Truyền thông dân số: Mưa dầm thấm lâu

.

Trong thời đại công nghệ số 4.0, người dân tiếp cận thông tin bằng nhiều phương tiện hiện đại nên việc tuyên truyền thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khu vực nông thôn và vùng ven biển.

Bác sĩ khám và tư vấn sức khỏe cho phụ nữ xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Ảnh: Đ.H.L
Bác sĩ khám và tư vấn sức khỏe cho phụ nữ xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Ảnh: Đ.H.L

Vẫn còn khó khăn

Nằm gần trung tâm thành phố nhưng phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) thuộc vùng ven biển, lại có nhiều khu chung cư dành cho những người thu nhập thấp. Do đó, việc vận động bà con tham gia các buổi truyền thông dân số - KHHGĐ không hề đơn giản.

Chị Trần Hà Thị Minh Nguyệt, cán bộ dân số Trạm Y tế phường Nại Hiên Đông cho biết, hiện phường có 104 tổ dân phố, 56 khu chung cư bao gồm chung cư dành cho cán bộ, những người thu nhập thấp, thương mại và gia đình chính sách. Đối với cán bộ, họ tỏ ra hiểu biết nên khó tiếp cận, còn các khu chung cư thương mại thì các hộ dân luôn biến động.

Các khu chung cư dành cho người thu nhập thấp khá phức tạp vì họ đến từ nhiều quận khác nhau, đi làm phân tán ở nhiều nơi, tối về trễ nên tham gia không đầy đủ. Trong khi đó, những người đơn thân lại cho rằng họ không cần phải tham gia công tác tuyên truyền KHHGĐ nhưng họ vẫn sinh.

Hầu hết các buổi truyền thông dân số chủ yếu là đối tượng người dân thuần túy sinh sống, làm ăn trên địa bàn tham gia. “Việc mời người dân dự các buổi truyền thông dân số rất khó vì ai cũng cho mình quá hiểu biết về KHHGĐ rồi nên không cần nghe nhiều, nói nhiều. Những người có ý thức kém còn cho rằng tôi đẻ, tôi nuôi chứ mấy bà có nuôi đâu mà không cho tôi đẻ”, chị Nguyệt trăn trở.

Hiện phường Nại Hiên Đông là địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao nhất và cũng là nơi có hộ nghèo nhiều nhất quận Sơn Trà. Cuối năm 2019, phường có 482 hộ nghèo; tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm 4% tổng số sinh, giảm 0,23% so với kế hoạch.  

Một địa phương khác ở vùng nông thôn có tỷ suất sinh thô (CBR) khá cao là xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Chị Trần Thị Hạ, cán bộ dân số Trạm Y tế xã Hòa Châu cho biết, tỷ suất sinh thô bình quân của xã Hòa Châu cao hơn các xã miền núi khác là do trên địa bàn xã có 6 khu chung cư dành cho những người thu nhập thấp ở Cẩm Nam và khu tái định cư Bàu Cầu.

Đặc biệt, khu Cẩm Nam mặt bằng dân trí thấp, công việc của người dân không ổn định, nên nhận thức về công tác dân số của họ còn hạn chế. Đa số dân cư ở đây là các hộ nghèo, hộ khuyết tật. Một nửa số hộ dân có các chị trong độ tuổi sinh đẻ, công việc buôn bán không ổn định.

Trong khi đó, khu tái định cư Bàu Cầu có nhiều cặp vợ chồng trẻ đến ở. Cách đây 5 năm, khu này chỉ có khoảng 300 hộ, nay đã lên tới 700 - 800 hộ. Đây là khu tái định cư có mặt bằng dân trí cao và hầu hết các hộ dân đều có việc làm ổn định. “Do mật độ dân số tại các khu chung cư và khu tái định cư đông hơn trước nên các cộng tác viên (CTV) gặp khó khăn hơn trong việc quản lý.

Hiện nay, chủ trương không cho tăng thêm CTV nên các chị phải phân việc ra làm. Chúng tôi hướng dẫn các CTV quản lý theo tuyến đường để nắm rõ những hộ gia đình mới tới ở, từ đó tiếp cận đối tượng chặt chẽ hơn”, chị Hạ nhấn mạnh.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Theo ông Trần Văn Minh, Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, hiện nay công tác tuyên truyền dân số hiệu quả nhất vẫn là đến từng nhà tiếp cận từng đối tượng. Vì vậy, CTV dân số phải là người có uy tín trong cộng đồng và nhiệt tình với công việc. Để có đội ngũ chất lượng và tâm huyết, quận giao cho các phường chọn CTV phù hợp với địa bàn hoạt động. Tùy theo từng vùng, từng khu vực mà CTV có cách tuyên truyền sao cho hiệu quả, ví dụ như đối với vùng biển thì có cách tiếp cận khác với vùng cao.

Đến nay, toàn quận có 242 CTV kiêm nhiệm, mỗi CTV phụ trách từ 2-3 tổ dân phố. Hằng năm, các CTV được tập huấn các kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ, sức khỏe tiền hôn nhân, sức khỏe sinh sản… Để thực hiện truyền thông dân số thuận lợi, các phường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và CTV phân công quản lý địa bàn. Tùy theo đối tượng cụ thể để nắm bắt tình hình và có những phương pháp tuyên truyền, vận động thích hợp với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.

Chia sẻ cách tuyên truyền của mình, chị Trần Thị Hạ cũng cho biết, đối với các khu chung cư, xã giao cho nhà trưởng làm CTV dân số nên việc quản lý dân cư rất chặt chẽ, nhất là những phụ nữ sinh con một bề. Ngay từ đầu năm, xã triển khai cho các hộ gia đình ký cam kết không sinh con thứ ba trở lên. “Ngày nay, bên cạnh công nghệ thông tin hiện đại, dịch vụ y tế mọc lên nhiều nên chiến dịch truyền thông phải chất lượng thì mới thu hút được nhiều người tham gia.

Mỗi đợt truyền thông dân số, Trung tâm Y tế xã phải đặt bài tuyên truyền cho Đài truyền thanh xã, đồng thời mời các bác sĩ có chuyên môn về tư vấn nhằm tạo uy tín để người dân tham gia đông đủ. Nhờ đó, mỗi đợt truyền thông thu hút từ 250-270 người tham gia. Nhiều chị em đã được cập nhật kiến thức về các biện pháp tránh thai, sàng lọc trước và sau sinh, sức khỏe sinh sản vị thành niên...”, chị Hạ giải thích.

Ông Phan Phụng Trung, Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cho biết, xác định Hòa Vang là huyện nông thôn nên Trung tâm Y tế huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền dân số tiếp thị các dụng cụ tránh thai; đồng thời phối hợp với các trạm y tế xã đưa dịch vụ đến với người dân.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả các đề án kiểm soát cân bằng giới tính khi sinh, đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đề án sàng lọc trước sinh và sau sinh, đề án tiếp thị xã hội và xã hội hóa các phương tiện tránh thai.

Hằng năm, triển khai tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho 286 CTV dân số do Trung tâm Y tế huyện và Chi cục Dân số - KHHGĐ thành phố thực hiện. “Công tác dân số trong tình hình mới hiện nay là đẩy mạnh tuyên truyền về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tập trung khám sàng lọc trước và sau sinh để nâng cao thể chất của người Việt Nam”, ông Trung nhấn mạnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, thành phố Đà Nẵng có 6.176 trẻ chào đời (giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó có 273 trẻ là con thứ 3 trở lên, giảm 0,7% so với cùng kỳ. 1/7 quận, huyện có mức sinh cao (tổng tỷ suất sinh - TFR trên 2,2 con: huyện Hòa Vang 2,43). 5/7 quận, huyện có mức sinh thấp (TFR dưới 2,0 con: Liên Chiểu 1,47, Cẩm Lệ 1,57, Hải Châu 1,87, Thanh Khê 1,93 và Sơn Trà 1,98). Tỷ số giới tính khi sinh: 105,4 (3.169 bé trai/3.007 bé gái. Tính đến 30-6-2020, toàn thành phố có 1.133.285 người.

(Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình)  

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.