Đà Nẵng cuối tuần

Trầm buồn nhưng lắng sâu, man mác mà dằn vặt

09:59, 04/06/2023 (GMT+7)

Nhà thơ Trương Công Tưởng vừa ra mắt tập thơ tựa đề: Ta thương người lắm mà không nói (NXB Văn học 2023). Trương Công Tưởng nằm trong dòng chảy những người viết âm thầm nhưng bền bỉ. Có lẽ do điều kiện sống và đặc thù công việc nên tính cách anh khá trầm lắng. Chính điều này giúp thơ anh có chất giọng đặc trưng tạo nên bản sắc thơ riêng, đó là giọng thơ trầm buồn, man mác, lắng sâu và đâu đó phảng phất nỗi dằn vặt, xót xa thân phận.

Ngoài đề tài tình yêu, thế mạnh của Trương Công Tưởng là viết về làng quê với những điều thân thuộc quanh mình. Nhân sinh trong thơ anh gây xúc động, mở ra cho độc giả nhiều suy tưởng. Đến với tập thơ này, Trương Công Tưởng càng khẳng định mình là cây bút có nội lực và đầy chiều sâu với những suy tư, trăn trở và góc nhìn khác lạ. Vẫn trên nền không gian và đối tượng quen thuộc nhưng cách quan sát và thể hiện bằng ngôn ngữ của anh chưa bao giờ cũ, câu từ hàm súc và luôn gợi mở những thi ảnh, những góc nhìn đẹp, độc đáo, đẹp ngay cả những nỗi buồn, đẹp mà không bi lụy. Có khác chăng, bạn đọc nhận ra một Trương Công Tưởng chín hơn trong cảm xúc và cách nhìn nhận về cuộc sống.

Nếu trích dẫn thơ Trương Công Tưởng sẽ không thiếu những câu thơ hay, thậm chí có nhiều bài thơ hay. Mỗi bài thơ của anh là một câu chuyện kể về nhân sinh, mà Trương Công Tưởng là người giỏi kể chuyện bằng ngôn ngữ của thơ, dù câu từ ít ỏi nhưng hiện ra đầy đủ nội dung và gợi mở nhiều cảm xúc. Có thể thấy rõ qua những bài thơ như Dòng sông tôi đã tắm hai lần, Khóc dưới sao trời, Phận tóc, Khúc hát ngày ra đi, Ảnh cưới, Vách ngăn…

Sau những trải nghiệm đời sống, Trương Công Tưởng đã viết những câu thơ đầy chiêm nghiệm: “Tôi học nấu ăn/ nêm mãi cũng không vừa nồi canh/ miệng thiên hạ làm sao tôi lường được/ buồn cười nhất là khi cố làm vừa lòng tất cả/ quá cô đơn tôi ngồi hát một mình” (Nêm) hay như “Người còn trách ta điều này thứ khác/ Xin hỏi sông kia có chảy thẳng bao giờ/ Ta còn buồn giận cuộc đời/ Bởi lòng chưa đủ rộng” (Thênh thang nắng mai). Đó còn là những yêu thương trong trẻo khó cất thành lời: “Ta thương người lắm bàn tay đó/ Nắm bàn tay khác rồi ta buồn/ Môi kề môi khác mà ta xót/ Ôm lấy đời mình trong lẻ loi/ Ta thương người lắm, thương người lắm/ Người chẳng biết đâu, chẳng hiểu đâu/ Đêm dưới sao trời ta ngồi đếm/ Có những vì sao trong mắt sâu (Ta thương người lắm mà không nói).

Dù trải qua nhiều tổn thương trong đời sống và tình yêu, những câu thơ của anh hiện lên đầy hy vọng: “Này tiếng hát, lênh đênh chiều nổi sóng/ Phận tóc tơ nước mắt kỳ cùng/ Ta cay đắng trong đời ta vừa mất/ May còn người nối cuộc riêng chung” ( Những nắng trên đồi). Hay như “Bạn về chưa, mùa thu đang đợi/ Thung lũng xanh lên sau giấc mơ dài/ Sau đắng đót môi người có ngọt/ Hành lý trở về là năm tháng trên vai” (Mùa thu đợi).

Với 42 bài thơ được chọn lọc kỹ trong tập thơ ra mắt lần này, Trương Công Tưởng khéo léo đan cài những bài thơ về tình yêu với giọng điệu trong sáng, đưa độc giả về miền hoài niệm của tuổi trẻ với những câu thơ gần gũi, dễ thương: “Chở mùa hè qua những/ Miền yêu dấu ngày xưa/ Nhớ ra mình đã lớn/ Dưới bầu trời đầy mưa” hay nhẹ nhàng mà đầy triết lý “Đỉnh cao nào cũng chạm/ Cô đơn qua tháng ngày”. Cảm nhận khi đọc tập thơ này, nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã viết: Trương Công Tưởng dùng chữ như cách dùng bút cọ để vẽ. Vẫn chỉ những con chữ thuần Việt, được mang ra soi rọi dưới ánh sáng huyền, tạo cho người đọc cảm giác thân thuộc bình dị, da diết mà không hề sáo ngữ. Gấp lại tập thơ và ngẫm ngợi, thì tuyệt nhiên không có sự tuyệt vọng hay thù hận cuộc đời.        

Thật vậy, “Ta thương người lắm mà không nói” là tình thương giữa con người với con người, giữa những cuộc nhân sinh không phải lúc nào cũng dễ cất lời. “Không nói nhiều khi còn là cách để bảo vệ nhau giữa những lằn roi cuộc đời, lằn roi đánh trực diện vào những trái tim đa cảm, dễ tổn thương và đã chịu nhiều đớn đau giữa những định kiến khó tỏ bày”, Trương Công Tưởng chia sẻ.

Trương Công Tưởng sinh năm 1990 tại Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định. Anh từng nhận: Giải B - Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2019, Giải B - Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ VI (2016-2020), Giải thưởng Gương mặt trẻ Bình Định tiêu biểu năm 2022 và một số giải thưởng khác.

 

Ta thương người lắm mà không nói (NXB Văn học 2023) là tập thơ thứ ba sau 2 tập “Ngồi gỡ tơ trời” (2018) và “Đợi những vắng xa” (2021).

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.