Đà Nẵng cuối tuần

CHĂN NUÔI AN TOÀN SINH HỌC

Hướng đến phát triển bền vững

16:57, 04/12/2020 (GMT+7)

Nhiều mô hình chăn nuôi trên địa bàn huyện Hòa Vang đang được triển khai theo hướng an toàn sinh học. Cách làm này vừa để bảo vệ môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh, vừa giúp sản phẩm bảo đảm chất lượng, có giá trị hơn trên thị trường. Thời gian tới, để phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững, cần xây dựng vùng chăn nuôi an toàn theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Trang trại nuôi gà không,… mùi hôi

Trại gà “không mùi hôi” của ông Chu Văn Phong ở thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (ảnh trên). Quy trình nuôi heo theo hướng an toàn sinh học giúp trại heo của ông Ông Văn Thông trụ vững trước dịch tả heo châu Phi (ảnh dưới).  Ảnh: Q.T
Trại gà “không mùi hôi” của ông Chu Văn Phong ở thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (ảnh trên). Quy trình nuôi heo theo hướng an toàn sinh học giúp trại heo của ông Ông Văn Thông trụ vững trước dịch tả heo châu Phi (ảnh dưới). Ảnh: Q.T

Trên đường vào trang trại gà ở thôn Phước Sơn (xã Hòa Khương) của ông Chu Văn Phong, chúng tôi được giới thiệu, đây là trại gà lớn nhất xã với quy mô hơn 1.000 con gà, 3.000 con vịt. Chủ trại đang xây dựng thương hiệu “Gà đồi Đồng Nghệ” với giống gà bản địa, nuôi thả vườn, ăn lúa, bắp, mối, cá tạp. Với số lượng gia cầm này thì chỉ cần đi qua khu vực chăn nuôi thôi cũng thấy hãi, chứ chưa nói gì đến việc vào chuồng dọn hay cho gà ăn uống hằng ngày. Vậy mà, ở trại gà này, chẳng ai ngửi thấy mùi hôi từ các chuồng gà. Thậm chí, vào tận chuồng gà cũng không hề ngửi thấy.

Bên ấm chè xanh, ông Phong cho biết : “Trước đây, khách ngồi vài phút là xin phép về ngay vì không chịu được mùi từ chuồng gà bốc ra. Thậm chí, người dọn chuồng mang khẩu trang thì cũng bị tra tấn trong một thời gian nhất định bởi mùi phân gà hôi thối. Nhưng mấy năm gần đây, những chuyện như trên không còn nữa. Khách vào nhà nếu không để ý còn không biết chúng tôi nuôi lượng gà lên đến hàng nghìn con”.

Nhiều năm lăn lộn với mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi gia cầm, trăn trở lớn nhất của ông Phong là làm sao vừa phát triển sản xuất, vừa không gây ô nhiễm môi trường, tạo ra những sản phẩm sạch, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Từ ngày áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (dùng đệm lót vi sinh, vệ sinh chuồng trại theo quy chuẩn, quản lý chặt chẽ từ con giống đến thức ăn, nguồn nước, giữ vệ sinh cho vật nuôi và cả người nuôi ở mức độ cao nhất, liên tục khử trùng vùng nuôi…), đàn gia cầm của ông Phong có sức đề kháng bệnh tốt, giảm tỷ lệ mắc các bệnh đường tiêu hóa, nâng cao tỷ lệ nuôi sống một cách đáng kể.

Cũng là một chủ trại gà ở thôn Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong), anh Nguyễn Hồng Thuyên khoe trại gà nhà anh nằm sát cạnh nhà nhưng cực kỳ khô thoáng, không chút mùi hôi nên môi trường xung quanh sạch sẽ, trong lành, không làm ảnh hưởng đến hàng xóm láng giềng. Anh Thuyên cho biết: “Trước đây, khi nuôi theo lối truyền thống, gà rất dễ bị bệnh về đường hô hấp và đường ruột, gà tăng trọng thấp... Mùi hôi thối từ chất thải không những gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Với mô hình nuôi gà thả vườn áp dụng an toàn sinh học, tuy vốn đầu tư chuồng trại không cao nhưng đàn gà lại có sức đề kháng tốt. Ngoài ra, nuôi gà trên đệm lót sinh học không phải quét dọn phân, thay chất độn chuồng trong suốt quá trình nuôi nên giảm tối đa công lao động quét dọn, vệ sinh chuồng trại trong quá trình chăn nuôi. Gà nuôi trên nền đệm lót không bị thối bàn chân, lông mượt và sạch”.

Tháng 4-2017, xã Hòa Phong thành lập Tổ hợp tác Gà Kê Sơn với 12 thành viên. Ngoài cung cấp gà giống, các thành viên trong tổ còn nuôi gà thương phẩm. Các hộ nuôi gà đều mở sổ ghi chép về chế độ thức ăn, tiêm vắc-xin,... Qua hỗ trợ của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm thành phố, người dân nắm những yêu cầu, quy trình cơ bản về chăm sóc, nuôi dưỡng gà, bảo đảm gà sạch.

Ngoài xã Hòa Phong, hiện tại huyện Hòa Vang phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm thành phố triển khai thực hiện mô hình nuôi gà nhân giống địa phương theo hướng an toàn sinh học ở quy mô khoảng chục hộ dân trên địa bàn các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong và Hòa Phú.

Ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi

Năm 2019, do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, toàn huyện đã tiêu hủy 15.000 con heo, tổng số tiền hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy hơn 21,5 tỷ đồng. Trước khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện, xã Hòa Khương có nhiều hộ chăn nuôi và tổng đàn heo lớn nhất huyện: 862 hộ gia đình, 2 trang trại và 1 doanh nghiệp chăn nuôi với tổng cộng 14.771 con heo. Khủng hoảng dịch tả heo châu Phi khiến hàng trăm nghìn nông hộ điêu đứng. Đến nay, cả xã chỉ còn hơn 4.900 con heo, chủ yếu đang nuôi tại doanh nghiệp tư nhân Đồng Nghệ.

Ông Ông Văn Thông, chủ doanh nghiệp tư nhân Đồng Nghệ cho hay, đàn heo của ông có thể trụ vững trước dịch bệnh là nhờ ông sớm mạnh dạn thay đổi tư duy, đẩy mạnh đầu tư, đổi mới phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. “Nói thì dễ nhưng để có được trang trại heo an toàn sinh học không đơn giản, bởi khác với nuôi heo truyền thống, chuồng trại heo an toàn sinh học phải đồng bộ. Từ chuồng/lồng cho heo hậu bị, chuồng sàn cho heo nái, chuồng úm heo con, chuồng nền cho heo thịt phải riêng biệt. Ngoài ra, phải có hệ thống cho ăn, uống tự động, kho chứa thức ăn, nhà ở, tủ thuốc thú y, tủ bảo quản vắc-xin, hệ thống biogas xử lý chất thải, cổng, tường rào… phải làm đầy đủ. Bên cạnh đó, công tác cách ly người ra vào trang trại là ưu tiên số một đối với việc nuôi heo an toàn. Chỉ nhân viên làm việc trong trang trại mới được vào, tuyệt đối không để người ngoài đi vào chuồng trại, không để phương tiện vận chuyển của thương lái, phương tiện vận chuyển thức ăn đến khu vực nuôi heo. Phương tiện vận chuyển phải dừng ở bên ngoài để vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và sử dụng xe nội bộ của khu chuồng nuôi để vận chuyển. Tóm lại là phải “ăn cùng heo, ngủ cùng heo” để giữ an toàn cho vật nuôi”, ông Thông nói vui.

Trái ngọt đến với trang trại của ông Thông khi hiện ông vẫn duy trì trang trại với 430 heo nái, 1.500 heo con, 1.400 heo thịt. Theo bà Ngô Thị Hạnh, Phó phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học dần trở thành hướng sản xuất hiệu quả, thúc đẩy ngành nông nghiệp của địa phương phát triển theo hướng bền vững, góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen sản xuất của bà con nông dân. Bên cạnh đó, thông qua công nghệ chế phẩm sinh học, hầm biogas, ủ phân compos giúp việc xử lý chất thải chăn nuôi dễ dàng hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường chăn nuôi.

Chưa thể nhân rộng, phát triển quy mô lớn

Thực tế, chăn nuôi trên địa bàn huyện Hòa Vang chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ nên chuồng trại xây dựng không theo khuôn mẫu, quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định. Chuồng nuôi trong nông hộ được xây dựng đơn giản, tận dụng đất trong vườn, nằm trong khu dân cư đông người.

Theo số liệu từ Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, trên địa bàn huyện hằng năm có hơn 14.000 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng chỉ 512 hộ (số liệu năm 2017) có đầu tư hầm biogas để xử lý chất thải ở những cơ sở chăn nuôi heo là trang trại hoặc hộ gia đình có quy mô đàn từ vài chục con trở lên, số còn lại đều xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, phát sinh dịch bệnh.

Năm 2017, UBND huyện Hòa Vang ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND về triển khai thực hiện đề án “Giảm chăn nuôi hộ gia đình, phát triển chăn nuôi tập trung trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo”. Theo đó, UBND 11 xã tập trung giảm chăn nuôi nông hộ trong các khu dân cư đông đúc có nguy cơ cao gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân xung quanh.

Mặc dù chăn nuôi an toàn sinh học là một trong những định hướng của ngành nông nghiệp thành phố, nhất là các giống vật nuôi bản địa thích nghi tốt và có giá trị thương mại cao, song có một thực tế là chăn nuôi an toàn sinh học tại huyện Hòa Vang chưa mang lại kết quả như mong muốn. Chăn nuôi nông hộ vẫn ở dạng nhỏ lẻ nên chăn nuôi sạch mới triển khai ở dạng các mô hình, chưa thể nhân rộng, phát triển quy mô lớn. Trong khi đó, người chăn nuôi vẫn quen làm việc theo thói quen, kinh nghiệm đã có nên không tích cực tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, từ xây dựng chuồng trại khép kín đến khu xử lý môi trường... Điều này cũng gây khó khăn cho việc nhân rộng mô hình.

Chưa có địa điểm quy hoạch phù hợp
Ông Phan Văn Tôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện có 5 trang trại mới chăn nuôi gia súc, gia cầm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào quy trình chăn nuôi. Đối với đề xuất khu chăn nuôi tập trung trong thời gian tới, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với UBND các xã đề xuất vị trí quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, quy mô tối thiểu 10 ha. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có địa điểm quy hoạch phù hợp theo quy định của Luật Chăn nuôi. “Chúng tôi khuyến khích người dân tiếp tục phát triển chăn nuôi nông hộ ở những địa bàn được phép chăn nuôi, không nằm trong khu dân cư, không nằm đầu nguồn nước, phát triển con vật nuôi bản địa phù hợp với chăn nuôi nông hộ nhưng đồng thời, khuyến khích đầu tư quy mô chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm xử lý môi trường”, ông Tôn cho biết thêm.

QUỲNH TRANG

.