NGHỀ XƯA

Thổi hồn vào trúc

.

“Sau giải phóng, hình ảnh những thanh niên xung phong đội mũ tai bèo, đeo balo và trong túi luôn dắt theo cây sáo trúc rất lãng mạn đã gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Kể từ đó, tôi bắt đầu bén duyên với nghề làm sáo trúc”, nghệ nhân Hồ Bằng tâm sự.

Nghệ nhân Hồ Bằng chia sẻ về cách làm sáo trúc. Ảnh: Đ.H.L
Nghệ nhân Hồ Bằng chia sẻ về cách làm sáo trúc. Ảnh: Đ.H.L

Như bao gia đình gốc Huế, căn nhà ông Hồ Bằng khá ngăn nắp và yên tĩnh trên đường Nguyễn Tất Thành (phường Thanh Bình, quận Hải Châu). Mới bước vào nhà, chúng tôi cảm nhận một điều gì đó “rất Huế” của vẻ đẹp truyền thống nền nếp và xưa cũ bởi những cây sáo trúc được bài trí xen kẽ những bức tranh gia đình treo trên tường. Dù vừa mới trải qua một cuộc phẫu thuật, ông Bằng vẫn giữ vóc dáng và phong thái của một người nghệ nhân xưa. Ông tiếp tôi với sự chân thành và cởi mở, khiến câu chuyện về nghề trở nên nhẹ nhàng, ấm áp.

Cần niềm đam mê và chịu khó

Ông Hồ Bằng sinh năm 1952 ở Huế và chuyển vào Đà Nẵng sinh sống khi còn nhỏ. Trong 70 năm tuổi đời thì ông có hơn 40 năm tuổi nghề làm sáo trúc. Tuy nhiên, để theo đuổi và duy trì công việc này là cả quá trình mày mò học hỏi kiên trì, nhẫn nại. “Ngoài năng khiếu, muốn trụ được nghề cần phải có niềm đam mê và sự chịu khó bởi việc làm ra một cây sáo trải qua nhiều công đoạn vất vả, đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ”, ông Bằng tâm sự.

Nhớ lại những ngày đầu đến với nghề, ông Bằng kể: “Ngày xưa, khi chưa có máy móc hiện đại, tôi thẩm âm bằng tai từ việc nghe thanh La của kèn hướng đạo sinh. Dựa vào âm La của kèn phát ra mới lần ra các nốt khác. Rồi sau đó, tôi được những người bạn ở nước ngoài hỗ trợ cho máy đo âm của Nhật, giúp lấy cao độ của sáo bằng âm thanh quốc tế. Còn bây giờ có thể ứng dụng phần mềm tải về điện thoại để điều chỉnh âm thanh. Đến năm 2011, tôi chuyển giao công nghệ cho thầy Thọ Phong - một người em của học trò thầy Lê Thái Sơn ở Hà Nội nổi tiếng về sáo trúc”.

Không chỉ làm sáo trúc, ông Hồ Bằng còn học hỏi và làm nhiều loại sáo khác nhau như sáo ngang (tức sáo gỗ), sáo Mèo, sáo bầu và động tiêu… Đặc biệt, sau này, ông còn làm thêm sáo Shakuhachi của Nhật. Theo ông Bằng, mỗi loại sáo có một thế mạnh riêng. So với các loại sáo khác, sáo Shakuhachi của Nhật có âm thanh bổng và sáng hơn, được sử dụng để thổi nhạc thiền là chính. Sáo Shakuhachi cũng có giá cao hơn vì việc chọn thanh phôi cực kỳ khó khăn.

Từ đầu miệng thổi cho đến đuôi sáo phải đúng mắt nên việc chọn chiều dài của sáo rất khó, mất nhiều công sức hơn các loại sáo khác bởi âm thanh mặc định theo chiều dài của sáo. Tuy nhiên, nếu có kinh nghiệm thì cũng không khó bởi làm sáo dựa trên một nguyên lý và từ đó cho ra nhiều cái khác. Chẳng hạn, dựa vào tiết diện (đường kính) lòng ống để xác định chuẩn âm thanh của một cây sáo. “Một cây sáo có 7 tông và dựa trên tiết diện đó để thay đổi âm thanh.

Lòng ống và chiều dài cây sáo sẽ quyết định một tông sáo rồi từ đó suy ra làm ống lớn hay bé. Hiện tôi đang nhận 4 cây sáo bầu từ Mỹ gửi về, yêu cầu cải tạo hệ thống lỗ lên 9 lỗ. Loại sáo này bị hạn chế về âm vực nên chỉ sử dụng cho những bài hát của riêng nó. Khi mở thêm nhiều lỗ sẽ mở thêm âm vực để thổi được nhiều bài hát hơn. Để sửa được thì phải chỉnh âm. Muốn tìm ra âm thanh của nốt mới thì trước đó phải có nhiều cây làm mẫu, điều này cũng có nghĩa là mình phải chấp nhận nhiều cây bị hư hỏng trước khi có một cây sáo hoàn hảo cuối cùng”, ông Hồ Bằng giải thích.

Một cây sáo trúc được hoàn thành tốn rất nhiều công sức và thời gian bởi trải qua nhiều công đoạn khác nhau như: xử lý phôi, uốn nắn cho thân thẳng, khoan lòng, khoét lỗ, sơn bóng… Trong đó, công đoạn xử lý phôi là vất vả nhất vì nó quyết định đến chất lượng cây sáo không bị mối mọt, tránh ẩm mốc. “Sau khi đặt mua phôi về, chỉ có khoảng 60% thân phôi sử dụng được do không đạt yêu cầu tiêu chuẩn như thân trúc còn non và bị móp. Làm sáo giống như làm dâu trăm họ vì dựa trên thông số của khách yêu cầu đưa ra, cũng có lúc chấp nhận rủi ro bị bể phôi. Do đó, người làm sáo phải có tính kiên trì là vậy!”, ông Bằng nhấn mạnh.

“Tôi biết cái gì thì con tôi sử dụng cái đó”

Trước đây, người chơi sáo trúc rất hiếm. Chỉ 20 năm trở lại đây, phong trào chơi sáo mới bắt đầu phát triển mạnh hơn thông qua các câu lạc bộ sáo trúc. Ưu điểm của sáo trúc là dễ sử dụng và ít chi phí hơn các loại nhạc cụ khác. Tuy nhiên, việc học cũng không hề đơn giản vì các loại nhạc cụ khác chỉ cần đánh vào là có thể phát ra âm thanh, nhưng với sáo thì không phải cứ thổi vào là ra âm thanh.

“Bạn nào có duyên thì thổi ra tiếng, còn nếu cầm cây sáo mà thổi hoài không ra thì dễ nản lắm. Thời gian qua cũng có nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên tìm đến học thổi sáo. Hầu hết các em đến đây đa phần đã biết  cơ bản, tôi chỉ dạy thêm các kỹ thuật sao cho thổi tốt nhất. Mỗi thầy có một phương pháp riêng. Tôi luôn tư duy làm sao để các em mới học khi cầm cây sáo là nhanh chóng thổi được để không cảm thấy nản. Người thổi sáo phải có làn hơi khỏe. Muốn có làn hơi khỏe thì phải có làn môi tốt, còn nhạc lý thì chơi theo cảm âm”, ông Bằng kể.

Trong những năm gầy đây, khi tuổi già sức yếu, căn bệnh hen lại hành hạ khiến công việc làm sáo của ông Bằng có phần chững lại. Cũng may, trong nhà có con trai út Hồ Cảnh Lân vẫn chịu khó theo nghề ba. Ông Bằng cho biết: “Cháu út làm sáo đã hơn 10 năm. Hồi nhỏ, cháu chỉ nghe âm thanh chứ ít khi để ý nghề ba làm. Nhưng từ khi tôi bị hen và có ý định bỏ nghề, cháu mới bắt đầu chú ý đến. Nghề này nhiều bụi bặm dễ gây tắc nghẽn phế quản, thương cảm công sức của ba bỏ ra nhiều nên cháu quyết tâm theo. Nhờ được tôi hướng dẫn, chăm chút thường xuyên nên cháu làm rất giỏi. Tôi biết cái gì thì con tôi sử dụng cái đó vì chân truyền rồi”.   

Được con phụ giúp nhưng thỉnh thoảng ông Bằng vẫn làm sáo cho những người yêu mến mình. Trước khi Covid-19 chưa bùng phát, khách nước ngoài đặt hàng rất nhiều. Họ biết đến ông thông qua mạng xã hội và báo đài. Hầu hết, khách nước ngoài ưa chuộng sáo Shakuhachi. Tuy nhiên, không phải khách nào cũng dễ tính. Khi tôi đang ngồi trò chuyện với ông thì có một sản phẩm được gửi trả lại từ một khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Bằng chia sẻ: “Đây là một trường hợp hiếm gặp. Khi nhận sáo, khách không có ý kiến gì, nhưng vài ngày sau đó lại báo có một vết nứt ở thân. Có lẽ là do khâu vận chuyển chứ làm nghề lâu năm như tôi thì không thể để vậy mà gửi cho khách. Giờ chỉ có hai cách, một là gia công lại và bảo đảm cho khách về chất lượng sản phẩm lâu dài; hai là làm lại cái khác nếu khách muốn. Tuy nhiên, để tìm ra một cây sáo đẹp như vậy thì không dễ dàng gì nên chúng tôi sẽ chọn phương án tốt nhất cho khách. Chúng tôi luôn sẵn sàng chịu thiệt thòi để chiều lòng khách hàng”.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.