Trọ trong lòng phố

.

Phố hoa lệ và nhộn nhịp đến đâu thì nhà trọ cũng là một phần không thể thiếu. Những cư dân ở trọ lặng lẽ phác nên những nét vẽ cho bức tranh phố thêm phần sinh động, đa chiều…

Căn gác trọ nơi tôi chuyển đến nằm bên con phố vừa... lên phố không lâu. Vài năm trước, con đường bê-tông cũ đã được mở rộng, láng nhựa thênh thang. Vài căn nhà tầng khang trang bắt đầu mọc lên. Nhưng xen lẫn giữa sự mới mẻ đó là đôi ba gian nhà ba gian, cấp 4 đã phủ màu rêu. Rìa phố còn có sự hiện diện bởi dăm ba luống rau cải, rau lang xanh mướt được những bà già chăm chút bên lề đường, trên một khoảng  đất trống mà chủ nhân chưa kịp dựng nhà.

Minh họa: TLAThu
Minh họa: TLAThu

Chủ nhà là một cư dân gốc ở con phố này. Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, tiệm tạp hóa bán vài ba thứ lặt vặt, chủ yếu là gia vị, gạo, muối, thêm ít nước và kẹo ngọt. Dãy trọ chỉ có 3 phòng, day mặt vào vách nhà chủ, ở giữa là lối đi lát bằng gạch cũ. Tôi chọn căn phòng ở giữa. Không phải vì mặc định khái niệm an toàn mà phía trước có khu vườn trống, có cây xoan đang mùa đơm hoa tím biếc tỏa hương thơm lựng, phía góc vườn là cây bời lời ước chừng đã vài chục năm. Dưới bóng cây, đàn gà tranh nhau vài nhành bông cỏ…

Bất chợt gặp cảm giác thân thương giữa phố xá ồn ào. Cô chủ trọ xấp xỉ tuổi 60. Chân chất và thiệt thà. Cô không lấy tiền cọc trọ như nhiều chủ trọ khác ở phố, cũng không có một cam kết ràng buộc ở đi nào trong hợp đồng thuê trọ. “Chừng nào ở không thấy vui thì đi. Cọc chỉ thêm trói buộc những niềm vui”.  Chỉ thế, căn trọ cũ kỹ đủ hấp lực níu chân tôi dừng lại.

Cư dân lao động bám phố, nhọc nhằn nhất là hành trình thuê trọ và cực nhất là gặp những chủ trọ khắt khe với nhiều quy định do họ tự đặt ra: về sau 22 giờ đêm thì ở ngoài cổng; cấm bạn bè đến chơi; người thân ở quê lên phải báo trước, ở lại một đêm cũng phải lên phường khai báo lưu trú… Bám phố 12 năm, tôi chuyển trọ 8 lần.

Đa phần trong số lần rời đi ấy vì lý do khách quan. Vui, buồn xen lẫn. Có chủ trọ, hễ canh đến giờ trưa và tối là lại nhăm nhe đi “nhận mặt” từng đôi dép, giày trước mỗi cánh cửa phòng trọ. Chỉ cần thấy đôi dép lạ, bất chấp lý lẽ, vị chủ nhân ấy sẽ làm ầm lên, thậm chí cao giọng đuổi khách đi. Hẳn nhiên, những chủ trọ như thế không nhiều nhưng ấn tượng để lại không mấy tốt đẹp. Cũng có chủ trọ sẵn sàng chia sẻ gói mì tôm, quả trứng gà khi tôi đi làm về muộn. Có người chúc tôi đến nơi ở mới vui vẻ và công việc hanh thông khi căn trọ của họ bị thấm dột vào ngày mưa mà chưa thể tìm ra cách khắc phục…

Tôi nhớ có lần đọc ở đâu đó câu chuyện, rằng người ở trọ mới là người sở hữu nhiều cơ hội trải nghiệm nhất. Không chỉ mỗi lần trọ mỗi căn nhà khác nhau mà còn được thưởng thức những món ẩm thực có vị khác biệt ở trên từng khu phố khác nhau. Trong những giọt mồ hôi nhọc nhằn của ngày chuyển trọ, tôi thường nghĩ đến góc nhìn tích cực ấy để tìm thêm cho mình niềm vui và động lực. Dù đôi khi, tôi vẫn thầm nhủ, hẳn chủ nhân của góc nhìn ấy chưa nếm trải hết vị nhọc nhằn của những cư dân lao động thu nhập thấp.

Thích nghi với nơi ở mới luôn là điều đương nhiên phải trải qua nhưng trước khi rời một nơi trọ nào đó để ra đi, tôi vẫn thường có vài đêm mất ngủ. Cảm xúc phải rời xa một nơi mình từng gắn bó, cho dù mình ở đó bao lâu và chỉ là ở trọ thì vẫn chẳng khác gì phải rời căn nhà yêu thương của mình, bởi nơi góc nhỏ an yên đó, suốt 365 ngày trong một năm mình đã từng cùng đi qua những buồn vui.

Đôi lúc tôi thầm nghĩ, những cuộc rời đi, chuyển trọ của cư dân lao động trong thành phố này dù mang gam màu thực tế của cuộc sống với muôn vàn nỗi lo kinh tế nhưng ít nhiều có chút thú vị. Cuộc sống không tẻ nhạt một phần nhờ những cuộc dịch chuyển đó, những căn trọ cũ đón chủ nhân mới cũng sẽ được trang trí mới mẻ hơn.

Phố vẫn luôn hướng tới sự phát triển, đổi mới. Phố cũng bao dung dành riêng trong lòng mình một góc nhỏ cho cuộc sống nhộn nhịp của cư dân ở trọ. Những năm tháng thanh xuân đời mình, tôi và bao nhiêu cư dân bám phố khác sẽ còn nhiều cuộc dịch chuyển nữa, đến rồi đi, vòng tuần hoàn gặp gỡ rồi chia ly cứ thế lặp lại nhiều lần. Trong những không gian trọ chật hẹp ấy, cũng như nhiều người, tôi sẽ góp nhặt những niềm vui, coi đó là kỷ niệm khó quên với phố. Tôi cũng sẽ lại sẵn sàng cho những cuộc rời đi để đến với một xóm trọ nào đó trong lòng thành phố này, chờ đợi và đón nhận niềm vui, sự an yên trong những góc nhỏ đầy ắp yêu thương và ấm áp tình người.

THIÊN LAM

;
;
.
.
.
.
.