Đà Nẵng cuối tuần

Mang trẻ bình an về bên mẹ

09:06, 28/05/2023 (GMT+7)

Hành trình đưa những bệnh nhi sinh non bình an về bên vòng tay cha mẹ là điều kỳ diệu nhưng đầy cam go. Các y, bác sĩ ví hành trình này như cuộc đua bắt đầu nhưng chưa chắc đến đích bởi bệnh lý ở trẻ sinh non khá phức tạp, diễn biến nhanh. Vì vậy, đội ngũ y, bác sĩ phải theo dõi bệnh nhi từng giây phút, can thiệp kịp thời, hỗ trợ đúng cách để giúp em bé sinh non chạm đích thành công.

Ths, bác sĩ Huỳnh Thị Lệ, Trưởng khoa Nhi sơ sinh Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Bệnh lý, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng (bên trái) đang quan sát theo dõi tình hình một bệnh nhi sơ sinh. Ảnh: TV
Ths, bác sĩ Huỳnh Thị Lệ, Trưởng khoa Nhi sơ sinh Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Bệnh lý, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng (bên trái) đang quan sát theo dõi tình hình một bệnh nhi sơ sinh. Ảnh: TV

Mồ hôi và nước mắt...

Gần 20 ngày điều trị tại Khoa Nhi sơ sinh Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Bệnh lý, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng, chị Trần Thị Mỹ Mãn (25 tuổi, quận Sơn Trà) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại giai đoạn cặp song sinh phải chiến đấu trong lồng kính. Chị Mãn kể, khi mang thai đôi hai bé gái ở tuần thai 17, chị được bác sĩ chẩn đoán có nguy cơ sinh non vì một trong 2 bé bị chậm tăng trưởng có chọn lọc kèm suy dinh dưỡng. Nghe vậy, chị và chồng đã chuẩn bị tâm lý cho hành trình đầy gian nan này, nhưng chị vẫn sốc khi vỡ ối, phải can thiệp sinh mổ ở tuần thai 30, một bé nặng 1.300gam, 1 bé chỉ có 800gam.

“Tôi không được gặp con ngay sau sinh vì hai bé suy hô hấp nặng phải tách mẹ thở máy. Mỗi ngày nghe bác sĩ tư vấn tình trạng của con mà tôi lo lắng kinh khủng, hai vợ chồng chỉ biết động viên nhau. Bởi hai con còn quá nhỏ về tuổi thai lẫn cân nặng. Giây phút gặp hai con, tôi không dám sờ vì sợ con đau, nhìn thấy con, tôi và chồng không giấu nổi những giọt nước mắt. Tôi được các bác sĩ hướng dẫn ấp bé theo phương pháp kangaroo (ủ ấm cơ thể trẻ bằng cách đặt con nằm trong áo địu, ngực trẻ áp vào ngực mẹ). Khi tận tay chăm sóc, tôi mới thấu nỗi vất vả mà các y, bác sĩ trải qua. Từ cách nắm tay, cầm chân hay đỡ con chính tôi còn thấy khó. Rất may, nhờ y, bác sĩ hỗ trợ kịp thời khi vừa chào đời nên hai bé qua cơn nguy kịch”, chị Mãn xúc động nói.

Theo TS, BS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng, chương trình chăm sóc trẻ sơ sinh non được triển khai tại đơn vị sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng từ những năm 2007. Qua 16 năm đã đạt nhiều kết quả tích cực. Bệnh viện tiếp nhận và điều trị thành công nhiều em bé sơ sinh non tháng, nặng trên 500gam, tuổi thai 25 tuần. Bệnh viện áp dụng điều trị trẻ sinh non bằng phương pháp kangaroo, tiếp xúc da kề da với mẹ sẽ giúp cải thiện tỷ lệ bệnh tật và tăng khả năng cứu sống trẻ.

Sinh non giống chị Mãn, chị Trần Kim Phi (32 tuổi, tỉnh Quảng Nam) vỡ ối sinh ở tuần thai 27, em bé nặng 1.000gam. Chị Phi cho hay: “Tính đến nay, tôi cùng chồng ở bệnh viện hơn 1 tháng và con gái đã qua cơn nguy hiểm, cân nặng tăng lên đáng kể, mỗi ngày ăn sữa 12 lần, ấp theo phương pháp kangaroo 20 tiếng/ngày. Để tình trạng con gái tôi ổn định thì không thể thiếu sự đồng hành của các y, bác sĩ của khoa Nhi sơ sinh. Không chỉ riêng con tôi mà tất cả các bệnh nhi đều được y, bác sĩ, điều dưỡng ngày đêm thăm khám, quan tâm khiến tôi rất biết ơn”.

Sau khi nghe chị Mãn, chị Phi tâm sự, tôi gặp Ths, bác sĩ Huỳnh Thị Lệ, Trưởng khoa Nhi sơ sinh Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Bệnh lý, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng để hiểu rõ hơn công việc điều trị trẻ sinh non. Đang tất bật với hàng tá công việc, cuộc trò chuyện thường xuyên ngắt quãng khi liên tục có ca chẩn đoán; bệnh nhi và người nhà đang chờ chị. Bác sĩ Lệ trầm ngâm chia sẻ, trường hợp cặp song sinh của chị Mãn, cả ê kíp đánh giá khá nghiêm trọng bởi một trong hai bé sau sinh quá yếu, chỉ có 800 gam và suy hô hấp nặng, cần thở hỗ trợ hô hấp nên buộc tách mẹ đưa về lồng kính. Lúc này, các y bác sĩ cho bé thở máy không xâm lấn (NCPAP), điều này giúp phổi không bị xẹp, hạn chế nhiễm trùng hay suy hô hấp, dùng sữa mẹ thanh trùng 0.5ml cách nhau 2 tiếng, đặt chế độ chăm sóc cấp 1 tích cực. Hai bé được nằm trong lồng ấp có điều kiện lý tưởng về nhiệt độ, bảo đảm độ ẩm điều hòa thân nhiệt. Sau hơn 1 tuần nuôi dưỡng với sự hỗ trợ của các phương tiện, thiết bị hiện đại thì sức khỏe hai bé dần cải thiện, nhịp đập nóng hổi nên được đưa về với mẹ.

Hiện hai bé đã ổn phần nào, một bé đã cai thở máy, ăn sữa ổn định, cử động khá, bé còn lại vẫn còn hỗ trợ máy thở gọng mũi, ăn sữa qua ống sonde dạ dày, dùng thuốc giảm cơn ngưng thở ở trẻ em non tháng. Đồng thời, hai bé được mẹ ấp theo phương pháp kangaroo, hỗ trợ điện giải, chiếu đèn điều trị vàng da để giảm nguy cơ tổn thương não. Tuy qua giai đoạn nguy hiểm, nhưng hai bé cần phải theo dõi một thời gian mới có thể đánh giá chính xác tình trạng.

“Tính đến nay tôi có gần 12 năm gắn bó với bệnh nhi. Qua từng ấy năm đồng hành với bệnh nhi sinh non, niềm vui và nỗi buồn không thể đong đếm nổi. Tôi không thể nhớ hết những ca điều trị thành công và cũng chưa bao giờ quên giây phút chứng kiến nhiều trường hợp “ngàn cân treo sợi tóc”, bệnh nhi vừa chào đời trải qua các cơn suy hô hấp nặng, mắc các bệnh lý hoặc biến chứng không thể cứu chữa. Đa số em bé điều trị ở khoa Nhi sơ sinh hầu hết là sinh non, thiếu cân và có bệnh lý. Việc chăm sóc trẻ sơ sinh bình thường đã khó thì việc chăm sóc trẻ sinh non càng khó gấp bội, đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt của cha mẹ và của đội ngũ y, bác sĩ. Đối mặt nhiều áp lực, nhiều ca bệnh nặng và thiếu hụt trang thiết bị theo dõi, nhưng chúng tôi xác định rằng, mỗi giây phút trôi qua là vô cùng quý giá để mang các bé bình an về bên mẹ. Chỉ cần các bé qua cơn nguy hiểm, có nhịp thở, da hồng, cựa quậy và khóc nhẹ thì chúng tôi như vỡ òa hạnh phúc. Nhưng đó chỉ là khởi đầu, không vì thế mà chúng tôi chủ quan bởi bệnh lý ở trẻ sinh non khá phức tạp, diễn biến nhanh. Một giây trước ổn định nhưng chưa biết giây sau sẽ như thế nào. Qua nhiều lần quan sát những người mẹ, người cha lo lắng, thường trực nỗi sợ khi nhìn thấy con mình đang đối mặt tình huống xấu, tôi chỉ mong, mỗi một em bé trên thế giới này ra đời sẽ khỏe mạnh, đủ tháng, đủ ngày, để không phải chênh vênh trên sợi dây sinh tử…”, bác sĩ Lệ bỏ ngang câu nói vì xúc động.

Vừa căng mắt kiểm tra bệnh án trên máy tính vừa luôn tay ghi chép thông tin bệnh nhi sau ca trực, bác sĩ CK1 Nguyễn Bá Mai Phương, Khoa Nhi Sơ sinh cấp cứu và Hồi sức tích cực - Bệnh lý bồi hồi nói: “Công việc này không chỉ đòi hỏi chuyên môn mà còn phải có sự gan dạ và cái đầu lạnh. Chúng tôi không được phép sai sót một lỗi nhỏ nếu không sẽ dẫn đến hệ lụy đau lòng. Tôi còn nhớ, lúc mới nhận công tác ngày nào tôi cũng khóc, tối về còn nằm mơ thấy em bé nằm trong lồng ấp với dây nhợ chằng chịt. Mất gần nửa năm, tôi mới lấy lại tinh thần và vực lại sự mạnh mẽ để đồng hành với bệnh nhi đến tận bây giờ. Ca trực ban ngày còn đỡ chứ nếu trực ca đêm bệnh nhi diễn biến nặng, chúng tôi đứng nguyên đêm theo dõi, đến sáng là lả đi vì quá mệt. Có giai đoạn chúng tôi làm việc liên tục 36 tiếng xuyên ngày đêm, vì vừa có chuyên gia về dạy học vừa phải hoàn thành công việc. Chưa kể, đôi khi bệnh nhân quá tải, cường độ công việc tăng lên chúng tôi không có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng đó không phải là sự vất vả quá lớn, chỉ cần sau ca trực mà bệnh nhi tốt lên thì niềm vui nhân đôi còn ngược lại thì cảm xúc rất tệ. Mỗi lần chứng kiến những trường hợp như vậy tôi tự nhủ phải cố gắng đến giây cuối cùng để cứu sống các bệnh nhi”.

Bác sĩ Phương nói rằng, mỗi em bé sinh non có bệnh lý và phác đồ điều trị khác nhau. Điều quan trọng, ở trẻ sinh non liên tục có những cơn ngừng thở ngắn, lúc đó nhịp tim giảm xuống dưới 100 nhịp/phút dẫn đến nguy hiểm. Vì vậy, đội ngũ y, bác sĩ phải theo sát tình trạng bệnh nhi không ngơi nghỉ, chỉ cần máy hỗ trợ thở rung lên thì dù bất kể ngày đêm, bác sĩ phải có mặt ngay lập tức. Tôi được bác sĩ Phương dẫn đi một vòng thăm các bệnh nhi, tôi nhận ra ở đây có hàng trăm em bé chỉ bằng bàn tay người lớn được ấp trên ngực mẹ. Đèn ánh sáng xanh tỏa ra từ lồng ấp, tiếng máy thở tích tách... khiến tôi có nhiều khoảng lặng. Tôi thầm nghĩ y, bác sĩ thực sự là những chiến binh thầm lặng, dù vất vả nhưng họ rất yêu nghề và quyết tâm mang kỳ tích đến với mỗi gia đình.

Trăn trở với trẻ sinh non

Theo bác sĩ Lệ, trẻ sinh non gặp nhiều vấn đề do các cơ quan chưa trưởng thành, đặc biệt hệ hô hấp, tiêu hóa, thần kinh. Trẻ có nguy cơ cao mắc các biến chứng trong quá trình điều trị như nhiễm trùng huyết, bệnh viêm ruột hoại tử, xuất huyết não, bệnh phổi mạn tính. Vì vậy, chăm sóc trẻ sinh non cần tôn trọng và hỗ trợ đặc điểm sinh lý non yếu của trẻ. Để hạn chế sinh non, các sản phụ cần bổ sung dinh dưỡng phù hợp, khám thai theo khuyến cáo, tầm soát một số bệnh lý nhiễm trùng. Đồng thời, di chứng mà trẻ sinh non luôn phải đối mặt là bệnh phổi mãn tính và xuất huyết não tùy mức độ, chậm phát triển về mặt thể chất, tinh thần vận động. Bệnh viện đã có chương trình theo dõi tái khám nguy cơ cao cho thai dưới 34 tuần đến khi trẻ được 2 tuổi, nếu có vấn đề trẻ sẽ được can thiệp sớm.

Qua nhiều năm trực tiếp điều trị, bác sĩ Lệ cũng như các đồng nghiệp có sự trăn trở rất lớn về trẻ sinh non, nhẹ cân sau sinh bị thiệt thòi vì cách ly khỏi mẹ, đưa vào lồng ấp hoặc giường sưởi ấm cho đến khi ổn định mới cho ra ấp mẹ và chăm sóc theo phương pháp kangaroo. Quãng thời gian cách ly sẽ trì hoãn cơ hội trẻ được ăn sữa mẹ sớm và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vì lợi ích của đứa trẻ sơ sinh nằm trong vòng tay mẹ là cực kỳ quan trọng. Do đó, những năm gần đây khoa áp dụng chăm sóc da kề da, biến kangaroo cổ điển thành kangaroo sớm ngay sau sinh cho nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân ngay tại phòng sinh, phòng mổ. Điều này giúp trẻ không bị cách ly mẹ, giảm nguy cơ nhiễm trùng, tăng tỷ lệ ăn sữa mẹ sớm hơn. Đồng thời, tiếp tục chăm sóc kangaroo tại khoa cho đến khi trẻ ra viện.

“Thay vì cách ly, chúng tôi di chuyển dụng cụ từ phòng sơ sinh qua phòng sinh như máy thở, máy CPAP, dịch truyền, kháng sinh... để hỗ trợ mẹ và bé. Chúng tôi nhận thấy đây là phương pháp chăm sóc chi phí thấp nhưng đạt hiệu quả cao đối với nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân, trẻ sinh thiếu tháng hoặc thiếu ngày. Hơn 5 năm qua, tập thể khoa Nhi sơ sinh phối hợp khoa Sản làm rất tốt, phải nói rằng ở Việt Nam nói chung và Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng nói riêng là nơi đầu tiên thực hiện điều đó cho trẻ sinh non, nhẹ cân”, bác sĩ Lệ khẳng định.

Từ tháng 4-2022 đến 4-2023, Khoa Nhi sơ sinh Cấp cứu - Hồi sức tích cực và bệnh lý, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận gần 1.200 trẻ sinh non. Trong đó, khoảng 85% trẻ có tuổi thai 32-36 tuần, cân nặng 1.500-2.500gam, trẻ cực non dưới 28 tuần chiếm khoảng 5% với mức cân nặng chủ yếu dưới 1.000gam.
Theo ước tính những năm gần đây, trẻ sinh non được khoa cứu sống có tuổi thai 25-26 tuần chiếm 40%, 26-28 tuần khoảng 75%, 28-32 tuần gần 96% và 32-36 tuần là 99%.

HUỲNH THỊ TƯỜNG VY

.