Đà Nẵng cuối tuần

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB): Các nước nghèo phải giảm nợ vì Covid-19

16:30, 28/11/2020 (GMT+7)

Trong bài trả lời phỏng vấn độc quyền báo Asia Nikkei Review mới đây, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass nhận định, thế giới sẽ phải mất nhiều năm nữa để phục hồi nền kinh tế trở lại như giai đoạn trước khủng hoảng Covid-19.

Trong sự nghiệp của mình, ông David Malpass đã gặp gỡ hơn 100 nhà lãnh đạo tại các nước đang phát triển. Ảnh: AFP
Trong sự nghiệp của mình, ông David Malpass đã gặp gỡ hơn 100 nhà lãnh đạo tại các nước đang phát triển. Ảnh: AFP

Các nước nghèo sẽ khó khăn hơn

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra theo hình thức trực tuyến mới đây, đại diện các bên tham dự đã có một thỏa thuận mới về tái cấu trúc nợ chính phủ (nợ công) cho các nước thu nhập thấp. Theo ông David Malpass, đây là vấn đề tiềm ẩn rủi ro rất lớn với nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính toàn cầu. Ông cho rằng, ngay từ trước đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia trong số những nước nghèo nhất thế giới thuộc diện vay nợ nhiều tới mức gánh nặng nợ công thực sự đang phá hủy cũng như gây cản trở cơ hội, khả năng thu hút các dự án đầu tư mới của họ.

Nếu không giảm nợ công, các nhà đầu tư mới sẽ ngại ngần tìm đến, và quốc gia mắc nợ vốn đã khó khăn thì càng có nguy cơ vướng thêm vào một loạt khoản nợ mới thông qua quá trình tái cấu trúc nợ. “Khi đại dịch xảy ra, tất cả những gánh nặng nợ nần này trở nên nặng nề hơn với người dân tại những nước đó”, ông Malpass nói. “Thách thức hiện nay là phải tạo ra giải pháp giảm nợ lâu dài, điều này có nghĩa là phải giảm bớt số nợ thực tế và kéo mọi chủ nợ cùng tham gia công cuộc đó”, Chủ tịch WB nhận định.

Một trong những chủ nợ lớn nhất thế giới hiện nay là Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai đang bắt đầu tham gia nhiều hơn, với quy mô rộng hơn vào quá trình tìm giải pháp tháo gỡ nợ công cho nhiều quốc gia là “con nợ” của họ. Chẳng hạn, trong tuần này, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã tạm dừng yêu cầu thanh toán tiền lãi các khoản vay với Zambia, tạo cơ hội cho dòng tiền chảy vào quốc gia Đông Phi suôn sẻ hơn. Song, lãi suất các khoản vay của Trung Quốc về cơ bản thường cao hơn các định chế tài chính khác. Tại Ecuador, các gói vay của Trung Quốc đều có lãi suất hơn 7%. Trong khi đó, lãi suất vay của WB thường ở mức rất thấp, hiện là 0,3%/năm cộng thêm khoản phí.

Hồi tháng 4, WB đã thiết lập cơ chế hỗ trợ y tế khẩn cấp, nhanh chóng cho các nước nghèo nhất, tính tới nay là 112 quốc gia thuộc nhóm các nước đang phát triển. Khoản hỗ trợ tài chính của WB giúp những nước này trang bị khẩu trang và các thiết bị y tế cho phòng cấp cứu. Ngoài ra, WB cũng đã mở rộng các hỗ trợ lên tới 12 tỷ USD để giúp các nước mua vắc-xin, liệu pháp điều trị Covid-19.

Nợ công cần minh bạch hơn

Chủ tịch WB chỉ ra một tồn tại lớn ở những nước có mức nợ công cao, đó là các hợp đồng vay nợ thường không minh bạch. Chẳng hạn, các điều khoản hợp đồng như lãi suất vay, kế hoạch trả nợ, hay những khoản phải ký quỹ, thế chấp theo yêu cầu hợp đồng đều không được công khai. Do đó, theo ông Malpass, khi thế giới bước vào giai đoạn 2021-2022, một trong những điều quan trọng nhất cần thúc đẩy là sự minh bạch trong tiếp cận thị trường. Thông qua sự minh bạch đó, người dân ở những quốc gia này sẽ biết các nhà lãnh đạo của họ đã ký những hợp đồng vay nợ nào và với các điều khoản cụ thể ra sao.

Bằng cách đó, sẽ có cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn với những thị trường mà rốt cuộc các khoản vay đó sẽ thực sự giúp các nước phát triển thay vì sa vào những bẫy nợ.

Ông Malpass cũng điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới bớt tiêu cực hơn so với dự báo WB đưa ra hồi tháng 6, căn cứ vào thực tiễn tăng trưởng đã cải thiện hơn tại các nền kinh tế phát triển. Dù vậy, với nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là những nước nghèo nhất, ông Malpass cho biết, các dự báo suy thoái kinh tế thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều so với những dự đoán trước. “Khi chúng ta nhìn vào năm 2021, có thể có sự phục hồi nhất định, nhưng sẽ phải mất vài năm nữa để trở lại mức trước đại dịch. Những gì chúng ta đang nỗ lực nhất lúc này là tạo ra một nền tảng để sự phục hồi được bền vững”, ông Malpass nói.

Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý tác động rất quan trọng và thiết yếu với nền kinh tế các nước của việc phân phối, tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 sau khi có một loại khả dụng. Cùng với đó là việc mở lại trường học và các thị trường vốn đã đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng kể từ đầu đại dịch tới nay. Ông Malpass nhấn mạnh lộ trình thiết yếu để các nước phục hồi kinh tế thành công là phải có một hệ thống phân phối vắc-xin hợp lý, hiệu quả tới những người cần nó nhất.

Các nước châu Á được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế Trung Quốc

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho rằng, tất cả các quốc gia tại châu Á đều đang được hỗ trợ từ sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc do những quan hệ thương mại gần gũi giữa các bên. Ông đặc biệt lưu ý Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết hồi tuần trước, cho rằng đây là nền tảng để mở rộng hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Á.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Asia Nikkei Review)

.