Đà Nẵng cuối tuần

VÌ TÌNH YÊU ĐÀ NẴNG

Nhân lên những việc làm tử tế

09:14, 28/11/2020 (GMT+7)

Bằng sự quan tâm, chia sẻ với cộng đồng, những nhân vật trong bài viết này đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về lòng trắc ẩn, tình yêu thương, để những việc tử tế tiếp tục lan tỏa...

1. Qua điện thoại, ông Hoàng Thùy Bơ (SN 1962, trú khu dân cư Nại Hưng 3B, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) khéo léo từ chối khi tôi ngỏ ý muốn viết về ông. Ở phường ven vịnh này, không ai không biết ông Bơ mỗi tháng đôi lần đeo máy cắt đi quanh khu vực, lô đất trống để “trảm” những bụi cỏ dại mọc trên vỉa hè. Cỏ cắt xong được ông gom lại thành đống gọn gàng, sạch sẽ. Lưỡi cưa này mòn, ông bỏ tiền mua lưỡi cưa khác, cứ thế cần mẫn với công việc không lương với mong muốn khu phố nơi mình sinh sống ngày một đẹp hơn.

Lớp học tình thương của cô giáo Trần Thị Ngọc Diệp. Ảnh: T.Y
Lớp học tình thương của cô giáo Trần Thị Ngọc Diệp. Ảnh: T.Y

Ông Bơ không lên lịch cụ thể cho những buổi cắt cỏ miễn phí của mình. Mỗi khi thấy cỏ lên quá mặt vỉa hè một đoạn thì ông chủ động mang máy đi cắt. Trong suy nghĩ của người cựu chiến binh này, mình làm được gì cho khu phố thì làm, từ chuyện cắt cỏ miễn phí đến đi quanh gỡ mấy tờ giấy quảng cáo dán trên cột điện. Không ít lần chạy xe máy trên đường, thấy bịch rác, vỏ lon hay hộp giấy… nằm lăn lóc bên vệ đường, ông chủ động dừng xe, cầm lên và mang đến thùng rác gần nhất. Theo ông, đó chỉ là thói quen, không cần ai nhìn thấy hay ghi nhận.

Câu chuyện làm sạch môi trường ngày một lan tỏa ở Đà Nẵng, như sự xuất hiện của nhóm “Dọn rác Sơn Trà” hay CLB Môi trường nhí ở khu dân cư Bình Phước (phường Thuận Phước, quận Hải Châu). Những thành viên trong các đội, nhóm này thường xuyên tập hợp, rủ nhau đi nhặt rác trong sự rộn ràng, vui tươi của tuổi trẻ.

Ông Phạm Công Lương, “cha đẻ” của CLB Môi trường nhí nói trên, có cách dẫn dụ tụi nhỏ tham gia việc thu gom rác thải rất thú vị. Ông chủ động lập đội bóng nhí trong khu vực rồi gợi ý chúng rủ nhau nhặt rác bán lấy tiền trả phí thuê sân bóng. Được động viên, tụi nhỏ lập tức tham gia. 

 
     Với họ, hạnh phúc đ ơn giản là cho đi và lan tỏa tình yê u thương

Từ năm 2018, trong mắt trẻ em khu dân cư Bình Phước, rác không còn là thứ bỏ đi, vứt vương vãi trên đường mà trở thành kinh phí thuê sân bóng, thành quỹ giúp đỡ người khó khăn, tàn tật, già yếu neo đơn. Không những thế, rác đã thành sách, thành vở, thành dụng cụ học tập mà các thành viên CLB Môi trường nhí chia sẻ với những người bạn khó hơn trong khu phố. Ông Lương nói, niềm vui lớn nhất của ông là nhìn tụi nhỏ ngày càng ý thức hơn trong chuyện bảo vệ môi trường, xem việc đi nhặt rác, phân loại rác và giúp đỡ người khác là niềm vui. “Ý thức nếu được trui rèn từ thuở nhỏ sẽ giúp các em có trách nhiệm và mục tiêu sống tốt đẹp hơn trong tương lai”, ông Lương hy vọng.

Thời gian qua, cơn bão số 9 và cơn bão số 13 để lại trên bãi biển Đà Nẵng hàng tấn rác thải và cành củi mục. Không chờ cơ quan chức năng phát động, ngay khi bão tan, từng nhóm bạn trẻ, người dân kéo nhau ra khu vực bãi biển phụ giúp lực lượng vệ sinh môi trường dọn dẹp, thu gom. Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng chia sẻ, sự tham gia của đông đảo tình nguyện viên đã rút ngắn thời gian dọn dẹp bãi biển. “Chỉ vài ngày sau bão, hàng chục km bờ biển lại sạch đẹp khi rác, cành cây nhanh chóng được thu gom, vận chuyển đi nơi khác. Có thể nói, sự tham gia đầy trách nhiệm của cộng đồng phần nào cho thấy tình yêu của họ dành cho môi trường và dành cho Đà Nẵng”, ông Vũ chia sẻ.

2. Bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng mỗi ngày phục vụ hơn 60 suất ăn trưa và tối cho bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của mạnh thường quân. Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 nên việc duy trì bếp ăn này không dễ.

“Covid-19 diễn ra khiến các nguồn tài trợ của chúng tôi bị hao hụt nghiêm trọng. Dù vậy, bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo vẫn phải duy trì vì nếu gián đoạn thì bà con đã khó lại càng thêm khó”, bà Nguyễn Thị A, nguyên Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu bộc bạch. Đồng hành với bệnh nhân nghèo, từ đầu năm đến nay, bà A dù đã nhận quyết định nghỉ hưu nhưng vẫn không từ bỏ công việc quen thuộc là ngày ngày đến chợ Hòa Khánh thu gom rau củ, thịt cá, hàng gia vị mang đến bếp ăn. Số rau củ này phần lớn do các thành viên CLB Từ thiện nhân ái - là những tiểu thương đang buôn bán tại chợ Hòa Khánh - dành tặng.

“Mỗi khi đưa tay nhận một phần rau củ hay thịt cá, tôi đều nghĩ sẽ nấu món gì với nó cho ngon nhất. Không chỉ tôi mà tất cả chị em đứng bếp đều mong muốn bếp ăn luôn đỏ lửa với những món ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng dành tặng bệnh nhân nghèo”, bà A cho hay.

Nhiều nhóm trẻ tình nguyện dọn dẹp rác thải ở khu vực sông Hàn. Ảnh: T.Y
Nhiều nhóm trẻ tình nguyện dọn dẹp rác thải ở khu vực sông Hàn. Ảnh: T.Y

Không ít “mạnh thường quân” của bếp ăn là người bán hàng rong hoặc buôn bán vỉa hè. Họ mang đến từng bao gạo, từng gói muối, chai dầu ăn với niềm vui được yêu thương, chia sẻ với những người bất hạnh hơn. Như chị Trần Thị Nguyệt, chủ một sạp trái cây nhỏ trên đường Nam Cao (quận Liên Chiểu) thỉnh thoảng gửi đến bếp ăn một bao gia vị hay vài gói bánh, trái cây để bệnh nhân tráng miệng sau bữa ăn; hay đó là tấm lòng của ông Nguyễn Văn Dũng (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) khi duy trì việc hỗ trợ mỗi ngày vài kg thịt, cá cho bếp ăn từ ái này.

Như một câu chuyện đẹp được lan tỏa yêu thương, “Bếp ăn vạn tình” được biết đến nhiều hơn trong những ngày Đà Nẵng căng mình chống Covid-19. Ngay giữa thời điểm hàng ngàn người lao động, bán hàng rong, bán vé số lâm vào cảnh thất nghiệp thì những suất ăn miễn phí đã làm ấm lòng biết bao gia đình nghèo.

Ông Hồ Ngọc Thanh, phụ trách “Bếp ăn vạn tình” cho biết, trong thời điểm ấy, nhóm bếp của ông nhận được sự hỗ trợ, tiếp sức từ rất nhiều người. Có thời điểm, mỗi ngày “Bếp ăn vạn tình” chuẩn bị gần 1.000 suất cơm vẫn không đủ nhu cầu của người dân bị ảnh hưởng Covid-19. Ông Thanh chia sẻ: “Đó là những ngày buồn nhưng rất đẹp bởi chúng tôi nhìn thấy rất nhiều tấm lòng tử tế hòa chung vào không khí chia sẻ, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau”.

3. Khi gia đình đã bỏ cuộc, chấp nhận cho Đỗ Hoàn Thiện (13 tuổi, trú ở tổ 87, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) nghỉ học vì mắc bệnh chậm tiếp thu, thường xuyên ở lại lớp, có người “mách nước” người thân nên đưa Thiện đến học tại lớp học tình thương của cô giáo Trần Thị Ngọc Diệp. Cô Diệp về hưu hơn 10 năm nay nhưng lớp học tình thương tại địa chỉ 101 Ngô Trí Hòa vẫn luôn mở cửa đón học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Thiện đến học với cô Diệp sau vài tháng thì nét chữ đã vuông vức, ghép được vần, biết làm Toán và đều đặn đến lớp mỗi ngày. “Khi gia đình mang các con đến gửi nghĩa là họ cần mình, mấy đứa nhỏ mỗi đứa một hoàn cảnh nhưng ham học và chăm. Khả năng mình tới đâu thì góp tới đó, chỉ mong các con không bỏ học để có tương lai tốt đẹp hơn”, cô Diệp chia sẻ.

Hơn 10 năm, lớp học tình thương của cô giáo Trần Thị Ngọc Diệp tiếp nhận hàng trăm học trò nghèo, khiếm khuyết, tự kỷ, tăng động theo học. Để giữ chân học trò, cô Diệp thường xuyên động viên, khuyến khích học trò bằng những món quà nhỏ cũng như luôn quan tâm đến quần áo, sách vở các em. Cách đây mấy hôm, cảm động trước tình cảm của cô Diệp dành cho học trò nghèo, ông Trần Văn Mạnh - chủ quán cà phê Ý Lan đã mang đến tặng lớp học 3 triệu đồng mua sách vở, dụng cụ học tập mới.

Trò chuyện cùng cô giáo Diệp, tôi cảm nhận được rằng chuyện mở lớp học miễn phí xuất phát từ sự yêu thương học trò, tuyệt nhiên không có sự toan tính hoặc nghĩ rằng mình đang hy sinh vì một điều gì đó. Hay với ông Hoàng Thùy Bơ, chuyện quanh năm mang máy đi cắt cỏ cũng chỉ là chuyện nhỏ, không đáng để kể tên hoặc để người khác tri ân. Với họ, hạnh phúc đơn giản là cho đi và lan tỏa tình yêu thương cũng như ý thức bảo vệ môi trường.

TIỂU YẾN

.