Bài học nhỏ trong mùa dịch

.

Khi nhiều tỉnh, thành phố áp dụng các biện pháp mạnh để phòng, chống Covid-19 như thiết lập các vùng cách ly y tế, thực hiện những ngày “ai ở đâu ở yên đó”, bên cạnh vấn đề tiêm vắc-xin, mọi người đều quan tâm lương thực, thực phẩm và thấm thía những bài học nhỏ xíu từ hạt gạo, cọng rau, con cá…

Lực lượng chức năng của phường Mân Thái (quận Sơn Trà) đưa nhiều chuyến hàng rau, củ xuống các tổ dân phố để hỗ trợ người dân. Ảnh: TẤN LỰC
Lực lượng chức năng của phường Mân Thái (quận Sơn Trà) đưa nhiều chuyến hàng rau, củ xuống các tổ dân phố để hỗ trợ người dân. Ảnh: TẤN LỰC

Những ngày giữa tháng 8, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông khi nhận được bao gạo từ thiện của các nhà hảo tâm đã ôm bao gạo nhỏ trong lòng và nhảy cẫng lên. Người này sống cách khu vực phát quà ở địa bàn phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) khoảng 500m, hình ảnh người đàn ông vui mừng ôm bao gạo đã làm cả nhóm thiện nguyện xúc động vì vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn trong dịch bệnh. 

Những ngày này, một clip quay vội, một bức ảnh ai đó chụp về trường hợp nào khó khăn cũng đủ làm nhiều người thấy nghẹn ngào. Nhìn bác tổ trưởng tổ dân phố ghi nhận từng phiếu đăng ký mua lương thực, thực phẩm của từng hộ dân thuộc khu vực phụ trách, thấy thương quá đỗi! Rồi cũng bác tổ trưởng và tổ Covid-19 cộng đồng mang đến đặt trước mỗi nhà phần quà thực phẩm được hỗ trợ, lúc thì một miếng bí đỏ, miếng súp lơ, lúc thì vài củ khoai tây, cà rốt, cà tím..., làm nhà nào cũng vui.

Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần ăn cơm, ba thường “canh me” tôi và không sạch cơm là đằng hắng. Tôi biết, ba nhắc tôi và kỹ hơn, vét cho kỳ sạch chén cơm, dù có khi chỉ là chén cơm chan ít nước tương, hoặc bữa sang hơn thì được mớ cá hủn hỉn kho muối mặn. Trước nhà có hai công ruộng. Mỗi mùa lúa trổ đòng, chị em tôi được ba cắt cử ra gốc cây tràm ngồi đuổi chim. Chim ăn hạt, chuột ăn thân. Ba nói, để có được những hạt gạo nấu cơm cho con ăn là phải giành giật với lũ chim chuột kia. Và ba phải khó nhọc một nắng hai sương, khi thì canh thời tiết để gieo sạ, khi thì phải tự tay gặt lúa, dần lúa để lấy hạt mang đi xay thành gạo. Vậy nên, mỗi lần ăn cơm, bọn tôi không dám làm rơi dù chỉ một hạt. Bài học ba dạy về việc quý trọng thức ăn, dù chỉ là một hạt cơm, hạt gạo, bọn tôi phải luôn nằm lòng.

Thành phố những ngày giãn cách nghiêm ngặt, nhiều nơi là vùng cách ly y tế, chỗ này giăng dây, chỗ kia rào chắn, chỗ nọ chốt chặn… Lúc khó khăn thắt ngặt này, trước ngày thành phố tạm ngừng mọi hoạt động, lần đầu tiên người ta hoảng hốt xếp hàng chờ được vào được siêu thị, rồi trở ra với các túi thực phẩm đầy ứ. Sức đe dọa của đại dịch phủ trùm lên mọi thứ. Chưa bao giờ người ta quý thức ăn đến như vậy.

Chưa khi nào tôi chứng kiến cảnh người ngườitrở nên xuề xòa dễ tính khi mua thực phẩm. Họ không còn chê con cá đã mềm, cọng rau đã dập, hạt gạo không dẻo thơm… Hàng nghìn con cá, cọng rau đến được với người trong tâm dịch, là trải qua bao nhiêu chốt chặn, bao trạm kiểm dịch, bao thứ giấy thông hành. Con cá, cọng rau không tươi ngon sá gì. Hãy nhìn mồ hôi và những đêm thức trắng của các anh tài xế  cùng bao người.

Có lẽ tất cả mọi người trong cơn hoạn nạn này mới thấm thía những bài học nhỏ xíu từ hạt gạo, cọng rau, con cá… Những đứa trẻ sau đại dịch chắc chắn sẽ có cái nhìn khác về thức ăn mà ba mẹ chúng vất vả có được. Chúng sẽ thôi đòi hỏi bữa ăn phải là gà rán, bít tết, phô mai, hay trà sữa. Bữa ăn của chúng sẽ đơn giản và phù hợp với nhu cầu. Và rồi chúng cũng sẽ không vùng vằng quẳng nửa cái đùi gà, nửa chén cơm ăn dở vào sọt rác…

Khi lướt qua những hình ảnh, clip về những trường hợp khó khăn cần được hỗ trợ lương thực, thực phẩm, tôi đã nghĩ về tuổi thơ thiếu thốn của mình. Tôi nghe hương sữa từ mùa lúa trổ đòng, rất thơm!

TRẦN HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.