Con đường Văn học ở New York

.

Công viên Trung tâm (Central Park) ở thành phố New York (Mỹ) là địa chỉ nổi tiếng mà hầu như du khách nào, cả trong và ngoài nước Mỹ, đều mong muốn có một lần đến dạo chơi, chiêm ngưỡng.

Con đường Văn học (tạm dịch: Literary Walk) là một trong 5 con đường đẹp nhất của Công viên Trung tâm (Central Park) ở thành phố New York (Mỹ). Ảnh: alamy.com
Con đường Văn học (tạm dịch: Literary Walk) là một trong 5 con đường đẹp nhất của Công viên Trung tâm (Central Park) ở thành phố New York (Mỹ). Ảnh: alamy.com

Nhìn trên bản đồ, đây là một khối hình chữ nhật khá vuông vức với chiều dài khoảng 4km, rộng khoảng 0,8km. Nó giống như một dải đất “rừng trong phố” với 26.000 cây xanh được trồng chen lẫn trên tổng diện tích 843 mẫu Anh (tương đương khoảng 3,41km2). Central Park được coi là lá phổi của một thành phố đông đúc với hơn 8 triệu dân (chưa kể khách vãng lai), nơi sở hữu số lượng những tòa nhà chọc trời nhiều nhất nước Mỹ.

Central Park có rất nhiều nét độc đáo, có nhiều điều đáng nhớ. Nhưng đối với những người yêu thích văn chương, có một điều gây ngạc nhiên thích thú, đó là giữa một công viên rộng lớn với bộn bề sắc màu cuộc sống, lại có một con đường được đặt tên là Literary Walk (tạm dịch: Con đường Văn học).
Theo những tài liệu hướng dẫn tìm hiểu về Central Park, Con đường Văn học là một trong 5 con đường đẹp nhất của Công viên.

Đó là những con đường rộng và phẳng, thoáng đãng nhất trong công viên. Riêng với Con đường Văn học, đây không chỉ là nơi để người ta có thể đi lại, ngắm cảnh, mà cảm giác khi dạo bước nơi đây như lạc vào một không gian bình yên tĩnh lặng và khoáng đạt cùng những hàng cây cổ thụ già nua, những hàng ghế gỗ khung sắt với những đường nét hoa văn mang vẻ cổ điển đầy ấn tượng, và đặc biệt là những pho tượng của các nhà văn cổ điển nổi tiếng.

Về những pho tượng trong công viên, có thể nói rải rác các khu vực nơi nào cũng có nhằm tôn vinh từ những người có công trong lịch sử nước Mỹ, đến những nhà văn, nhạc sĩ như Christian Andersen, Beethoven, đến cả nhóm tượng Romeo và Juliet...

Nhưng có lẽ lý do chính để con đường này mang tên là Con đường Văn học vì dọc theo hai bên đường chỉ gồm những pho tượng của các tác giả và nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử văn học thế giới như William Shakespeare, Walter Scott, Robert Burns. Có lẽ ý đồ của những người xây dựng con đường này là muốn tôn vinh những tác gia viết bằng tiếng Anh, thứ ngôn ngữ chính thống của cộng đồng dân chúng Mỹ. Hầu hết những tác giả này đều đã quen thuộc với độc giả Việt Nam qua những bản dịch từ rất sớm.

William Shakespeare (1564-1616) được coi là kịch tác gia vĩ đại nhất mọi thời đại với những tác phẩm cực kỳ nổi tiếng như Romeo và Juliet, Macbeth, Hamlet, Đêm thứ mười hai… Walter Scott (1771-1832) - tiểu thuyết gia và thi hào lỗi lạc với nhiều tác phẩm được coi là đại diện cho nền văn học cổ điển của Anh như: Ivanho, Rob Roy, Trái tim của Midlothian... Robert Burns (1759-1796) được coi là nhà thơ dân tộc Scotland và được tôn vinh trên toàn thế giới bởi phần lớn các tác phẩm của ông viết bằng tiếng Anh có mang một ít phương ngữ Scots nhẹ, có thể tiếp cận với công chúng rộng rãi.

Trên một đoạn đường ngắn nhưng chỉ với chừng ấy pho tượng hoành tráng của những tác gia nổi tiếng đã cho thấy một không gian văn học bao trùm trong tâm tưởng của những người từng dạo bước qua đây.

Những ngày Covid-19 đang lan khắp nước Mỹ, chắc hẳn Công viên Trung tâm vắng khách tham quan. Nhưng riêng với người dân New York, đây lại là cơ hội để họ có thể thoải mái dạo chơi trong những cánh rừng, bên những hồ nước, hay có thể ngồi hàng giờ bên những hàng ghế đá cạnh những tượng đài danh nhân rải rác khắp công viên. Những người yêu thích môn chạy đường dài có thể thỏa sức tung hoành trên những con đường mòn vốn dành cho người đi bộ (có tổng độ dài đến 58 dặm, bằng khoảng 93km).

Đặc biệt, những người yêu thích môn thể thao xe đạp tha hồ cưỡi xe theo những con dốc lượn vòng, hoặc những đoạn quanh co ven hồ, hoặc men theo những cánh rừng nhỏ. Và, những người ưa tĩnh lặng có thể thả hồn trong những phút giây sống chậm bên Con đường Văn học với những hồi ức khó quên về những cảnh ngộ, những tính cách nhân vật văn học mà mình đã từng trải nghiệm.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.