"Nghe sông nghe núi hiển bày trong nhau"...

.

Tôi từng xem một bức ảnh thú vị trên mạng xã hội, ảnh chụp một ông cụ bắc ghế ngồi giữa bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Ông ngồi bình thản ngay giữa mặt nước, ngó ra biển mênh mông.

Tác giả của bức hình kể rằng, ông cụ đó bị giãn tĩnh mạch chân nên chiều nào cũng ra biển ngâm chân bằng cách đó. Ông đi xe đạp, chở theo chiếc ghế nhựa đằng sau rồi dò dẫm ra mép biển, đặt ghế và ngồi xuống, thả hai chân dưới nước. Có điều, ông ý tứ tránh xa đám đông đang tắm, bởi ông sợ những đường gân đen sẫm, chạy dọc đôi chân khẳng khiu sẽ làm phiền người khác, sợ ánh nhìn như ông mang bệnh truyền nhiễm.

Minh họa: HÀ CÁT
Minh họa: HÀ CÁT

Tôi có anh bạn mang vẻ ngoài khá bặm trợn bởi nhiều hình xăm trên người, đầu thì nhẵn bóng. Hồi anh quen ai, người ta nhìn vẻ ngoài ấy đã bắt đầu nghi ngại. Ra mắt nhà vợ tương lai, ba vợ tỏ ý không hài lòng. Những hình xăm trên người anh đều là những con số, con số ngày ba anh mất, ngày mẹ anh đi, ngày một người thầy của anh từ giã cõi đời. Anh đóng dấu những ngày đó trên cơ thể như khắc một nỗi đau không thể nào nguôi. Đầu trọc thì do bị bệnh nên tóc anh cứ rụng dần. Vẻ ngoài hung dữ nhưng tính anh thật thà, hiền khô. Sau này, chính ba vợ là người thương anh nhất bởi anh hiếu thảo, hiền lành, thương vợ, thương con.

Xét cho cùng, vẻ ngoài khác biệt dễ khiến người ta mang nhiều định kiến, việc làm bất thường cũng gây ra định kiến. Nhiều người chưa kịp biết nhau đã vội vàng đánh giá, chưa kịp hiểu đã dễ dàng phán xét. Nên tôi nhận ra, người và người chỉ cần hiểu nhau là có thể thương nhau. Sự hiểu đó, càng rộng và càng sâu thì tình thương càng bền chặt. Mối quan hệ nào cũng vậy, càng hiểu, càng dễ cảm thông. Biết rằng nói thì dễ lắm, chứ mấy ai làm được. Nên mới nhắc mình, chừng nào muốn sân hận thì hoãn lại một xíu, mình chậm lại, để xem người ta nói vậy, làm vậy là vì lẽ gì.

Những nỗi đau chẳng thể tỏ bày cho ai khác hiểu, nhiều người không biết cách diễn đạt nỗi lòng của mình qua lời nói hay con chữ, nên đôi khi họ chọn im lặng hoặc trở ngược lại là chĩa dao vào người khác. Muốn người khác nếm vị chua đắng mà mình cũng từng nếm. Đôi khi tôi thấy sợ đám đông cả ngoài đời lẫn trên mạng. Những ánh mắt dò xét, tò mò, những câu chữ đầy hằn học của đám người nào đó ở ngoài cuộc...

Người thân, bạn đời, đồng nghiệp hay bất cứ mối quan hệ nào khác, thân nhau bởi hiểu nhau, thân nhau bởi đồng cảm với nhau. Sự thấu hiểu gắn kết và duy trì các mối quan hệ. Vì vậy tôi không dám mong gì nhiều, mong người thân, người thương hiểu thấu mình hơn, mình cũng hiểu thấu họ hơn để có để thương sâu và thương lâu. Người và người chỉ cần độ lượng và hiểu nhau hơn thì thế giới này trở nên an bình, xung đột không còn, tranh chấp thôi hiện hữu. Như những câu thơ ý nghĩa của thiền sư Thích Nhất Hạnh:

“Hiểu rồi thì sẽ thấy thương
Thương rồi chấp nhận con đường của nhau
Không còn phải trái trước sau
Chỉ còn thực tại nhiệm màu ngay đây
Ngồi yên cạn chén trà mây
Nghe sông nghe núi hiển bày trong nhau.”

DIỆU ÁI

;
;
.
.
.
.
.