Mùa me trong ký ức…

.

Vậy là tháng hai đã về trên Tây Nguyên. Tháng hai, bỗng dưng tôi nhớ đến những hàng me cổ thụ, cao chót vót, um tùm tán lá xanh nõn, tỏa bóng mát trong làng mình. Đã bao lâu rồi tôi chưa đi hái me và lượm từng quả me chín bóc vỏ cân từng ký bán cho thương lái nhỉ? Thấm thoát đã hai mươi mấy năm có lẻ.

Hồi đó tôi ở trong làng Thái (làng có nhiều người đồng bào Thái), ngôi làng nằm chơ vơ bên sông Sêrêpôk, vắng vẻ và thưa thớt người. Dân cư ở đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, chài, thả lưới, giăng câu và phụ thuộc vào nghề nông là chính. Ăn Tết xong. Ra Giêng, người dân trong làng có việc làm thêm là hái me.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Người già trong làng kể, không biết những hàng me xanh được trồng từ bao giờ và trồng như thế nào, chỉ biết từ khi di cư về bên bờ sông Sêrêpôk thành lập làng đã thấy hàng me hiên ngang giữa đất trời. Gió thổi lồng lộng, cành me xum xuê vươn mình xào xạc trong gió, lá me úa khô bé xíu xác xơ, rụng tơi tả. Từng nhát chổi của người hàng xóm vào những buổi sáng tinh sương khiến tôi tỉnh giấc, họ gom lá, châm lửa đốt, khói trắng bảng lảng hắt hiu quanh nhà. Chỉ vài hôm sau những hàng me khẳng khiu, trợ trụi lá ấy đã khoác lên mình chiếc áo xanh nõn của lá non. Từng căn nhà tranh mờ ảo dưới ánh hoàng hôn loang lổ, hòa quyện với khói lam chiều bảng lảng và đượm buồn.

Khắp con ngõ, nẻo đường trong làng đều rợp bóng me um tùm. Bốn mùa cứ thế trôi qua lặng lẽ, năm tháng lại tuần hoàn. Cây me đơm bông và kết trái. Tháng hai mùa xuân, me trĩu cành, từng chùm đong đưa theo gió.

Trước sân và sau vườn nhà tôi cũng có vài cây me. Đến mùa, để nhận biết me đã chín hay chưa, tôi phải leo lên cây, chọn cành trĩu quả nhất, dùng bàn chân mình đạp vào cành me nhẹ nhàng, cành rung lên bần bật, nếu từng chùm trái me vang lộp bộp, thì me đã chín, chỉ việc hái. Còn nếu không phát ra âm thanh lộp bộp, thì phải chọn cành hoặc leo xuống chọn cây me khác có trái chín.

Tháng hai, bầu trời mùa xuân vời vợi trong xanh, trèo lên cây me cao chót vót, những tia nắng hắt vào mặt, len lỏi vào da thịt, vào tóc. Ngồi trên cành me, bỗng như thấy bầu trời sao gần đến vậy, ước gì có thể đưa tay với lấy những đám mây trắng như bông gòn. Ngồi thơ thẩn ở cành, tôi nhìn ra là một không gian bao la rộng lớn, phía xa là đồi Cô Đơn xanh thẫm với những rừng cây lâu năm và dòng sông Sêrêpôk uốn mình chảy qua làng, những ngôi nhà gỗ nằm san sát nhau, mái nhà tranh hắt hiu, liêu xiêu trong gió, lốm đốm màu đỏ của mái ngói trầm mặc dưới nắng. Hoa cà phê nở trắng cả triền đồi, hương thơm sực nức, phảng phất tràn ngập cả không gian. Thấp thoáng đàn ong bay đến lao xao hút mật.

Đằng xa là cây cầu Sêrêpôk dập dìu người và xe qua lại, bóng họ nhỏ xíu, mập mờ, tôi chỉ thấy những chấm nhỏ nhoi di chuyển trên cầu, thi thoảng tiếng còi xe vọng lại inh ỏi. Từng đàn chim không tên, nhiều màu sắc đậu trên cành me, chắc chúng đang ngủ, cả đàn đột ngột giật mình, dáo dác bay tán loạn qua mặt tôi. Tôi hoảng hốt và ngơ ngác trước hình ảnh ấy. Cảnh vật bình yên và thơ mộng như một bức tranh mùa xuân rực rỡ.

Đâu đó tiếng chim thánh thót xa xăm, bồi hồi. Tôi thong thả tận hưởng không gian xanh ấy, mà quên đi việc hái me, cho đến khi mẹ tôi ở dưới đất nhìn lên nhắc: “Lo hái me đi, ngồi đó mà mơ mộng”. Tôi hối hả hái me bỏ vào cái lếp (giỏ đan bằng tre của người Thái), những chùm me chín, quả nào quả nấy chắc mẩy, hái xong, tôi ngồi nghỉ giải lao trên cành, lựa những quả bắt mắt, cơm dày, chín muồi, thơm ngọt. Tôi bóc vỏ, tiếng vỏ giòn vang rôm rốp, sau đó chấm vào bọc muối ớt mà tôi chuẩn bị trước khi leo lên cây.

Còn những mùa me làm tôi rưng rưng nhung nhớ. Có lần tôi đi mót me, dùng từ mót, nghĩa là me người ta đã hái xong, tôi đi hái từng quả me còn sót lại và bóc vỏ ra lấy nhân, cân ký để bán, mỗi ký vài ngàn đồng, cầm số tiền trong tay tự mình kiếm được, tôi hãnh diện lắm, tôi chạy ra quán bà Năm, quán có treo lủng lẳng mấy gói phồng tôm, bọc bánh quy, trong hũ nhựa chứa đầy kẹo me, kẹo dừa… khiến tôi háo hức, say mê.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, ngót nghét đã mấy chục năm trôi qua lặng lẽ. Hàng me xanh dần thưa thớt. Cái nắng tháng hai ùa về làm tôi đau đáu nhung nhớ mùa me thuở nào, những viên kẹo xanh đỏ của bầu trời tuổi thơ tràn ngập trong tim. Tâm hồn tôi trẻ lại bởi những ký ức trong veo!

LÒ DUY BƯU

;
;
.
.
.
.
.