Định hình bản sắc đô thị văn hóa

.

Trải qua hàng thập kỷ xây dựng và phát triển, diện mạo đô thị Đà Nẵng từng bước định hình, không gian tổ chức khoa học, hiện đại, hài hòa giữa nhu cầu phát triển tất yếu với những lợi thế thiên nhiên ban tặng. Dẫu vậy, thành phố cũng cần các công trình xây dựng mang tính điểm nhấn toát lên tầng văn hóa trong kiến trúc, công năng sử dụng cũng như ý nghĩa biểu tượng.

Toàn cảnh Công viên Apec, một biểu tượng kiến trúc độc đáo, nổi bật tại Đà Nẵng. Ảnh: LÊ HUY TUẤN
Toàn cảnh Công viên Apec, một biểu tượng kiến trúc độc đáo, nổi bật tại Đà Nẵng. Ảnh: LÊ HUY TUẤN

Trong tiến trình hình thành và phát triển hàng triệu năm của loài người, trải qua nhiều nền văn minh khác nhau nhưng đều tựu chung một quan điểm sáng tạo được lưu giữ cho đến ngày nay, đó là việc tạo nên những công trình kiến trúc độc đáo, mang bề dày giá trị lịch sử, văn hóa, trường tồn mãi với thời gian.

Trong đó, nhiều công trình đã trở thành thương hiệu nhận diện của một địa phương, một quốc gia, thậm chí cho cả một thời kỳ phát triển của nhân loại. Ở thời hiện đại, con người lại tiếp tục khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và khả năng sáng tạo, đổi mới không giới hạn để tạo nên những công trình kiến trúc độc đáo, có thẩm mỹ cao, có công năng sử dụng phù hợp với xu thế phát triển hàng trăm năm.

Có thể kể đến những kiệt tác kiến trúc lừng danh như: Nhà hát Opera Sydney (Australia), tháp Eiffel (thủ đô Pari, Pháp), Trung tâm thương mại Một Thế giới (New York, Mỹ)... Ở khu vực châu Á, ngày càng có nhiều những công trình mang tính biểu tượng khiến du khách phải trầm trồ mỗi khi đến tham quan, thưởng lãm như: tháp Burj Khalifa - Dubai (UAE), Trung tâm tài chính Thượng Hải (Trung Quốc), tháp đôi Petronas Kula Lumpur (Malaysia)…

Trong quá trình phát triển của mình, thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm và từng bước định hình được diện mạo đô thị trẻ với những công trình đặc sắc, mang đậm dấu ấn tư duy đổi mới, sáng tạo và khát vọng khẳng định thương hiệu thông qua những bước đột phá trong quy hoạch đô thị qua từng thời kỳ. Trong đó có những công trình mang dấu ấn văn hóa như Thư viện Khoa học tổng hợp, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Nhà trưng bày Hoàng Sa...

Thông tin từ Sở Xây dựng cho biết, trong điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021, thời gian đến, thành phố định hướng hình thành 46 điểm nhấn kiến trúc nhằm tạo ra sự đa dạng và thú vị cho người dân và khách du lịch tham quan, trải nghiệm, trong đó mỗi khu vực chức năng chọn lựa một số công trình kiến trúc đặc trưng, độc đáo để phát triển các điểm nhấn định hướng không gian và nhận biết cho từng đô thị.

Trong đó, các công trình điểm nhấn cao tầng được định hướng điển hình là dự án Khu thương mại trung tâm CBĐ (Central Business District) mới tại Khu công nghiệp Đà Nẵng với mục tiêu tái thiết, hình thành khu đô thị hiện đại, một trung tâm kinh tế mới của thành phố. CBD mới ở khu vực An Đồn sẽ phục vụ như một trung tâm quan trọng và cho phép Đà Nẵng giới thiệu hình mẫu đô thị, các tòa nhà và các loại hình kiến trúc mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển Đà Nẵng hiện đại.

Nó cũng cho phép Đà Nẵng có một không gian tầm nhìn đô thị với đường chân trời liên tục từ Quảng trường trung tâm ở phía Tây đến các tòa nhà dọc theo sông Hàn và bờ Đông. Tiếp đó là dự án Khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino góc đường Phạm Văn Đồng - Võ Nguyên Giáp, với chiều cao tối đa 250m.

Quy hoạch chung cũng định hướng hình thành các không gian văn hóa công cộng làm điểm nhấn như quảng trường trung tâm, quảng trường 29-3. Quảng trường trung tâm có diện tích khoảng 9ha nằm trong một cảnh quan độc đáo sát bờ sông Hàn, Trung tâm hành chính và Thành Điện Hải, dự án hình thành sẽ là không gian sinh hoạt văn hóa công cộng, biểu tượng cho Đà Nẵng trong tương lai. Hiện nay, UBND thành phố đã triển khai các công việc sau quy hoạch chung, trong đó giao các Ban Quản lý dự án tổ chức lập các quy hoạch phân khu để cụ thể hóa quy hoạch chung, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo... 

Ông Nguyễn Văn Nhị Trình, Phó chánh Văn phòng Sở Xây dựng cho biết, thành phố đang xây dựng quy chế quản lý kiến trúc (dự kiến thông qua HĐND thành phố) theo quy định Luật Kiến trúc 2019 và hướng dẫn tại Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17-7-2020, là công cụ để quản lý cảnh quan đô thị, kiến trúc các công trình xây dựng theo định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19-7-2021 nhằm bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa và đặc trưng kiến trúc đô thị thành phố Đà Nẵng. Kỳ vọng rằng, với tầm nhìn và quyết tâm như vậy, thành phố sẽ sớm định vị được bản sắc đô thị văn hóa trong tương lai không xa.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.