Đà Nẵng cuối tuần

"Cái duyên" của nhà báo đất Quảng với báo chí

06:30, 15/01/2023 (GMT+7)

Cụ Huỳnh Thúc Kháng là nhà báo cự phách trong làng báo Việt nửa đầu thế kỷ XX, từng “thét Tiếng Dân giữa kinh thành Huế” (lời cố Tổng Bí thư Trường Chinh). Thế nhưng, “cái duyên” của nhà báo đất Quảng với báo chí lại bắt đầu ở trường Đốc tỉnh Quảng Nam.

Câu đối đề đền Trung Liệt ở Thái Hà. Ảnh: V.T.L
Câu đối đề đền Trung Liệt ở Thái Hà. Ảnh: V.T.L

Từ một “bài hay”

Trong bài “Một vài chuyện đáng chép trong làng báo nước ta lúc mới ra đời ba bốn mươi năm về trước” đăng trên báo Tiếng Dân số 818 ra ngày 10-8-1935, tác giả Huỳnh Thúc Kháng, cho hay: “Không giấu gì độc giả, lúc ấy tôi có chân học sanh ở tỉnh, học tại trường Đốc Quảng Nam, đang chăm chỉ làm nghề cử nghiệp, có biết tờ báo là gì. Nhưng có tánh ham văn chương và mê sách, nghe ai nói có sách văn gì cũng tìm xem. Tình cờ có cậu con quan phủ Điện Bàn cùng học ở trường Đốc, bảo tôi rằng: “Cậu có Đồng văn nhật báo mà trong có nhiều bài hay, người ta nói ông Tam nguyên Thám hoa Võ Phạm Hàm soạn”… Học trò mà nghe nói văn quan Thám hoa, tự nhiên sanh lòng hâm mộ, là lẽ cố nhiên. Tôi mới mượn ít tờ về xem, thấy có hứng thú, nhứt là bài “Thạch nhân truyện” cùng một vài tin và thi, nói về mặt văn chương thì văn cũng trang nhã lưu hoạt, nên lấy làm thích. Riêng phần tôi biết có tờ báo và đọc tờ báo thì lần ấy là lần đầu tiên (1896)”.

Cụ Huỳnh cũng thổ lộ: “… Như chỗ ký giả (tức nhà báo Huỳnh Thúc Kháng - NV) được thấy thì văn trong sách Tây mà dịch ra chữ Hán đăng trên báo ta, bài “Chuyện thợ đá” (tức “Thạch nhân truyện” - NV) là bài đầu tiên. Một điều in sâu trong não mà trọn đời không quên, là tôi thấy bài ấy bằng chữ Hán trước, đồng thời bạn văn sĩ được đọc bài ấy đều truyền với nhau là bài của ông Thám hoa Võ Phạm Hàm soạn. Cách trên 15 năm (từ 1895 đến 1912), tôi ở đảo Côn Lôn có học chữ Tây tròm trèm, được quyển sách “Lecture courante” (Đọc hiện tại - NV) thấy trong có bài “Tailleur de pierre” (Thợ đẽo đá - NV) mới biết bài viết chữ Hán mà mình được đọc trước 15 năm là dịch bài này. Trong não tôi hiện ra một cảnh tượng vừa khoan khoái vừa ngậm ngùi không sao tả được; hình dung tạm tạm cũng như mình có một người bạn rất yêu dấu, rất thân thiết, trên mười lăm năm, nhận là người Nam mình, mà nay rõ lai lịch và gốc tích, mới biết anh ta là người Tây!”.

“Tailleur de pierre” là một bài ngụ ngôn răn đời. Đại ý là có một anh thợ làm đá quanh năm làm ăn khó nhọc mà không đủ sống, thường than vãn và ao ước trời cho mình được hưởng giàu có. Thiên thần nghe lời than, cho anh ta được giàu; giàu rồi anh lại ao ước làm vua; làm vua rồi ao ước làm mặt trời, làm mây, làm mưa, làm đá, rút cục anh lại cầu xin làm thợ đá. Thế là vênh vang một hồi, rồi thợ đá vẫn hoàn thợ đá!

Không chỉ tâm đắc nội dung của “Thạch nhân truyện”, cụ Huỳnh còn thán phục tài dịch của Thám hoa Võ Phạm Hàm: “Cái lốt chữ Pháp mà nhuộm màu đẹp của chữ Hán vào thành ra có vẻ đặc sắc, không phải tò mò dịch nghĩa từng chữ như lối văn dịch quốc ngữ ngày nay”. Phải chăng điều này đã tác động không nhỏ đến nhà báo Huỳnh Thúc Kháng khi ông dịch thuật các tác phẩm đăng trên báo Tiếng Dân. Chẳng hạn, khi dịch bản “Đồ Bàn thành ký” bằng Hán văn của Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển sang chữ quốc ngữ, cụ Huỳnh “thú thực” rằng: “Văn dịch chỉ cần cho rõ nghĩa, chớ so với nguyên bài Hán văn đại tác kia, mười phần, không được năm phần, và dịch ra quốc ngữ, tinh thần không sao còn đủ ý nguyên được”.

Đôi điều về tác giả dịch “Thạch nhân truyện”

Vũ (Võ) Phạm Hàm sinh năm Giáp Tý - 1864, mất năm Bính Ngọ - 1906, tự Mộng Hải, hiệu Thư Trì, vốn dòng họ Phạm Vũ, người làng Đôn Thư, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ), nay thuộc thành phố Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình truyền thống Nho học, lúc nhỏ đi học Vũ Phạm Hàm đã sớm bộc lộ trí thông minh, nổi tiếng học giỏi, được nhiều người gọi là thần đồng.

Năm 20 tuổi, ông thi Hương đỗ thủ khoa (Giải nguyên) khoa Giáp Thân (1884). Đến khoa thi Hội năm Nhâm Thìn (1892), đỗ thủ khoa (Hội nguyên), được tờ Đại Nam Đồng văn nhật báo ca ngợi: Vũ quân kỳ khôi tinh giáng thế, nghĩa là ông Vũ phải chăng là sao khôi giáng thế. Dự thi Đình cùng năm đó, ông lại đỗ thủ khoa (Đình nguyên), giành học vị Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (tức Thám hoa) nên thường được gọi là Tam nguyên Thám hoa. Lúc ấy, Vũ Phạm Hàm 28 tuổi. Ông là vị khoa bảng Nho học đạt học vị cao nhất triều Nguyễn. Triều này có ba vị Tam nguyên: Vị Xuyên Trần Bích San, Yên Đổ Nguyễn Khuyến và ông; nhưng Vị Xuyên và Yên Đổ chỉ đỗ Đệ nhị giáp (Hoàng giáp). Ông cũng là vị Tam khôi cuối cùng trong lịch sử khoa cử Việt Nam.

Vũ Phạm Hàm giữ chức Giáo thụ phủ Kiến Thụy (Thái Bình), rồi lần lượt lãnh chức Đốc học Hà Đông, Ninh Bình, Hà Nội; tiếp đó làm Án sát Sơn Tây vào năm Tân Sửu (1901). Đương thời, Vũ Phạm Hàm nổi tiếng là một nhà giáo thanh bạch, một vị quan thanh liêm, được các môn sinh và giới trí thức cùng thời rất hâm mộ là tài hoa và đức độ.

Là một nhà văn hóa tiêu biểu, ông có nhiều tác phẩm được nhiều người tìm đọc và đánh giá cao: Kinh sử thi tập, Tập Đường thuật hoài, Mộng Hồ gia tập, Thư trì thi tập; Thám hoa văn tập, Cầu Đơ tỉnh nhân phú, Hà kiều thành phú, Nhị Kiều khán binh thư phú,… Ông có câu đối đề đền Trung Liệt ở Thái Hà (Đống Đa – Hà Nội), thể hiện tinh thần yêu nước: Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa;/ Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự cộng thanh thiên. Dịch: Này thành quách, này giang sơn, trăm trận phong trần còn dư thước đất;/ Làm trăng sao, làm sông núi, mười năm tâm sự chung một bầu trời.

Khi làm Đốc học ở Hà Nội, Vũ Phạm Hàm tham gia làm báo ở Đại Nam Đồng văn nhật báo và là tác giả của nhiều “bài hay” mà cụ Huỳnh Thúc Kháng đã tìm đọc và hết lời ca ngợi, trong đó có bài dịch “Thạch nhân truyện”.

VÂN TRÌNH

.