Nhật Bản xây dựng lộ trình xử lý rác thải nhựa đến năm 2030

.

Để ứng phó với rác thải nhựa, Ban cố vấn riêng của chính phủ Nhật Bản đã đề xuất cải cách thể chế kinh tế nhằm đạt mục tiêu tới năm 2030 giảm được 25% đồ nhựa dùng một lần.

Vỏ hộp nhôm được cán mỏng đóng khối tại một trung tâm xử lý rác ở thị trấn Kamikatsu, tỉnh Tokushima, Nhật Bản. Ảnh: AP
Vỏ hộp nhôm được cán mỏng đóng khối tại một trung tâm xử lý rác ở thị trấn Kamikatsu, tỉnh Tokushima, Nhật Bản. Ảnh: AP

Từ “rác” thành “tài nguyên”

Theo kiến nghị cải cách của Ủy ban Tư vấn chính phủ Nhật Bản, rác thải nhựa sẽ được phân loại theo tên gọi mới là “các tài nguyên nhựa” và việc thu gom loại rác thải này được giao cho các chính quyền đô thị. Chính phủ cũng sẽ xây dựng bộ quy tắc hướng dẫn, giúp chính quyền các địa phương biết loại vật dụng nào phù hợp để thu gom và đưa vào nhóm tài nguyên nhựa bên cạnh những thông tin chi tiết khác.

Theo luật “Khuyến khích thu gom phân loại và tái chế đồ chứa, đồ đóng gói”, chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm thu gom rác nhựa từ các gia đình, phân chia thành 2 loại: chai nhựa, vỏ hộp/bao bì nhựa. Những loại rác thải nhựa khác không thuộc 2 loại vừa nêu sẽ được xử lý theo cách hoặc đốt, hoặc chôn ở bãi rác.

Mỗi năm ở Nhật thải ra khoảng 9 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó khoảng 7 triệu tấn (gần 80%) là lượng rác nhựa từ các công ty, được coi là rác thải công nghiệp. Theo đó, để giảm lượng rác thải nhựa công ty, Chính phủ Nhật sẽ yêu cầu các nhà sản xuất đồ dùng bằng nhựa phải tự thu gom các sản phẩm đã qua sử dụng do chính họ sản xuất. Cùng với đó, Chính  phủ cũng sẽ yêu cầu nhà sản xuất phải thiết kế các sản phẩm nhựa sao cho chúng có thể dễ dàng phân loại và tái chế, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp cũng có trách nhiệm với môi trường hơn.

Thông qua việc thiết lập các quy định hướng dẫn cụ thể, chi tiết, các nhà quản lý còn muốn nhắm tới mục tiêu thúc đẩy những thiết kế được chuẩn hóa trong các ngành công nghiệp. Việc giảm bớt lượng nhựa phải dùng trong khi thiết kế sản phẩm cũng sẽ thúc đẩy việc sử dụng và nhân rộng các loại vật liệu thay thế như vật liệu tái chế và nhựa phân hủy sinh học.

Các địa phương lo lắng

Những quy định mới nói trên theo lộ trình sẽ có hiệu lực trong tài khóa 2022, hợp nhất rác thải gia đình và rác thải công nghiệp trong mục tiêu giảm rác nhựa nói chung. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, các yêu cầu liên quan đặt ra với các công ty và chính quyền sở tại mới chỉ dừng ở mức đề nghị, chưa phải điều kiện bắt buộc. Vì vậy, dư luận lo ngại không biết Chính phủ có thể đạt được mục tiêu đề ra không.

Theo đạo luật vệ sinh công cộng và quản lý rác thải hiện hành của Nhật, mỗi chính quyền đô thị sẽ tự quyết định việc phân loại rác gia đình cũng như phương pháp xử lý loại rác đó. Chẳng hạn, phường Setagaya của Tokyo là một trong những nơi không phân loại rác thải nhựa lâu nay. Trong số khoảng 160.000 tấn rác có thể đốt thải ra mỗi năm, có khoảng 18% là rác nhựa. Tuy nhiên, số rác này bị đốt chứ không tái chế. Cứ 2 lần một tháng, cư dân phường Setagaya có thể mang những hộp đựng đồ ăn bằng nhựa, khay và vật dụng bằng nhựa tới 27 điểm thu gom, trong đó có các trung tâm cộng đồng của phường. Mỗi lần như vậy, trung bình khoảng 7 tấn rác nhựa được thu gom. Tuy nhiên, trước đề xuất cải cách của Chính phủ, giới chức phường Setagaya sẽ phải tính toán xem mức chi phí cho việc phân loại và thu gom rác nhựa bắt đầu từ tài khóa 2021. Chính quyền sở tại cũng cảm thấy việc triển khai quy định mới khá gấp gáp đối với họ.

Một phường khác tại Tokyo cũng đã áp dụng kế hoạch tái chế rác, vấn đề băn khoăn nhất với họ là không biết kế hoạch thu gom, tái chế rác mới sẽ thực sự giúp giảm được bao nhiêu rác và việc thu gom đó tốn thêm bao nhiêu kinh phí. “Do điều kiện tài chính của chính quyền hạn hẹp, có khả năng chúng tôi sẽ phải yêu cầu người dân gánh bớt một phần chi phí thông qua các túi đựng rác phải trả tiền dành riêng cho thu gom”, một quan chức phường nói.

Tăng trách nhiệm của doanh nghiệp

Trong tháng 11-2020, Công ty Hóa chất - mỹ phẩm Kao và Công ty Hóa chất, đồ chăm sóc cá nhân Lion bắt đầu triển khai thử nghiệm tại cửa hàng bán lẻ Ito Yokado’s Hikifune ở phường Sumida để thu gom và tái chế các hộp đựng đã hết của các loại dung dịch tẩy rửa cùng những sản phẩm khác. Hai công ty có kế hoạch hợp tác trong tương lai để xây dựng các quy tắc hướng dẫn trong thiết kế sản phẩm tiện dụng cho tái chế.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Nikkei Asia, Kyodo News)

;
;
.
.
.
.
.