Xuân từ tiếng lá lao xao...

.

Mùa xuân tới, dễ thấy nhất là trên màu lá. Cây bỗng nhiên hồ hởi như người vừa tỉnh giấc ngủ dài, lá non hấp háy tươi. Lộc bắt đầu phơn phớt trên những cành khô, màu đẹp như tấm áo mới bọn trẻ con xúng xính chờ Tết mặc. Đó là lúc, khi dừng lại ngước lên ngắm nhìn, người ta ríu rít báo nhau: A, xuân về!

Lá chuối được dùng để gói bánh tét. Ảnh: XUÂN HIẾU
Lá chuối được dùng để gói bánh tét. Ảnh: XUÂN HIẾU

Xuân lao xao từ cành lá. Những cây mai hăm hở đợi ngày trút lá, để kịp ủ nụ cho một mùa vàng rực sắc vui. Chúng nhớ bàn tay cụ già, năm nay nhăn nheo thêm một chút nhưng vẫn còn mạnh khỏe lắm. Chúng nhớ bàn tay trẻ em phụ giúp, nay đã lớn hơn nhiều. Chúng nhớ cả những bàn tay đi xa, không biết có kịp về góp vào ngày tước lá. Những chiếc lá mai già xanh thẫm lặng lẽ rơi xuống, để cây trữ nhựa nuôi những nụ con con. Và nụ biếc, và lộc xanh, màu non nhuốt nhú ra báo hiệu những ngày rộn rã sắp đến gần.

Cũng là lúc khu vườn bừng dậy. Gió xuân tới, gọi từng thứ lá. Lá cẩm chờ được xay ra, nhuộm tím những hột nếp dẻo thơm, cho bánh thêm ngon mắt. Lá dứa dành những phần thơm nhất gửi hết vào lá, để các bà, các mẹ ướp cho dậy mùi. Hai thứ lá ấy còn tạo màu cho những khuôn rau câu bắt mắt, những xửng bánh bò, bánh da lợn ngon lành. Cầm miếng bánh trong tay, hít hà hương đồng quê, nghe mình cũng thoảng thơm. Nghe như màu lá cũng ngấm vào người, khiến nụ cười mình đậm đà hơn, ánh mắt mình lấp lánh hơn. Món ngon ngày Tết, nhất là bánh trái, ngoài vị còn cần cả sắc, cả hương, sao mà thiếu những thứ lá ấy được.

Lá dừa xôn xao đón gió, tính toán sao để phân chia nhựa sống làm đôi. Một phần cho trái ngọt nước dày cùi, để mọi người còn bẻ xuống làm mẻ mứt dừa ngọt lịm dẻo thơm. Một phần để dành dưỡng lá, cho những ai thòm thèm vị bánh dừa bùi bùi đậu trắng ngòn ngọt đậu xanh quết đường, chuối ngào tươm mật. Bánh dừa, thiếu lá dừa đâu còn đúng điệu. Dẫu là nhân vật phụ, lại trở thành nhân vật chính, góp một tay đan cùng những nguyên liệu khác làm ra mớ bánh dừa thấm vị yêu thương.

Cây chuối góc vườn khẽ khàng hơn, tránh xa những tên gió chướng thích đùa giỡn, để giữ cho tàu lá nguyên lành. Những phần lá đẹp nhất, tươm tất nhất được dùng để gói bánh. Phơi cho hơi heo héo mềm, bọn trẻ con được người lớn giao cho phần dễ nhất, lau sạch lá đợi sẵn. Rồi lá chuối, như một vòng tay xanh muốt, ôm lấy từng hạt nếp dẻo ngon chắt chiu mùa gặt, chịu sức nóng để cô đọng, để bảo vệ những vị ngon từ đất, từ trời. Không chỉ bánh tét, lá chuối còn tham gia gói những loại bánh khác, những đòn chả lụa, những nem…

Dẫu chẳng ăn được nhưng chúng vui vì đã hoàn thành nghĩa vụ của mình. Bên cạnh những anh chị em khác cùng cây chuối: những trái làm nhân bánh, những nải vàng ươm mâm cúng, những bắp chuối trộn gỏi…, lá tham gia làm nên ngày lễ quan trọng nhất năm. Nói thiệt tình, lá chuối là cái ôm xanh um của vườn lộng gió.

Thầm lặng hơn cả, là lá của những khu vườn cây ăn trái. Chúng thi nhau hứng nắng, chắt ngọt dồn vào những thứ trái ngon. Những xoài, mận, chôm chôm, bưởi, mãng cầu…, tất cả lá đều khiêm nhường lùi về sau dốc lòng tôn vinh vị trái. Những thứ trái ấy, sẽ thay lời khấn vái mang biết bao thông điệp ý nghĩa, cho mong ước một năm mới nhiều niềm vui. Mỗi trái một vị, cắn một miếng nghe ngon tới tận trong lòng. Thấm thía biết ơn những mùa lá trong vườn, dành hết cho mùa Tết đủ đầy.

Những thứ lá ấy, hệt những người phụ nữ đảm đang, dịu dàng làm nên Tết. Mâm cỗ đủ đầy bánh trái và có cả lá trầu được têm thật khéo, là công sức của bà, mẹ, các dì, các chị chung tay. Họ hệt như lá cẩm, lá dứa, lá dừa, lá chuối làm nên mùi, nên màu, nên vị cho xuân hội tụ ngon từ đầu lưỡi đến ấm áp tận tim. Họ cũng như những loại lá trong vườn, chắt chiu lo lắng sao cho mùa Tết trọn vẹn nhất có thể. Là những đêm thức khuya dậy sớm, những giờ bên bếp lò nóng hổi, làm đủ công đoạn để cho ra những món ngon. Là gánh gồng đưa những thứ lá tươi lành ra chợ xuân, để sẻ chia, thu về những niềm vui Tết. Ăn một miếng bánh, thấy dáng mẹ, dáng bà ngồi bên bếp lửa, thấy lòng mình khẽ rưng rưng. Vuốt vỏ mịn trái ngon, thấy thương người để dành cho mình những gì tốt nhất. Cây thiếu lá, mùa xuân không thể nào tới được. Có bàn tay thơm thảo của người, Tết mới đầy ý vị.

Và lá sẽ từ vườn theo bước chân người ra chợ, chờ được mang về để cùng nhau làm nên mùa xuân chan chứa. Lá cũng từ vườn này qua nhà khác, phụ nhau thiếu hụt để chan bằng những nghĩa cử yêu thương. Tết đến và Tết qua đi, người cũng như lá, tươi mới và nguyên lành, bừng lên tình yêu nồng đượm chia nhau những gì đẹp nhất. Nghe lao xao trong gió, tiếng cười nói gọi nhau vui như tiếng lá mừng xuân, xanh thắm trong từng nhịp thở.

PHÚC GIANG

;
;
.
.
.
.
.