Đà Nẵng cuối tuần

Thương hoài mùa bình bát

08:35, 13/09/2020 (GMT+7)

Là người con lớn lên ở miệt sông nước nên trong tôi luôn nuôi dưỡng nhiều ký ức về mảnh đất miền Tây. Dù xa quê đã lâu, nhưng thi thoảng tôi vẫn trở về quê những khi có dịp. Mỗi lần như thế, tôi thích tìm mua hoặc hái nhiều loại trái cây quê dân dã như trái nhãn lồng, trái thù lù nút áo, trái cà na, và bình bát - loại trái đã gắn liền với cả một thời thơ ấu.

Hoa bình bát nở vào tháng 5-6 và kết quả vào tháng 7-8. Ảnh: thuocdantoc.org
Hoa bình bát nở vào tháng 5-6 và kết quả vào tháng 7-8. Ảnh: thuocdantoc.org

Chẳng biết cây bình bát xuất hiện tự khi nào. Tôi chỉ ấn tượng về cây bình bát quê tôi bởi nó mọc ở những nơi có kênh rạch chằng chịt, vùng đất thấp ven sông, dọc hai mé kênh. Tôi nhớ câu ca dao: Lựu, lê, bình bát, mãng cầu/ Bốn cây tứ quý, anh sầu một cây.

Ở quê tôi, cây bình bát đến mùa trổ bông có màu trắng tô điểm khắp hai bên mé sông. Tôi còn ấn tượng bởi cánh hoa bình bát có hình trái tim, điểm xuyết chung quanh rất nhiều chiếc lá màu xanh đậm, trông đẹp mắt. Bông bình bát sẽ cho quả non màu xanh. Hồi đó, chúng tôi đứa nào cũng nghịch, tụm ba tụm bảy kéo nhau đi hái bông bình bát. Hễ thấy bông nào đẹp nhất thì với tay hái cho bằng được, rồi chỉ đơn giản là để thả trôi theo dòng nước. Đến khi bình bát chín thì mỗi đứa lại giành nhau leo cây để hái trái.

Tôi vẫn nhớ, trẻ con chúng tôi hồi đó thích đi dọc theo mé kênh, rạch hoặc bơi xuồng để tìm trái bình bát chín. Cây bình bát quê tôi hầu như cho trái quanh năm, nhưng rộ nhất vẫn là thời điểm miền Tây bước vào mùa nước nổi. Trái bình bát tròn, da láng. Khi chín, trái ngả sang màu vàng tươi. Chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua cũng đủ làm những trái bình bát chín cây rụng ngay xuống đất, vàng dọc khắp mé sông. Hoặc hễ cứ thấy trái nào hườm hườm là từng đứa tranh thủ hái, sau đó chia nhau mang về ủ trong lu gạo, vài ba ngày là chín. Cầm trái bình bát chín cây trên tay, tôi thích đặt nhẹ lên mũi, hít một hơi thật dài. Hương thơm nhẹ nhàng khoan khoái ấy lưu luyến trong tôi mãi không phai.

Bình bát chín, chúng tôi bẻ ra ăn ngay tại chỗ để cảm nhận trọn vẹn cái vị vừa ngọt, vừa có mùi thơm đặc biệt. Hoặc cầu kỳ hơn, mang những trái bình bát chín về nhà, sau đó gọt vỏ, bỏ vào ly, rồi dầm với đá, đường. Má tôi còn làm sạch vỏ, ướp ít đường cát hay đường phèn, trộn đều rồi đợi đêm xuống phơi ngoài trời để hứng sương đêm. Sáng hôm sau được ly bình bát ngọt lịm và mát lạnh. Đây là một trong những thức uống giúp chúng tôi giải khát vào những trưa nắng oi bức ngày ấy.

Ảnh: thuocdantoc.org
Ảnh: thuocdantoc.org

Tuy bình bát là loại trái hấp dẫn bởi hương và vị nhưng nhiều đứa trẻ trong chúng tôi khi đó không đủ kiên nhẫn để ăn bình bát. Bởi lẽ, đây là loại trái có thịt rất mỏng, lại nhiều hạt và khi ăn phải chịu khó lừa từng hạt mới lấy được phần cơm mỏng. Thế nhưng, chính vị thanh mát cùng hương thơm thoang thoảng đặc trưng của trái bình bát rất kích thích vị giác, nên dù có đi xa mấy, chúng tôi cũng chẳng thể nào quên. Có lúc bồi hồi nhớ tiếng võng kẽo kẹt với lời ru ngọt ngào của mẹ: À… ơi! Xa quê vẫn nhớ quê nhà/ Nhớ trái bình bát… à… ơi…, nhớ trái bình bát đậm đà ngọt ngon.

Giờ đây, mỗi khi có dịp trở về quê, đi trên con đường quê rợp bóng tre ngà, lâu lâu tôi đứng lại ngẩn ngơ ngó bên kia sông vì không còn bắt gặp hình ảnh trái bình bát đong đưa hiên ngang trên cành. Những hàng bình bát năm nào mọc ngay mé sông giờ cũng không còn nhiều bởi một số vùng đã đô thị hóa hiện đại hơn xưa. Những người con xa quê như tôi thật khó để tìm về một mùa nước nổi năm xưa. Tất cả còn lại chỉ là những ký ức tươi đẹp của một thời tuổi thơ chẳng thể phai nhòa. Tôi bồi hồi nhớ câu ca dao mà má tôi hay nói thuở xưa: Hương thôn sâu nặng nghĩa tình/ Xa quê vẫn nhớ vị bình bát quê.

DIỆU LINH

.