Quảng bá văn hóa Việt Nam bằng biểu tượng cảm xúc

.

Nguyễn Minh Ngọc (ảnh), du học sinh Việt Nam tại Singapore đã thực hiện bộ biểu tượng cảm xúc sử dụng trong các tin nhắn điện tử và website (emoji) “54 dân tộc anh em” - một phần của dự án “Nhỏ to Việt Nam” - nhằm đưa mọi người đến gần hơn với văn hóa Việt.

Tiếp cận văn hóa qua đồ họa

Vừa qua, cộng đồng mạng xã hội hào hứng với bộ emoji độc đáo về trang phục của 54 dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc là một cặp emoji nam - nữ với trang phục đặc thù. Chỉ sau một ngày ra mắt, bộ emoji này nhận hơn 6.000 lượt chia sẻ, gần 13.000 tương tác khác. Nguyễn Minh Ngọc, chủ nhân của bộ emoji 54 dân tộc anh em, xúc động chia sẻ: “Sự đón nhận tích cực của mọi người nằm ngoài kỳ vọng của tôi. Tôi hạnh phúc vì thông tin về văn hóa dân tộc của các vùng, miền được chia sẻ đến nhiều người. Đặc biệt, có những bạn thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số đã nhắn tin cảm ơn cũng như góp ý để tôi có thể sửa đổi cho thật chuẩn”.

Yêu thích mỹ thuật từ khi còn học THCS, nhưng vì nhiều lý do Minh Ngọc chưa bao giờ nghĩ sẽ theo nghề thiết kế lâu dài. Thế nhưng, đam mê luôn âm ỉ, chàng sinh viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội tận dụng thời gian buổi tối để học thêm các khóa thiết kế của FPT Arena Multimedia Hà Nội. Hai năm sau khi tốt nghiệp và trở thành người thiết kế đồ họa, họa sĩ minh họa, Ngọc tiếp tục trau dồi kiến thức chuyên ngành Design Communication (thiết kế truyền thông) tại Học viện Nghệ thuật LASALLE (LASALLE College of the Arts) ở Singapore.

 Kể về động lực sáng tạo emoji “made in Việt Nam” đầu tiên, Ngọc cho hay bản thân dành nhiều thời gian với điện thoại, mạng xã hội và nhận thấy mọi người, nhất là giới trẻ, sử dụng emoji như một ngôn ngữ tượng hình của thời đại mới. Cũng từ đây, anh trăn trở: “Danh sách emoji hiện tại chỉ có duy nhất lá cờ Việt Nam liên quan đến đất nước mình. Thế nên, tôi mong muốn tạo thêm chút dấu ấn quê hương trong kho tàng ngôn ngữ emoji toàn cầu”.

 Hơn thế, Minh Ngọc tâm sự, đi du học, anh tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau và thích thú với đặc trưng của từng nền văn hóa. Là sinh viên thiết kế truyền thông, anh cũng mong muốn thể hiện văn hóa đất nước thành dự án đồ họa chỉn chu về mặt hình ảnh cũng như nội dung một cách dễ thương, dễ tiếp cận. Chàng trai 27 tuổi chia sẻ, càng tìm hiểu về các dân tộc thiểu số thì càng cảm giác một số nền văn hóa đang dần mai một. Do đó, thông qua emoji, anh không chỉ muốn giới thiệu văn hóa Việt Nam đến các bạn quốc tế mà còn hy vọng mỗi người dân Việt Nam hiểu hơn về sự đa dạng văn hóa của đất nước để cùng góp sức bảo tồn.

 Từ chối thương mại để lan tỏa cộng đồng

Ý tưởng dự án “Nhỏ to Việt Nam” nhen nhóm vào tháng 12-2019 nhưng đến cuối tháng 4-2020, Minh Ngọc mới dành trọn vẹn hơn 3 tháng để thực hiện bộ emoji 54 dân tộc anh em. Ngọc tâm sự: “Cụm từ 54 dân tộc anh em vô cùng phổ biến với người Việt. Nhưng khi tôi hỏi, đa phần mọi người không hiểu lắm về cách ăn mặc, phong tục tập quán hoặc tên đầy đủ của các dân tộc. Điều đó thôi thúc tôi bắt đầu dự án “Nhỏ to Việt Nam” với trang phục truyền thống của 54 dân tộc”.

 Thế nhưng, để hoàn thành 108 emoji là chặng đường đầy kiên nhẫn và tâm huyết. Thời gian đầu, Minh Ngọc vô cùng hào hứng nhưng càng ngày càng kiệt sức và nhiều lần cảm thấy “nản”. Thậm chí, có những ngày anh không muốn bật máy tính chỉ vì sợ nhìn thấy emoji - thứ đã đập vào mắt liên tục nhiều tháng. Những lúc như thế, anh cân bằng cảm xúc bằng cách đi chơi, đọc sách, xem phim…, và xem đây như phép thử lòng kiên trì.

Bộ emoji “54 dân tộc anh em”. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bộ emoji “54 dân tộc anh em”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chỉ mất khoảng 2-3 ngày luyện tập là thành thạo các thao tác cần thiết để vẽ emoji, nhưng việc mà Minh Ngọc khó khăn và tốn nhiều thời gian nhất là tìm tư liệu chính xác. Anh cho hay, có những dân tộc nhiều tư liệu như Kinh, Chăm, Khmer… Họ có nhiều trang phục, mỗi bộ mang một ý nghĩa và được dùng trong các dịp khác nhau. Một số dân tộc có nhiều nhóm địa phương, mỗi nhóm có một trang phục đặc trưng nên Minh Ngọc phải đọc kỹ, đối chiếu nhiều nguồn để hiểu rõ từng trang phục rồi mới chọn lựa trang phục phù hợp đưa vào dự án. Vài dân tộc như Ơ Đu, Kháng… ít ỏi tư liệu (do dân số ít), Ngọc cất công đào sâu mới tìm được hình ảnh phù hợp. “Việc sai lệch thông tin khá nhiều, ví dụ hình ảnh của dân tộc này nhưng thông tin và tên lại thuộc về dân tộc khác. Vì vậy, tôi dành nhiều thời gian kiểm tra chéo tính chính xác của thông tin…”, anh bày tỏ.

 Mặc dù có đối tác liên hệ hợp tác khai thác thương mại nhưng Minh Ngọc từ chối bởi mục đích của anh khi thực hiện dự án là định hướng giáo dục, lan tỏa thông tin đến nhiều người. Anh cho hay, “Nhỏ to Việt Nam” là dự án dài hơi, mất khoảng 1-2 năm để hoàn thiện. Anh đang điều chỉnh thông tin, đồng thời dự định phát hành dự án dưới dạng trang web và sách. Các bộ emoji tiếp theo sẽ khai thác về đặc trưng ẩm thực, danh lam thắng cảnh, các ngành nghề và nhạc cụ truyền thống của Việt Nam…

"Tôi không có tham vọng mang đến cho người xem sự thấu hiểu hoàn toàn về các dân tộc Việt Nam. Một quyển sách vài trăm trang sẽ làm việc đó tốt hơn. Mục đích của tôi chỉ là giới thiệu lát cắt về sự đa dạng văn hóa của các dân tộc thông qua trang phục truyền thống. Thông tin được chia thành những miếng nhỏ vừa ăn, hình thức đẹp mắt, gợi mở hứng thú của người đọc để họ tự tìm hiểu, khám phá sâu hơn”

Nguyễn Minh Ngọc, du học sinh Việt Nam tại Singapore

DUY AN



 

;
;
.
.
.
.
.