Đà Nẵng cuối tuần

Bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm sạch

17:37, 04/12/2020 (GMT+7)

Khi chất lượng cuộc sống được nâng cao, người dân ngày càng chú trọng đến sức khỏe. Do đó, vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của các bà nội trợ mà còn là trách nhiệm của các cửa hàng, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm.

Cửa hàng Organica Đà Nẵng bán khoảng 300 sản phẩm hữu cơ trong và ngoài nước. Ảnh: Đ.H.L
Cửa hàng Organica Đà Nẵng bán khoảng 300 sản phẩm hữu cơ trong và ngoài nước. Ảnh: Đ.H.L

“Cố gắng làm những gì tốt nhất có thể”

Chia sẻ về việc mở cửa hàng cung cấp thực phẩm hữu cơ tại Đà Nẵng, chị Nguyệt Anh - chủ cửa hàng Organica Đà Nẵng, thuộc Công ty CP Đầu tư Organica cho biết: “Trước mắt, mình muốn có thực phẩm sạch cho gia đình, bạn bè và người thân dùng, sau đó là giới thiệu rộng rãi ra thị trường Đà Nẵng”.

Công ty CP Đầu tư Organica được thành lập vào năm 2012 tại Thành phố Hồ Chí Minh và mở chi nhánh tại Đà Nẵng năm 2016. Chị Nguyệt Anh hiện có 2 cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ trên đường Nguyễn Du và Nguyễn Hữu Dật với hơn 300 mặt hàng trong và ngoài nước. Các mặt hàng trong nước chủ yếu là hàng xuất khẩu như rau củ quả, đồ khô, gia vị... Công ty có các nhà vườn sản xuất theo phương pháp hữu cơ tại Hà Nội, Lâm Đồng, Đồng Nai..., bảo đảm việc cung cấp thực phẩm cho thị trường trong nước. Các mặt hàng đều được chứng nhận theo tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ của Mỹ và châu Âu. Đối với hàng nhập khẩu thì có bánh kẹo, các loại tinh dầu, các loại hạt, đậu,... Tất cả đều không sử dụng chất bảo quản, chất tạo màu,…

Ngoài ra, công ty còn hợp tác với Công ty FIDR của Nhật hỗ trợ Hợp tác xã du lịch dựa vào cộng đồng Cơ tu ở huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) trồng các loại đậu thuần tự nhiên, không phun thuốc. Chị Nguyệt Anh cho biết, sản xuất rau củ quả sạch bằng phương pháp hữu cơ sẽ mất nhiều thời gian và chi phí cao hơn theo tiêu chuẩn VietGap. Trong khi đó, sản lượng cũng không cao nên giá thành đắt hơn. Ví dụ, sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap, người nông dân vẫn phun thuốc và được cách ly 30 ngày trước khi sử dụng. Nhưng khi sản xuất theo phương pháp hữu cơ, nhà vườn tuyệt đối không được sử dụng thuốc và phân bón vô cơ. Thời gian trồng rau hữu cơ kéo dài 45 ngày, trong khi trồng bằng phương pháp truyền thống chỉ kéo dài từ 15-30 ngày. Thủ tục làm chứng nhận sản phẩm hữu cơ cũng tốn kém hơn, chi phí đắt hơn 20-30% so với tiêu chuẩn VietGap. Mỗi năm, sản phẩm hữu cơ phải làm chứng nhận một lần theo quy trình khắt khe, còn VietGap 3 năm mới làm một lần. Do đó, để giúp khách hàng Đà Nẵng tiếp cận sản phẩm hữu cơ tốt hơn, cửa hàng đã hợp tác với người dân ở thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) canh tác các loại rau như rau muống, rau lang, rau dền, rau cải, rau thơm, bầu, bí... Tuy nhiên, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của bão lũ, nhà vườn bị thiệt hại nặng, cửa hàng phải tự bỏ tiền ra hỗ trợ thêm cho người dân. “Dù kinh doanh gặp khó khăn nhưng cửa hàng vẫn cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh để giới thiệu người dân làm quen với việc sử dụng sản phẩm sạch theo phương pháp hữu cơ. Ngoài việc hỗ trợ của cửa hàng, chúng tôi mong muốn chính quyền thành phố quan tâm hỗ trợ nhà vườn có điều kiện duy trì sản xuất sau đợt mưa bão vừa qua”, chị Nguyệt Anh đề xuất.

Là đơn vị cung cấp thực phẩm cho 240 trường mầm non và tiểu học trên địa bàn Đà Nẵng, việc bảo đảm an toàn thực phẩm luôn được Công ty TNHH Đắc Vinh đặt lên hàng đầu. Ông Phạm Đắc Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Đắc Vinh cho biết, trong mùa mưa bão và lũ lụt, việc sản xuất rau củ quả của các nhà vườn gặp khó khăn dẫn đến thực phẩm khan hiếm. Để bảo đảm nguồn cung cấp bình quân 7-8 tấn thịt và rau củ quả/ngày, công ty phải ký kết hợp đồng với nhiều đơn vị uy tín ở các vùng không bị ảnh hưởng bão lụt. “Mình phải lấy hàng từ nhiều nơi để khi gặp trục trặc thì không bị hụt hàng. Trước đây, công ty cũng ký kết hợp đồng sản xuất với nông dân Hòa Vang nhưng do thời tiết không thuận lợi nên không sản xuất được. Nhiều chủng loại rau công ty cần họ không thể đáp ứng vì trẻ em cần những loại rau khác với rau dành cho người lớn. Vấn đề thực phẩm ngày càng nhạy cảm nên công ty luôn chú trọng quy trình nhập hàng và kiểm tra chặt chẽ. Đặc biệt, công ty chỉ ký hợp đồng cung cấp rau củ quả và thịt với những đơn vị uy tín, có thương hiệu và nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Hiện chưa có máy đo kiểm tra sản phẩm nên mình chỉ biết cố gắng làm những gì tốt nhất có thể!”, ông Vinh khẳng định.

Hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất

Trong thời gian qua, các nhà vườn trên địa bàn thành phố thiệt hại khá lớn do mưa bão, kéo theo là ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nông sản cho các đơn vị kinh doanh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn thành phố có khoảng 25,5ha rau các loại bị thiệt hại, tập trung chủ yếu ở các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang. Bên cạnh đó, huyện Hòa Vang và quận Sơn Trà có khoảng 33,17ha cây ăn quả bị ngã đổ. Đặc biệt, bão số 9 làm hư hỏng, bay mái che, xiêu vẹo nhà màng trồng rau công nghệ cao của HTX Rau hoa củ quả Hòa Vang và Công ty Greentech ở xã Hòa Khương. Để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, sở đang phối hợp với các quận, huyện thống kê, thẩm định thiệt hại để trình UBND thành phố hỗ trợ đối với các diện tích sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, hội nông dân các cấp của thành phố cũng tích cực hỗ trợ bà con nông dân khôi phục sản xuất, ổn định kinh tế. Ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết, để bà con yên tâm sản xuất, thời gian qua, Hội Nông dân thành phố triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ. Cụ thể, đối với những dự án vay vốn qua “kênh” Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội tiến hành lập hồ sơ gia hạn nợ theo đề xuất của Hội Nông dân các quận, huyện.

Cùng với việc khảo sát lập hồ sơ giải ngân vốn, Hội Nông dân thành phố còn kêu gọi cán bộ, hội viên, nông dân tham gia đóng góp ủng hộ nông dân Đà Nẵng và đồng bào các tỉnh miền Trung bị lũ lụt với nguồn kinh phí 100 triệu đồng. Hội đã hỗ trợ 1.500 con gà giống, 500 cây mít Thái Lan giống, bưởi da xanh để hội viên, nông dân bước đầu ổn định sản xuất nông nghiệp; đồng thời vận động nông dân chuẩn bị tốt khâu chuẩn bị giống tại nhà để khi có điều kiện thuận lợi sẽ chủ động tổ chức xuống giống; trong đó tập trung vào các loại cây rau màu ngắn ngày, gia cầm nhằm phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.