Đà Nẵng cuối tuần

Tết Trung thu rước đèn đi chơi

13:41, 20/09/2020 (GMT+7)

Còn vài ngày nữa là Tết Trung thu. Trăng non soi chiếu những nụ cười hồn nhiên của lũ trẻ giữa rộn rã “cắc-tùng”, xúm tụm nhau tập tành múa lân, gõ trống. Và trong hằng hà sa số những khoảnh khắc đẹp tạo nên mùa Trung thu đáng nhớ, sẽ luôn là chiếc đèn ông sao, là bánh dẻo, bánh nướng, là ánh mắt dõi theo những điệu nhảy lân, rồng…

Người dân ngắm đoàn lân nhảy múa trên đường phố Đà Nẵng mùa Trung thu năm 2019. Ảnh: ĐÀO QUANG TUYÊN
Người dân ngắm đoàn lân nhảy múa trên đường phố Đà Nẵng mùa Trung thu năm 2019. Ảnh: ĐÀO QUANG TUYÊN

Vui cùng con trẻ

Vào khoảng thời gian này năm ngoái, cậu bé Nguyễn Văn Phúc (trú tổ 90, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) được ba dẫn đi mua đầu lân mới, í ới gọi bạn bè tập trung dưới sân chung cư tập theo điệu trống lân. Những tràng cười vui nhộn xen lẫn giữa tiếng “cắc-tùng” rộn rã một góc sân. Sinh sống tại khu chung cư này toàn vợ chồng trẻ, tối tối dẫn con nhỏ xuống sân hóng gió, ngắm trăng và xem trẻ em tập múa.

Năm nay, Covid-19 khiến công việc của anh Nguyễn Văn Quý - ba Phúc - tại chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang bị ảnh hưởng. Nhu cầu tiêu thụ hải sản ở Đà Nẵng giảm mạnh nên những chuyến ngược xuôi thồ hàng của anh Quý không đủ trả tiền xăng xe.

Vì thế, Trung thu này, anh Quý không thể dẫn con đi mua đầu lân. Anh Quý nói mấy cha con quyết định “trùng tu” đầu lân cũ, căng lại lớp da trâu hai đầu trống, chỉ mua thêm mặt nạ ông địa và chiếc quạt phe phẩy làm vui. “Tuổi thơ mình dù cực khổ nhưng không Trung thu nào thiếu tiếng trống lân, hàng đêm rong ruổi cùng đoàn múa lân rảo qua các xóm. Vui Trung thu cùng con, cũng là tìm lại tuổi thơ cho mình. Cứ đầu tháng Tám âm lịch, thấy tụi nhỏ rộn ràng cũng hạnh phúc lắm”, anh Quý nói.

Không đứa trẻ nào có thể cưỡng lại màu sắc rực rỡ, đẹp đẽ và sinh động của những đầu lân. Ngay khi Đà Nẵng nới lỏng giãn cách xã hội, các cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ trên các tuyến đường: Trưng Nữ Vương, Hoàng Diệu, Ngô Gia Tự, Hùng Vương, Ngô Quyền, Ông Ích Khiêm đã rực rỡ sắc màu cùng đầu lân, trống tiểu, mặt nạ ông Địa, đèn ông sao, đèn lồng điện tử…

Đứng trước hàng chục đầu lân đủ kích cỡ tại cửa hàng Ngọc Hân nằm trên tuyến đường Hùng Vương, chị Nguyễn Thị Thu Hồng (trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cho biết, chị tranh thủ dẫn cậu con trai học lớp 5 Trường tiểu học Lý Tự Trọng đi sắm Tết Trung thu. “Sáng nay, nghe mẹ nói dẫn đi mua đầu lân, cu cậu háo hức lắm, ríu rít suốt quãng đường từ nhà đến đây, dặn mẹ phải mua cho em gái chiếc đèn lồng cá chép để đêm Trung thu hai anh em đi quanh xóm. Hai mẹ con phân vân không biết nên chọn đầu lân kim sa hay đầu lân lông cừu vì đầu lân kim sa có giá rẻ hơn nhưng chất lượng không bằng loại lông cừu, vẽ tay”, chị Thu Hồng chia sẻ.

Ông Phạm Anh Tuấn, chủ cửa hàng Ngọc Hân cho hay, giá các mặt hàng Trung thu năm nay vừa phải do sản xuất chủ yếu trong nước, tại các địa phương như Huế, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng đầy đủ đầu lân, trống, quần áo đi kèm, mặt nạ, quạt mo, xèng, đèn Trung thu, đèn ông sao, đèn lồng cá chép nhưng lo lắng nhu cầu người dân Đà Nẵng giảm mạnh do ảnh hưởng Covid-19 nên anh Tuấn chỉ nhập mỗi thứ một ít. Những ngày qua, số lượng người mua chưa nhiều, trung bình mỗi ngày cơ sở bán gần 10 sản phẩm, chủ yếu đầu lân mini có giá từ 100.000 - 300.000 đồng.

Đầu bếp Furama Resort tự tay chuẩn bị bánh dành tặng khách du lịch đón Trung thu tại Đà Nẵng.  Ảnh: TIỂU YẾN
Đầu bếp Furama Resort tự tay chuẩn bị bánh dành tặng khách du lịch đón Trung thu tại Đà Nẵng. Ảnh: TIỂU YẾN

Hương vị Trung thu trong lòng người Việt

Với chị Phan Hàn Linh (công tác tại Trung tâm Y tế quận Thanh Khê), Trung thu còn là dịp để chị vào bếp làm những chiếc bánh nướng dành tặng người thân. Chị bảo, bánh Trung thu tự làm có hương vị riêng, rất thú vị, là niềm vui không gì sánh bằng của người nội trợ. Năm nay, dù công việc của một bác sĩ nhi khá bận rộn nhưng chị Linh cũng tranh thủ làm một số bánh dẻo, bánh nướng với bột mì, bột nếp, đậu xanh, mứt dẻo, hạt dưa, hạt bí…

Những chiếc bánh nướng được chị tạo hình heo con, bông hoa qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ gốc Huế. “Dù bận nhưng tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội chăm sóc các thành viên trong gia đình bằng những chiếc bánh nướng tự làm. Tuy không đẹp, không sắc sảo nhưng bánh vừa ăn, thơm ngon, chứ không quá ngọt gắt. Quan trọng nhất vẫn là nguyên liệu an toàn, không chất bảo quản, lại nóng hổi, tươi mới, cộng thêm ánh mắt háo hức của người thân khiến việc làm bánh vui vẻ và thư giãn rất nhiều”, chị Linh bày tỏ.

Tự tay làm những chiếc bánh nướng thơm phức là niềm vui của nhiều phụ nữ Đà Nẵng trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống Covid-19. Chị Trần Thị Hòa (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) không ngần ngại livestream (phát trực tiếp) lên facebook cá nhân quá trình làm bánh trung thu, từ chuẩn bị nguyên liệu, làm nhân, vỏ bánh đến đưa bánh vào lò nướng, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Chị Hòa cho biết, trước khi bắt tay làm bánh, chị tham khảo thêm một số công thức mới được chia sẻ trên mạng xã hội, đi siêu thị mua các nguyên liệu cần thiết như hạnh nhân, hạt bí, hạt dưa, mè, thịt heo và các loại mứt dẻo…

“Làm bánh Trung thu khá vất vả vì có nhiều công đoạn từ nhào bột, cắt thịt, sên nhân, tạo hình cho bánh, nhưng tôi vẫn thích tự tay chuẩn bị từng nguyên liệu để làm nên chiếc bánh ngọt ngào, đẹp mắt. Gia đình tôi sẽ cùng nhau thưởng thức những chiếc bánh này trên sân thượng, dưới trăng thanh và gió mát. Nghĩ tới thôi đã thấy háo hức lắm rồi!”, chị Hòa nói.

Mê làm bánh từ thời con gái nhưng do công việc của một nhà tạo mẫu tóc khá bận rộn khiến chị Hòa ít có thời gian thử sức. Năm nay, ảnh hưởng Covid-19, salon tóc Trúc Hòa tạm thời đóng cửa, chị dành thời gian chăm sóc nhà cửa và vào bếp làm đủ loại bánh, từ bánh thuẫn, bánh bông lan đến bánh Trung thu.

Theo chị Hòa, có thể mua nguyên liệu làm bánh Trung thu ở siêu thị hoặc đặt online tại những trang thương mại điện tử uy tín. Khi làm bánh, chị không dùng phụ gia, phẩm màu và chủ động cân bằng độ ngọt, mặn theo khẩu vị gia đình; phá cách với những mẫu mã mới, tự do làm điều mình muốn. “Vui nhất vẫn là không khí mấy mẹ con cùng vào bếp làm bánh, chiếc to chiếc nhỏ không quan trọng, miễn là vui. Với bánh Trung thu không chất bảo quản, thời gian sử dụng trong khoảng 7-10 ngày. Đối với các loại bánh dẻo, có thể cho vào tủ lạnh để hạn dùng lâu hơn”, chị Hòa nói.

Tại Đà Nẵng, thị trường bánh Trung thu làm thủ công sôi động cả tuần nay, có thể kể đến một số cửa hàng được người tiêu dùng ưa chuộng như Tiệm bánh Vani, Click Bakery, Snow Cake, Cake Crush… với nhiều mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, nguyên liệu từ đơn giản đến phức tạp. Đặc biệt, chiếc bánh dẻo tại Snow Cake còn phảng phất sắc đỏ hồng tự nhiên của cánh hoa hồng khô, mang lại những cảm nhận mới lạ cho dòng bánh truyền thống.

Tại Cake Crush, Trung thu năm nay có thêm 5 hương vị độc quyền như thập cẩm chay, chocolate lava, trà sữa phô mai, trứng muối phô mai cam, trái cây hạt chia, được cam kết chế biến theo phương pháp thủ công, an toàn, không chất bảo quản.

Một số khách sạn lớn tại Đà Nẵng như Furama Resort, Novotel Danang Premier Han River, Vinpearl Condotel Riverfront Đà Nẵng… cũng bắt đầu làm các loại bánh nướng, bánh dẻo nhằm mang đến những trải nghiệm đáng nhớ cho khách du lịch đón Trung thu tại Đà Nẵng.

Từ lâu, Tết Trung thu trở thành dịp để các thành viên trong gia đình quây quần, sum họp dưới trăng. Dịp này, những đứa trẻ mong chờ được người lớn chở ra đường ngắm những đoàn lân nhảy múa trên các tuyến phố chính. Trong ký ức của anh Trịnh Quốc Dũng, công tác tại Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, khu vực miền Trung - Tây nguyên, Trung thu không chỉ vui ở mâm cỗ, mà vui ở không khí giành nhau phá cỗ hay ngắm những đoàn lân xập xình khắp nơi.

Anh Dũng cho rằng, trong xã hội hiện nay, lũ trẻ vốn đã quen “sống ảo” với điện thoại, càng cần không khí Tết Trung thu truyền thống, đúng nghĩa với lân, với đèn ông sao, đèn cá chép và hình ảnh ông địa hài hước có khuôn mặt luôn tươi cười, với cái bụng to, tay phất phơ cánh quạt dưới đêm trăng.

TIỂU YẾN

.