Đà Nẵng cuối tuần

ẨM THỰC DU LỊCH

Ẩm thực du lịch không chỉ là chuyện trên bàn ăn

13:53, 08/01/2023 (GMT+7)

Với ngành du lịch, an toàn cho mỗi bữa ăn của du khách không còn là chuyện trên bàn ăn mà liên quan đến sự sống còn của ngành. Bởi chỉ cần một vụ ngộ độc xảy ra cho du khách thì hình ảnh ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, việc quản lý các cơ sở kinh doanh để có những bữa ăn an toàn cho du khách là điều quan trọng, là yếu tố sống còn của  ngành du lịch.

Hyatt Regency Danang Resort & Spa luôn nâng cao tiêu chí chất lượng các món ăn để phục vụ tốt du khách trong và ngoài nước. Trong ảnh: Các đầu bếp đang chế biến các món ăn trong môi trường sạch sẽ, an toàn. Ảnh: Đ.H.L
Hyatt Regency Danang Resort & Spa luôn nâng cao tiêu chí chất lượng các món ăn để phục vụ tốt du khách trong và ngoài nước. TRONG ẢNH: Các đầu bếp đang chế biến các món ăn trong môi trường sạch sẽ, an toàn. Ảnh: Đ.H.L

Tăng cường thanh tra, kiểm tra dịch vụ ăn uống

Câu chuyện về 34 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm của đoàn du khách đến từ thị trấn Đông Triều (Quảng Ninh) vào ngày 1-8-2022 vẫn còn là bài học đắt giá đối với các nhà hàng M.P (đường Hồ Nghinh, quận Sơn Trà) và nhà hàng T.S (đường Nguyễn Tri Phương, quận Thanh Khê). Qua kiểm tra, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố phát hiện nhà hàng M.P có một số hành vi vi phạm như bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị không bảo đảm vệ sinh; không bảo quản riêng biệt thực phẩm sống với thực phẩm đã qua chế biến chín dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch của thành phố.

Theo báo cáo của Sở Du lịch, trong năm 2022, trên địa bàn thành phố có 1.280 cơ sở lưu trú du lịch với 45.889 phòng. Tính đến nay có khoảng 950 cơ sở đã hoạt động trở lại, chiếm 74% cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó có khoảng gần 300 cơ sở có phục vụ ăn uống, chủ yếu tập trung vào các khách sạn 3-5 sao và tương đương. Thời gian qua, Sở Du lịch thường xuyên chủ trì, phối hợp Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố và UBND quận huyện tổ chức các cuộc họp quán triệt, các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh du lịch.

"Nhằm đa dạng hóa và hình thành hệ thống sản phẩm du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh điểm đến du lịch Đà Nẵng, Sở Du lịch thành phố đang chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Kế hoạch phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức khảo sát, lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, đơn vị liên quan và các chuyên gia về dự thảo kế hoạch, dự kiến trình UBND thành phố trong quý 1, năm 2023”.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố

Là địa bàn có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ du khách, bà Nguyễn Thị Kim Minh, Trưởng phòng Y tế quận Sơn Trà cho biết, trên địa bàn quận có 372 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do ngành y tế quản lý, trong đó 282 nhà hàng, quán ăn. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được kiểm tra 1 lần/năm. Để bảo đảm tính liên tục và hiệu quả, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm quận Sơn Trà đã chia thời gian kiểm tra phù hợp. Đối với dịch vụ ăn uống thì kiểm tra vào giai đoạn cao điểm như tháng vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch mùa hè, mùa tuyển sinh... “Ngoài kiểm tra định kỳ theo chương trình kế hoạch, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm quận còn kiểm tra theo thông tin phản ánh của người dân từ cơ sở hoặc thông qua tổng đài. Cụ thể như trường hợp chặt chém của quán hải sản N.R (đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà). Qua kiểm tra phát hiện quán chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nên đã lập biên bản xử phạt hành chính 25 triệu đồng. Đối với chợ Đêm Sơn Trà, quận tập trung kiểm tra các điều kiện liên quan đến an toàn thực phẩm đường phố theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, Nghị định 115/2018/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm”, bà Nguyễn Thị Kim Minh nhấn mạnh.  

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch, nhằm bảo đảm an toàn cho du khách, thời gian qua, sở tăng cường phối hợp Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố tuyên truyền vận động các cơ sở lưu trú du lịch có phục vụ ăn uống, cơ sở ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tham gia sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo chiều rộng thuộc dự án Truy xuất nguồn gốc thực phẩm (giai đoạn 1). Song song đó, sở phối hợp tuyên truyền, vận động các cơ sở tham gia đánh giá, xếp hạng theo khung tiêu chí an toàn thực phẩm… Qua đó, đề nghị các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ người dân và du khách.

Nghiêm ngặt từ chất lượng thực phẩm đầu vào

Một trong những yếu tố quan trọng trong phục vụ bữa ăn an toàn và chất lượng cho du khách là bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Do đó, với các nhà hàng, khách sạn, bên cạnh yêu cầu đặt ra cho người quản lý, nhân viên phục vụ phải có kiến thức và ý thức cao trong việc tuân thủ nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, thì việc bảo đảm nguồn hàng cung cấp an toàn, tươi, ngon luôn được ưu tiên hàng đầu. Bà Trương Lan Hương, Giám đốc điều hành khách sạn Mường Thanh Grand cho biết, hiện nay đang ở mùa thấp điểm du lịch nên công suất phòng chỉ đạt 35%, trong đó tập trung chủ yếu khách Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ… Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, Tập đoàn Mường Thanh có quy định về tiêu chuẩn ngành nghề. Khách sạn thực hiện lưu mẫu thực phẩm, kiểm tra chất lượng thực phẩm đầu vào nghiêm ngặt nên không có trường hợp nào liên quan đến ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Cao Xuân Trâm, Giám đốc Truyền thông - Marketing Hyatt Regency Danang Resort & Spa thông tin, hiện nay công suất phòng của khu nghỉ dưỡng đạt 50-60%, tập trung chủ yếu là khách Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ. “Hiện khu nghỉ dưỡng đã đạt chứng nhận STAR từ GBAC (Global Biorisk Advisory Council). Chứng nhận STAR được trao dựa trên các tiêu chí đánh giá về quy trình làm sạch, khử trùng và phòng chống bệnh truyền nhiễm của khu nghỉ dưỡng nhằm bảo đảm môi trường sạch sẽ, an toàn và lành mạnh cho cán bộ, nhân viên, khách hàng và đối tác. Ngoài ra, đơn vị còn đạt chứng nhận ISO 22000: 2005 cho việc sở hữu hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm toàn diện, từ quá trình bảo quản, chế biến đến phục vụ thực khách. Toàn bộ hệ thống các trang thiết bị liên quan đã được khu nghỉ dưỡng thay thế hiện đại, tất cả các nguồn cung cấp thực phẩm đều phải có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm”, bà Cao Xuân Trâm giải thích.

Thiết nghĩ, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho du khách là việc không dễ làm, do đó các cơ quan quản lý và các cơ sở kinh doanh cần tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp của du khách trong việc thông tin, thông báo; nếu thấy nhà hàng có vấn đề về an toàn thực phẩm, hãy liên lạc với cơ sở y tế gần nhất. Có như thế, du lịch Đà Nẵng mới duy trì được hình ảnh đẹp và chuyên nghiệp, qua đó gìn giữ thương hiệu để thu hút khách một cách bền vững.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.