.
- Chưa chết, sao ba không về?
- Đừng hỏi lẩn thẩn nữa. Con ăn cơm đi! Màn mẹ giăng sẵn, chỉ việc chui vào ngủ. Con nhớ nhé!
Trước khi đi, Hiền thắp hương cho bà Tư và đóng cửa cẩn thận.
Bỗng sau nhà có tiếng “kẹt” nhẹ. Rồi một bóng đen lao vào, ôm chầm lấy nó. Quá bất ngờ, bé Thu chưa phản ứng gì, thì nức lên một giọng nói nghe rĩ rền:
- Ba đây! Trời ơi… con ơi!
Bóng đen ấy đúng là ba nó! Nó òa lên:
- A… ba! Ba con về…!
Miệng bé Thu bị bịt ngay bởi bàn tay lạnh giá.
- Khẽ thôi! Bà chết khi nào, hả con?
Bé Thu thì thào kể cho ba nghe về cái chết của bà. Phú nhìn ảnh mẹ, miệng méo giật liên hồi:
- Mẹ, mẹ ơi…!
Vừa trốn tù, không cho phép Phú lài dài thêm:
- Từ hôm bà mất giờ, con ăn ở với ai?
- Với mẹ Hiền.
- Mẹ… Hiền nào?
- Mẹ mấy lần thăm nuôi, bà kể đó.
Phú nhớ người nữ láng giềng mẹ hắn thường kể. Nhưng… Phú biết sự sống chết của hắn có thể gang tấc vì con người này! Hắn thì thào:
- Con có muốn ba luôn ở bên con không?
- Muốn! Con… rất muốn!
- Nếu muốn, con đừng nói cho bất cứ ai, ba ở đây! Hiểu chưa?
Sau lúc lâu mò cạy, miệng cái hầm nhỏ mở ra, vừa vặn cho thân người tụt xuống. Đây nguyên chiếc hầm ông Tư làm năm 1972, để hắn trốn quân dịch. Do thương con và vốn tay thợ giỏi, ông đã làm cái hầm thật kín kẽ và nằm ở nơi không ai có thể ngờ. Với Phú, cái hầm như lá bùa hộ mệnh, lúc nào cũng nháng lên trong những toan tính trốn trại của hắn.
Trong trại, chẳng bao giờ Phú nghĩ mẹ mất, một cây một trái như hắn, lại không về để chịu tang! Cũng chẳng khi nào nghĩ đứa con gái bé nhỏ của hắn, lại bơ vơ một mình trong đời. Bằng mọi giá hắn phải trốn trại. Bỗng bão ập đến. Rồi cơn lũ dữ bất thần quét ngang nơi lao động đã giúp hắn. Lúc bát loạn, các phạm nhân khác hoặc tự cứu mình, cứu bạn… Riêng Phú, hắn nghĩ ngay đến con gái với… cái hầm này.
Bây giờ Phú bỗng đứng trước tình huống đầy bất ngờ. Có một công an lại thường xuyên lui tới nhà mình. Và còn dọn dẹp nữa, mới chết! Tiếng Phú dưới hầm tối vọng lên nghe lạnh tanh:
- Con!
- Ba.
- Con tìm cho ba con... dao.
- Nhà mình đâu có dao!
- Thế mai, con phải mua cho ba một cái.
- Vâng! Đợi mai mẹ Hiền đem cơm đến, con sẽ nói mẹ mua.
- Không được! Cô công an ấy biết. Và ba sẽ bị bắt! Con có muốn xa ba nữa không?
- Không! Ba ơi…!
- Cứ vậy, sao con nuôi ba được?
- Thì… mẹ Hiền đem cơm đến. Con sẽ nhín phần cho ba.
- Con phải tự mua cho ba… cái dao.
- Vâng, con sẽ tự mua! Nhưng…mua dao làm gì, hở ba?
- Con… đừng hỏi những việc của ba.
- Thế thì… ba muốn giết mẹ Hiền rồi! Không! Con không muốn mẹ Hiền chết như bà đâu!
Tiếng con bé nức nở mỗi lúc một nhỏ dần. Giờ Thu đã ngủ. Nó nằm co quắp, đè ngay lên nắp hầm, nước mắt vẫn còn hoen trên má.
… Bây giờ chẳng biết mấy giờ? Ánh sáng lọt xuống thấy được lờ nhờ vách hầm. Hắn khẽ nâng nắp. Qua sức ì nặng, Phú biết con hắn đã kéo cái chân bàn đè lên. Nó làm vậy vì sợ bố lại xa nó bất thần. Vẳng đâu ngòai ngõ, tiếng trẻ con đùa giỡn nghe như từ thế giới khác. Chợt có tiếng dép “lép, bép…” chạy nghe rõ dần lên.
- Ba! Dậy chưa hả ba?
- Rồi! Giờ là mấy giờ, hả con?
- Không biết. Nhưng… chiều lắm rồi!
Vậy là hắn đã ngủ một giấc quá dài.
- Ba có đói không? Trưa chiều nay, mẹ Hiền đem cơm đến. Con đều dành phần cho ba.
- Ngày nào mẹ công an ấy cũng đem cơm đến à?
- Vâng! Thức ăn ngon lắm. Con đưa xuống cho ba nghe?
Phú chạnh lòng. Hắn chưa bao giờ nghĩ tới ngày, con gã chuyên đâm thuê giết mướn như hắn, lại được nuôi dưỡng, đùm bọc của một nữ công an! Phú nghe mặn đắng:
- Thôi, khuya ba hẵng ăn. Con đi đâu về đấy?
- Con ra xem tụi nó chơi rước đèn.
Phú giật mình, nhớ lại. Đêm nay có lẽ mười bốn hay rằm tháng Tám chi đó. Vậy là đã Tết Trung thu! Chín năm trong tù là chín lần Trung thu, Phú ước ao được gần con lấy một đêm, đón Tết như giờ. Vậy mà… nay con đấy, hắn đây. Hắn không lo cho nó được chiếc lồng đèn nhỏ! Phú đấm mạnh tay vào ngực mình.
Bỗng có tiếng xe máy vọng vào bất thần. Phú giật mình, trùn người, tai căng ra:
- A…! Mẹ Hiền! Lồng đèn đẹp quá…!
- Tối mai mẹ sẽ đưa em Thảo và con đi rước đèn.
Sau đó thì tiếng chân nữ công an nghe như ngay trên đầu Phú, chỉ cách cái nắp hầm:
- Đây là nến để thắp đèn.
- Con thấy tụi nó thắp rồi!
- Ừ, kẻo cháy! Đây đây là bánh Trung thu. Giờ mẹ đi trực. Nhớ chỉ chơi trong nhà và ngủ sớm nghe con!
… Tiếng xe máy lại xa dần, lẫn vào những tiếng hát bọn trẻ ngoài ngõ vọng vào: “… Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu…
Đèn sao tươi màu của đêm rằm… Tùng dinh dinh…”. Trăng trên ấy đêm nay chắc sáng và đẹp lắm. Sao hắn lại không lên rước đèn với con nhỉ? Dù chỉ lòng vòng, lui tới trong căn nhà chật hẹp này? Nghĩ vậy, Phú bèn gọi con.
- Con, đóng cửa đi! Ba lên chơi với con nhé?
- Ừ, hay quá! Ba lên ăn bánh và rước đèn với con. Ông sao này đẹp lắm…!
Không gian trên nắp hầm thật là tuyệt diệu! Cũng cùng diện tích như phòng giam và cùng ánh trăng ấy, nhưng có con, hắn bỗng thành ra khác hẵn. Chiếc đèn mẹ công an vừa cho rất đẹp. Cũng đã lâu rồi, Phú chưa thấy đèn ông sao.
- Thắp nến đi ba! Ba con mình cùng rước đèn nhá?
- Ừ.
Phú run run đón đèn, nến từ tay con. Ngọn lửa được thắp lên. Nó nhảy múa trên gương mặt Phú và con hắn một thứ niềm vui lạ kỳ.
Hắn lập cập đặt nến vào lồng. Ngọn đèn bỗng run rẩy, chao phải, chao trái, rồi… cháy bùng lên!
Bây giờ con hắn đã ngủ và vẫn ngay trên nắp hầm…
Tiếng cười nói, rọt rẹt kéo Phú ra khỏi giấc ngủ mệt nhọc. Mất lúc lâu hắn mới thấy rõ được vách hầm. Biết trời đã tối.
… - Khi làm thủ công ở trường, con phải phết hồ như thế này này…
Chắc mẹ nó đang dán lại lồng đèn tối qua bị cháy. Con của hắn cũng được đến trường nữa ư? Chẳng biết nó học lớp mấy rồi!
Thoáng trong hắn chút day dứt, ân hận.
- Thu phải ráng học giỏi. Con nhớ lời hứa, lúc mẹ con mình đứng trước linh cữu bà không?
- Thưa mẹ, con nhớ.
Trời ơi…! Vậy người lo liệu đám tang bà Tư, hắn nghe trước khi trốn trại là mẹ bé Thu, chứ không phải công an phường! Chị đã làm cái công việc “đầu rơm mũi bạc” mà lẽ ra hắn phải làm. Phú ứa nước mắt. Hắn xúc động muốn lên lạy tạ người nữ công an, lạy tạ mẹ Hiền của con hắn!
- Khi nào con được hai mươi điểm mười, mẹ hứa sẽ đưa con vào thăm… ba. Con có nhớ ba Phú không?
- Thưa… có.
Đừng! Con của ba ơi…! Từ nay xin đừng nhớ ba nữa. Nay con đã có người mẹ vậy, một nơi nương tựa thế trong đời, ba an lòng lắm rồi! Dù trốn tránh thế nào, ba biết cũng sẽ đến lúc phải đối mặt với tội ác của mình. Con ơi…!
- Càng nhớ, - vẫn tiếng mẹ của con Phú: Con càng ráng học giỏi, để ba an tâm cải tạo, sớm được về với con…
Nắp hầm bỗng bật mở!
- Không, không! Chị Hiền ơi, tôi xin đầu thú…!
Phú nước mắt lưng tròng, đưa cao hai tay:
- Tôi là Điền Khắc Phú, ba bé Thu đây! Tôi xin đầu thú…
- Không! Không ba ơi! - Bé Thu kinh hoàng la lên: Mẹ Hiền ơi, mẹ đừng bắt ba con…!
Hiền lùi lại, bàng hoàng. Phú bỗng sụp xuống trước chị, giọng thành tâm, rền rĩ:
- Chị Hiền nhận cho tôi hai lạy này, để đền ơn chị đã lo lắng tang lễ mẹ tôi, nuôi nấng con tôi… Trốn trại về hai ngày nay dưới hầm, tôi rõ cả. Con tôi có được người mẹ như chị, tôi an tâm chết rồi. Nay cho tôi xin đầu thú! Con ơi…. – hắn nức lên: Ba xin con…!
- Không, không! Ba Phú đừng đi đâu! Ba rước đèn với con…
Bây giờ Hiền hiểu ra tất cả. Chị hoàn toàn không ngờ có tình huống thế này. Hiền bồi hồi nói:
- Anh Phú tự nguyện ra đầu thú vậy là rất tốt. Tôi sẽ giúp anh. Thôi… giờ, anh hãy cứ chơi đèn với con một lúc, rồi đi với tôi cũng chưa muộn!
Phú xoay sang, hai tay run rẩy nâng chiếc đèn lên, quỳ xuống trước mặt con, nghẹn ngào:
- Rước đèn… với ba đi… c. o.. n…!
- Không, không quỳ rước đèn được! - Con bé dỗi hờn: Ba phải đứng như mẹ Hiền cơ!
Phú chầm chậm lắc đầu. Lưng vai to như gấu của hắn rung lên từng đợt theo những cơn nấc. Qua đôi bàn tay xúc động tột cùng của Phú, ánh nến bỗng trở nên lung linh, huyền ảo khác thường!
Trăng ngòai kia vẫn sáng như muôn đời là vậy.
Nhớ về đêm Trung thu