Khoảng xanh êm dịu

.

Giấc mơ về một vườn rau xanh tưởng chừng thật khó thành hiện thực khi phố chật hẹp, bê-tông phủ kín. Khát khao muốn nhìn một khoảng xanh xoa dịu nỗi nhớ quê hương, đồng ruộng đã biến mọi khó khăn thành nỗ lực…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Sáng cuối tuần, khi ánh nắng ban mai bắt đầu ánh vàng trên sân thượng, tôi thong thả hái đủ mớ rau ngót, quả dưa leo và đôi ba trái khổ qua áng chừng đủ bữa trưa cho cả nhà rồi thư thái bên tách cà phê, lặng ngắm khoảng xanh nho nhỏ sau bao ngày chăm bón. Cu Tí nhanh nhảu thay những chú ong thụ phấn cho đám hoa dưa, mướp vừa chớm nở. Những câu hỏi vì sao của con trẻ xôn xao không làm lòng người lớn khó chịu, thay vào đó là sự kiên nhẫn một cách vui vẻ khi nói về những loài cây đang tồn tại trước mặt. Câu chuyện trên khoảng sân nhỏ cơ hồ làm sống dậy một vùng ký ức với cánh đồng thẳng cánh cò bay, ràn rạt màu xanh.

Vốn gốc gác nông dân nên khi ra phố, đâu đó trong mơ hồ ký ức vẫn khao khát được ôm trọn khoảng xanh trước mặt. Nhớ quê, ngoài nhớ người thân còn là nỗi nhớ hương vị món ăn nuôi lớn mình. Nỗi nhớ ấy chực chờ trỗi dậy, nhất là những ngày cuối tuần, khi công việc không còn cái cớ cuốn mình đi.

Những ngày Covid-19 khiến cuộc sống phải giãn cách, tôi quyết định “cõng quê lên phố” bằng cách vác từng bao đất nhỏ lên sân thượng. Vài chiếc thùng xốp cũ được trưng dụng thành các chậu trồng cây. Khoảng sân gạch dần được lấp đầy bởi những mầm cây lớn lên từng ngày. Tôi nhớ lời cha năm nào còng lưng trên những thửa đất khô cằn, ươm giấc mơ cho chúng tôi đi xa: “Chỉ cần qua tháng 8, những cơn mưa dội xuống, nơi này sẽ là bãi ruộng tươi xanh. Chỉ cần có niềm tin, mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp”. Khu vườn trên cao của tôi cũng bắt đầu đượm màu diệp lục với niềm tin đó.

Dịch giã đi qua, vườn rau vẫn được tiếp tục tưới tắm, vun trồng.Rồi cây cho trái, cây cho rau. Ong bướm từ đâu cứ tụ tập về trong thanh âm buổi sớm rộn ràng vui vẻ thay cho yên ắng của ngày tháng cũ. Không cần đến một sự khuyến khích nào, cu Tí mang những bộ lego lên sân thượng và bắt đầu giấc mơ xây dựng những lâu đài giữa vườn cây trái rộn tiếng chim muông. Hiển nhiên, một bàn cà phê cũng được bày biện với nhu cầu rất thật của mình: ngắm quê hương trên sân thượng! 

Chúng tôi nói chuyện với nhau về đặc tính của từng loài rau, quả, quan sát sự lớn lên của chúng và rút ra kinh nghiệm cho mỗi đợt vun trồng. Thi thoảng cây phát sinh vài loài sâu bệnh, những cuộc tìm kiếm thông tin trên mạng, gọi điện thoại về quê hỏi thăm kinh nghiệm từ cha mẹ và bắt tay thực hiện ngăn chặn, nghiêm túc như những ngày còn chân đất lội đồng. Không phải cuộc ngăn chặn sâu bệnh cũng thành công, nhiều loài cây chỉ qua hai ngày trở bệnh đã héo gục trong sự bất lực lẫn xót xa của người trồng. Những lúc đó tôi mới hiểu tiếng thở dài của cha mẹ trước mỗi vụ mùa thất bát năm xưa. Cặm cụi chăm bón, mỗi lần thu hoạch, cả nhà vui như mở hội. Rau trái như thức quà quê chia đều cho hàng xóm.

Dạo này ở phố câu chuyện trồng rau trên sân thượng không còn xa lạ. Nhiều người còn đầu tư hẳn công nghệ thủy canh, khí canh để canh tác. Hẳn nhiên, ai cũng hiểu với những quy mô nhỏ vài chục mét vuông, việc thu hồi vốn gần như là điều không tưởng, họ đầu tư vì yêu nông nghiệp, vì muốn tự tay mình chăm sóc và thu hoạch để có thêm những bữa ăn gia đình với cảm giác ngon vị hơn. Một lẽ khác, họ tìm thấy ở đó nơi nương dựa sau những ồn ào phố thị.

Làm nông dân tầng thượng, tôi mới hiểu hết vì sao ngày xưa dù nhọc nhằn, giọt mồ hôi nhỏ xuống chưa thấm đã vội khô rang vì nắng, gió, cha mẹ vẫn nở nụ cười thật tươi trước mỗi vụ mùa trĩu hạt. Đó là niềm vui của người chăm bón và vun trồng với một tình yêu rất thực dành cho ruộng đồng, cây trái. 

Trong không gian chật hẹp của tầng thượng, chúng tôi thấy con trẻ lớn lên còn người lớn được trở về thơ ấu. Thì ra, thời gian không thể xóa nhòa những yêu thương dành cho nơi mình cất tiếng khóc chào đời và khôn lớn. Những giọt mưa lớn bất chợt nhỏ xuống từ mái ngói kéo chúng tôi về thực tại, tất tưởi xếp những mầm cây tránh xa dòng nước đổ, thấp thoáng thấy bóng cha mẹ năm nào trước mỗi cơn giông chiều. Dù đã qua nhiều năm xa đồng ruộng, cuống nhau chúng tôi vẫn gắn với gốc gác nông dân. Niềm vui nho nhỏ ấy vỗ về và là động lực để mỗi chúng tôi trở về nhà nhanh hơn sau ngày làm việc mệt nhọc, trở dậy sớm hơn đón bình minh và yêu hơn cuộc sống thị thành với khoảng xanh êm dịu.

THIÊN LAM

;
;
.
.
.
.
.