F0 Ở NHÀ

Điều trị F0 tại nhà

.

Triển khai thí điểm từ tháng 11-2021, các địa phương chính thức tổ chức điều trị F0 tại nhà từ tháng 1-2022 trên địa bàn thành phố. Đây là hoạt động chuyên môn được thực hiện có lộ trình theo hướng dẫn của Bộ Y tế và UBND thành phố nhằm giảm áp lực điều trị cho tuyến đầu, tạo tâm lý và thuận lợi cho người mắc Covid-19 ở dạng nhẹ.

Nhân viên y tế quận Sơn Trà theo dõi sức khỏe, điều trị F0 tại nhà. Ảnh: ĐẠI BÌNH
Nhân viên y tế quận Sơn Trà theo dõi sức khỏe, điều trị F0 tại nhà. Ảnh: Đ.B

Với việc điều trị F0 tại nhà, vai trò của nhân viên y tế cơ sở hết sức quan trọng trong việc nhận định, đánh giá ban đầu cũng như hỗ trợ chuyên môn, ổn định tâm lý người bệnh.

Theo dõi sát các diễn biến, chỉ số

Là địa phương đầu tiên tổ chức điều trị F0 tại nhà, đến nay quận Sơn Trà đã và đang điều trị 18 bệnh nhân mắc Covid-19 theo mô hình này. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, kế hoạch ngành y tế tham mưu cho UBND thành phố triển khai F0 tại nhà được tiến hành trên cơ sở kích hoạt trạm y tế lưu động tại các phường, xã. Trên cơ sở đánh giá nguồn nhân lực y tế thực tế, UBND các quận, huyện thiết lập các trạm y tế lưu động tại các phường, xã. Mỗi phường thành lập 2 trạm y tế lưu động.

Trạm y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong cộng đồng, kết nối chăm sóc, quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời. Theo đó, các y, bác sĩ làm việc tại trạm y tế lưu động sẽ sàng lọc những bệnh nhân F0 thể nhẹ để giữ lại điều trị theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Những trường hợp bệnh nặng hoặc F0 có bệnh lý nền được chuyển lên bệnh viện tuyến trên chữa trị.

“Quận Sơn Trà đã tổ chức tập huấn hơn 70 nhân viên y tế trên địa bàn để thực hiện điều trị F0 tại nhà. Mỗi trạm y tế lưu động theo quy định có tối thiểu 5 nhân viên y tế nên ngoài nhân viên y tế trong biên chế, địa phương huy động sự tham gia của đội ngũ y tế trường học, y tế tư nhân, nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn”, bác sĩ Thuyên cho biết.

Phường Thọ Quang là địa phương đầu tiên tại Sơn Trà và toàn thành phố tổ chức điều trị F0 tại nhà. Y sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thọ Quang cho biết, để người dân tiếp cận dễ dàng với nhân viên y tế, ngoài số hotline (đường dây nóng), trạm lập thêm nhóm Zalo để tiếp nhận thông tin nhanh nhất của người dân. Các hoạt động chuyên môn kết nối giữa người dân và nhân viên y tế chủ yếu diễn ra trên các group (nhóm) này.

Điều này vừa tiện lợi, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, vừa hiệu quả, hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm chéo trong quá trình điều trị bệnh nhân. “Mỗi bệnh nhân trong quá trình điều trị sẽ được nhân viên y tế cập nhật, hướng dẫn việc theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân. Hằng ngày, bệnh nhân có nhiệm vụ cập nhật thông tin của mình lên các group để nhân viên y tế theo dõi”, y sĩ Linh cho biết.

"Thông qua các phần mềm quản lý cách ly của thành phố hoặc giám sát bằng hình ảnh gửi qua các ứng dụng Zalo, Messenger vào khung giờ quy định hoặc bất kỳ khi nào người giám sát yêu cầu. Định kỳ 2 lần/ngày, nhân viên y tế cơ sở sẽ giám sát sức khỏe bệnh nhân và ghi nhận vào phiếu theo dõi sức khỏe hằng ngày trên bảng giấy, hoặc qua phần mềm quản lý cách ly vào lúc 8 giờ và 16 giờ. Bên cạnh đó, cần kiểm tra đột xuất khi có tin báo của người dân xung quanh hoặc nhận được các thông tin bất thường về tình hình sức khỏe bệnh nhân”
 Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng

Cụ thể, bảng hướng dẫn phát cho bệnh nhân, các F0 được hướng dẫn theo dõi những chỉ số, triệu chứng như mạch, nhiệt độ, nhịp thở, mệt mỏi, ho, ớn lạnh, mất vị giác, tiêu chảy, thở dốc, tức ngực hoặc các triệu chứng khác như đau bụng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn, đau nhức cơ. Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể đo, theo dõi tùy trường hợp như huyết áp tối đa, huyết áp tối thiểu, SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi)… Trong 2 ngày đầu điều trị, nhân viên y tế đến nhà đưa thuốc cho bệnh nhân, hỗ trợ nhiệt kế, máy đo SpO2 để theo dõi sức khỏe. Các bệnh nhân được hướng dẫn khai báo y tế hằng ngày. Sau thời gian 9 ngày, nhân viên y tế sẽ đến lấy mẫu xét nghiệm lại theo quy định.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong điều trị F0 tại nhà được các nhân viên y tế cơ sở tận dụng triệt để. Là người có kinh nghiệm trong điều trị và ổn định tâm lý bệnh nhân F0 thời gian qua, bác sĩ Trần Thị Thứ, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cho biết, yếu tố quan trọng nhất chính là sự đồng hành, xuất hiện đúng thời điểm của nhân viên y tế khi bệnh nhân cần.

Là địa bàn rộng, huyện Hòa Vang đang điều trị 8 bệnh nhân F0 rải rác ở các xã. Chính vì thế, việc kết nối giữa người bệnh và nhân viên y tế thông qua các group lập trên điện thoại rất hữu ích. “Ngoài việc theo dõi các chỉ số chuyên môn theo quy định, nhân viên y tế cũng kiêm luôn việc tư vấn các bài tập hỗ trợ như tập thở, chế độ dinh dưỡng, cách theo dõi các triệu chứng bản thân. Ngoài ra, cũng cần ổn định tâm lý cho bệnh nhân, bởi vẫn còn nhiều trường hợp lo lắng khi mắc bệnh và những cái nhìn e ngại từ xung quanh”, bác sĩ Thứ cho biết.

Hạn chế lây nhiễm chéo

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, khi điều trị F0 tại nhà, việc nhận định, đánh giá tình hình ban đầu rất quan trọng, đặc biệt là không gian cư trú có bảo đảm các điều kiện điều trị hay không. “Khi điều trị F0 tại nhà cũng có nghĩa những người thân trong gia đình được đánh giá có nguy cơ như là F1.

Vì vậy, mỗi địa điểm điều trị F0 cần được xem như một cơ sở cách ly có nguy cơ. Vai trò của nhân viên y tế, ngoài công tác chuyên môn thì cần đánh giá được mức độ nguy cơ ban đầu trước khi áp dụng, đồng thời duy trì các biện pháp để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm chéo cho người thân và cho cộng đồng xung quanh trong quá trình điều trị”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Nhân viên y tế phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) điều trị F0 tại nhà. Ảnh: Đ.B
Nhân viên y tế phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) điều trị F0 tại nhà. Ảnh: Đ.B

Theo đó, phòng điều trị F0 phải thông thoáng khí, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng; tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình; không được dùng điều hòa trung tâm, có thể dùng điều hòa riêng. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế. Bố trí tầng cách ly là tầng trên cùng của nhà nhiều tầng. Nếu phòng tắm, nhà vệ sinh ở ngoài phòng cách ly thì phải cùng 1 tầng. Người thực hiện cách ly tại tầng này và không tiếp xúc với các tầng khác trong gia đình; phải có thùng đựng rác thải y tế theo quy định.

Trong khi đó, theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế, điều kiện đối với người bệnh điều trị F0 cũng hết sức quan trọng. Đó là những trường hợp có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân; biết cách đo thân nhiệt; có khả năng tự dùng thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát.

Trong trường hợp F0 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người khỏe mạnh, có kiến thức chăm sóc người nhiễm, biết cách phòng ngừa lây nhiễm. Khi F0 thực hiện cách ly, điều trị tại nhà cần tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch, nhất là 5K; không rời khỏi nơi cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như người khác, không tiếp xúc với vật nuôi.

Khi một người trong nhà mắc Covid-19, những người khác trong nhà cũng có thể nhiễm bệnh, nên cũng phải thực hiện cách ly tại nhà để tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Những trường hợp không tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch trong quá trình cách ly, điều trị, chuyển điều trị tập trung tại cơ sở y tế, đồng thời bị xử lý vi phạm theo quy định.

Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định, việc theo dõi, giám sát người bệnh là điều hết sức cần thiết, khẳng định vai trò của nhân viên y tế cơ sở. “Thông qua các phần mềm quản lý cách ly của thành phố hoặc giám sát bằng hình ảnh gửi qua các ứng dụng Zalo, Messenger vào khung giờ quy định hoặc bất kỳ khi nào người giám sát yêu cầu.

Định kỳ 2 lần/ngày, nhân viên y tế cơ sở sẽ giám sát sức khỏe bệnh nhân và ghi nhận vào phiếu theo dõi sức khỏe hằng ngày trên bảng giấy, hoặc qua phần mềm quản lý cách ly vào lúc 8 giờ và 16 giờ. Bên cạnh đó, cần kiểm tra đột xuất khi có tin báo của người dân xung quanh hoặc nhận được các thông tin bất thường về tình hình sức khỏe bệnh nhân”, bác sĩ Thủy cho biết.

ĐẠI BÌNH

;
;
.
.
.
.
.