Làng khoa bảng hàng đầu của Lễ Dương xưa

.

Quảng Phú là ngôi làng đặc biệt của thành phố Tam Kỳ. Đặc biệt không phải là vì “vừa rộng vừa giàu” như tên gọi mà vì dù nằm sát phủ lỵ Hà Đông xưa nhưng lại là đất của huyện Lễ Dương và là làng khoa bảng hàng đầu của huyện.

Một góc núi Quảng Phú (núi Cấm).
Một góc núi Quảng Phú (núi Cấm).

Làng của nghề chẻ đá ong và nghề cào hến

Nằm kẹp giữa hai dòng sông Quảng Phú và Trường Giang, làng Quảng Phú nay thuộc phường An Phú và xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ.

Địa danh Quảng Phú không tìm thấy trong Ô châu cận lục (1555) và Phủ biên tạp lục (1776). Phải đợi đến sách Địa bạ Gia Long (1812-1818) mới có danh xưng này, là một xã của tổng Hưng Thịnh Hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa (Thăng Bình).

Theo Địa bạ Gia Long, làng có tứ cận: “Đông giáp xã Phú Quý Hạ, xã Tân Lộc Ngọc giáp, xã Ngọc Sơn (đều thuộc Liêm Hộ Hà Đông), thôn Phú Thạnh lập cột đá làm mốc. Tây giáp xã An Thái (tổng An Thái Trung, xã An Hà tứ chánh xã Ngọc Sơn (thuộc Liêm Hộ Hà Đông) lấy đường làm giới. Nam giáp xã Tân Lộc (thuộc Liêm Hộ Hà Đông). Bắc giáp xã An Thái (tổng An Thái Trung) lập cột đá làm giới”.

Không có tài liệu nào cho biết làng trực thuộc huyện Hà Đông rồi phủ Tam Kỳ vào thời điểm nào. Theo sách Đồng Khánh Địa dư chí (1886 - 1887) thì Quảng Phú vẫn thuộc tổng Hưng Thạnh Hạ của huyện Lễ Dương. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương cho biết trong sách Xứ Quảng, vùng đất và con người, vào năm 1919 trên Tạp chí BAVH (Bulletin des Amis du Vieux Hue) Quảng Phú thuộc tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ. Trên cơ sở này, chúng tôi nghĩ có lẽ Quảng Phú trực thuộc Tam Kỳ vào năm 1906 khi Hà Đông được nâng lên thành phủ và không còn lệ vào phủ Thăng Bình nữa. Cũng có thể vào năm 1916 khi tách một phần phủ Tam Kỳ để thành lập huyện Tiên Phước, người ta đã lấy bớt một phần tổng Hưng Thạnh Hạ của huyện Lễ Dương để bù vào.

Quảng Phú có sông Quảng Phú, một nhánh của sông Tam Kỳ, được Đại Nam nhất thống chí ghi: “Ở phía đông huyện Lễ Dương bắt nguồn từ Bàu Bàng - Ngọc Sơn chảy về nam. Sông này nhận nước từ các khe suối Hà Lam, Ngọc Phô, Kế Xuyên, Cẩm Lũ, Trà Long và Tiên Kiều. Dòng chảy dài 50 lý qua các xã Ngọc Sơn, An Thái, Thạch Tân. Đến thôn Mỹ Cang gọi là sông Mỹ Cang nơi nước đầm An Thái nhập vào. Sau khi chảy qua hai xã An Hà và Quảng Phú đã hợp cùng sông Tam Kỳ chảy về đông đến cửa Đại Áp”.

Giữa làng có ngọn núi Quảng Phú (thường gọi là núi Cấm) cao gần 50 mét, là một trong ba gò đồi (Trà Cai, An Hà và Quảng Phú) nằm ở cửa sông, nơi hợp lưu của ba con sông Tam Kỳ, Trường Giang và Bàn Thạch. Địa danh “Tam Kỳ” được gọi theo hình sông thế núi của vùng đất này, nơi có ba gò đất cao cùng ngã ba sông(*).

Trước đây hoạt động kinh tế chính của Quảng Phú là nghề chẻ đá ong ven núi Cấm và nghề cào hến trên sông Quảng Phú. Ngày trước rất nhiều cư dân Quảng Phú làm nghề chặt đá ong dưới chân núi Cấm và bán đi khắp nơi trong tỉnh ra cả Hội An. Đá ong là loại đá có màu đỏ nâu (chứa nhiều oxit sắt) khá cứng. Đá được hình thành từ sự phong hóa các nham thạch mẹ giàu chất sắt và nhôm dưới tác động của khí hậu nhiệt đới gió mùa có hai mùa mưa khô đối lập. Đây là loại vật liệu xây dựng rất tốt và rất phổ biến trước đây. Người Chăm và người Việt sử dụng để xây giếng, mồ mả, nhà cửa và cả đền đài.

Về nghề cào hến, sách Làng xã xưa trên địa bàn thành phố Tam Kỳ (NXB Hội Nhà Văn, 2021) cho biết ở trang 72: “Ở đây ngoài nghề đánh cá, rỗi cá; cào hến là nghề chính. Có câu hát bỡn cợt thiếu nữ lấy chồng về nơi này: Lấy chồng Quảng Phú ăn chi/ Lúa gieo chẳng có lúa trì cũng không/ Nhờ ba con hến dưới sông/ Chồng cào, vợ xúc chổng mông lên trời”.

Làng khoa bảng hàng đầu

Dựa vào 7 tấm bia có tên Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí (Bia ghi tên những người đỗ đạt của huyện Lễ Dương) trước đây đặt ở Văn thánh huyện Lễ Dương (nay đặt tạm tại nhà thờ tiền hiền làng Hà Lam) ta biết Quảng Phú là một trong những ngôi làng khoa bảng hàng đầu của huyện Lễ Dương với hai cử nhân và 7 tú tài.

Hai người đỗ cử nhân là Doãn Văn Xuân và Nguyễn Văn Xán.

Doãn Văn Xuân không rõ năm sinh, đỗ Hương cống (từ 1828 gọi là Cử nhân) trong khoa thi năm Kỷ Mão - 1819. Từng trải qua chức Hành tẩu bộ Lễ, Giáo đạo (dạy các hoàng tử), Hàn lâm viên tu soạn, Lang trung bộ Lễ, Án sát sứ Bắc Ninh và Quảng Yên. Vì có liên đới trách nhiệm (không nhắc nhở) quan đầu tỉnh trong việc bảo quản tàu thuyền của Nhà nước nên ông bị cách chức. Sau khi “khắc phục sự cố” được tái bổ Lang ngoại viên bộ Lại, Lang trung đạo Lương Trừ ở Trấn Tây thành, Án sát sứ Định Tường. Ông mất khi đang tại chức vào tháng 11-1836, được truy tặng Lễ bộ Thị Lang (1843).

Nguyễn Văn Xán, trước có tên là Nguyễn Văn Hưng, sinh năm 1828, đỗ tú tài khoa 1842, đỗ cử nhân năm 1848. Ông là người văn võ song toàn, từng trải qua các chức vụ Quyền quản Thăng Bình phủ dõng, Huấn đạo huyện Hà Đông, Giáo thụ, Quản đạo Phú Yên, Chánh sơn phòng sử Quảng Nam. Ông mất khi đang tại chức vào năm 1881.

Bảy người đỗ tú tài là: Doãn Văn Đỗ (khoa 1813), Trương Văn Tuyển (1831), Trương Văn Tố (1842), Trương Công Liêm (1846), Trương Phổ (1867), Nguyễn Văn Đạt (1870), Nguyễn Nhượng (1873)
Trong khoa bảng của làng có 3 điều đặc biệt:

Thứ nhất, Tú tài Doãn Văn Đỗ và Cử nhân Doãn Văn Xuân không những là hai anh em ruột mà còn là “khai khoa” cho cả huyện, em lại đỗ cao hơn anh. Trong Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí viết về Doãn Văn Đồ: Văn Xuân chi huynh, vi bổn huyện sinh đồ thủy (Anh của Văn Xuân và là người đầu tiên đỗ sinh đồ (tú tài) của huyện); và về Doãn Văn Xuân: Công vi bổn huyện Hương cống thủy (Ông là người đầu tiên đỗ Hương cống (cử nhân) của huyện).

Thứ hai, trong số 7 tú tài có 4 người (gần 60%) là anh em thuộc tộc Trương (một trong hai tộc tiền hiền của làng) với hai cặp anh em ruột: Trương Văn Tuyển - Trương Văn Tố và Trương Văn Liêm - Trương Phổ.

Thứ ba, mộ phần và tư liệu của các vị khoa bảng hiện vẫn còn được các tộc họ bảo quản tại địa phương dù trải qua nhiều năm chiến tranh ác liệt.

LÊ THÍ

--------------------
(*) Các sách Đồng Khánh địa dư chí, Đại Nam nhất thống chí chép chữ “kỳ” nguyên văn chữ Hán 岐, có nghĩa là chỗ rẽ, nhánh chia ra. (chú giải của ĐNCT)

;
;
.
.
.
.
.