Đà Nẵng cuối tuần

Người Đà Nẵng với Cao Bá Quát

06:10, 19/09/2020 (GMT+7)

Lần đầu tiên Cao Bá Quát xuất ngoại là từ cửa biển Đà Nẵng. tháng Chạp năm Quý Mão 1843, Cao Bá Quát tham gia phái bộ Đào Trí Phú lên tàu Phấn Bằng rời Đà Nẵng xuôi về phương Nam sang tận Hạ Châu (địa danh đương thời dùng để gọi không chỉ Singapore mà còn cả Penang và Malacca) nhằm đại diện Triều đình Đại Nam đàm phán mua thêm một hỏa cơ đại thuyền/tàu hơi nước cỡ lớn mà sau này được mang tên Điện Phi.

Nhà thơ Cao Bá Quát. (Ảnh tư liệu)
Nhà thơ Cao Bá Quát. (Ảnh tư liệu)

Tháng 7 năm Giáp Thìn 1884, tàu Phấn Bằng đưa phái bộ Đào Trí Phú về nước cũng qua cửa biển Đà Nẵng để ra Kinh thành Huế báo cáo kết quả chuyến công du này. Trên hành trình Đà Nẵng - Hạ Châu - Đà Nẵng, Cao Bá Quát làm nhiệm vụ phiên dịch tiếng Hoa - đương nhiên bằng hình thức bút đàm - và làm thơ, trong đó nổi tiếng nhất là bài Dương phụ hành, và quan trọng hơn là tích lũy cảm hứng nghệ thuật để sau đó viết bài thơ mang tính tuyên ngôn về đổi mới tư duy kẻ sĩ: Bài Đề sát viện Bùi công “Yên Đài anh ngữ” khúc hậu/ 題察院裴公燕臺嬰語曲後/ Đề sau khúc “Yên Đài anh ngữ” của quan Đô sát họ Bùi. Có thể xem bài thơ chữ Hán này không chỉ là lời bạt cho tập thơ Yên Đài anh ngữ của TS. Bùi Ngọc Quý mà còn là thu hoạch lớn nhất của Cao Bá Quát sau chuyến công du Hạ Châu, tập trung ở mấy câu: Tân Gia từ vượt con tàu/ Mới hay vũ trụ một bầu bao la/ Giật mình khi ở xó nhà/ Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi/ Không đi khắp bốn phương trời/ Vùi đầu án sách uổng đời làm trai (Trúc Khê dịch).

Ngũ Hành Sơn trở thành cảm hứng nghệ thuật

Trước khi vào Đà Nẵng chờ tham gia phái bộ Đào Trí Phú sang Hạ Châu, Cao Bá Quát viết bài thơ thất ngôn bát cú nhan đề Lưu viện du nguyệt, văn đắc tái phát Đà Nẵng, thị dạ đồng Vũ Hoài Phủ thống ẩm/ Ở viện hơn một tháng, được tin lại phải phát phối đi Đà Nẵng, đêm ấy cùng ông Vũ Hoài Phủ uống rượu thực say. Vào đến Đà Nẵng, nhà thơ tiếp tục sáng tác bài thơ ngũ ngôn cổ phong nhan đề Chu hành há Thanh Khê, nhân cố nhân ký biệt tòng du chư đệ tử/ Thuyền xuôi Thanh Khê, nhân có người quen gửi lời từ biệt các học trò; hay bài thất ngôn tứ tuyệt nhan đề Phái vãng dương trình chu hành phó Đà Nẵng tẩu bút lưu biệt thân thức/ Hành trình trên biển Đà Nẵng viết mấy lời từ biệt người thân…

Trong bài Chu hành há Thanh Khê, nhân cố nhân ký biệt tòng du chư đệ tử, Cao Bá Quát nhắc tới Ngũ Hành Sơn: Núi Ngũ Hành gang tấc/ Nhìn nhau những bồi hồi/ Dẫm bừa theo lối đá/ Mò mẫm định tìm nơi/ Đang vui bỗng hóa tẻ/ Mối hận theo dòng xuôi (Hoàng Tạo dịch). Tuy nhiên, Ngũ Hành Sơn chỉ thực sự trở thành cảm hứng nghệ thuật của Cao Bá Quát khi nhà thơ có dịp trở lại nơi đây vào năm 1847, cùng hai người bạn thơ là Nguyễn Văn Lý và Bùi Minh Trọng xướng họa đến 44 bài thơ được tập hợp trong Du Ngũ Hành Sơn xướng họa tập.

Cũng trong thời gian này, Cao Bá Quát có bài thơ ngũ ngôn bát cú nhan đề Đăng Hải Vân quan/ Lên ải Hải Vân. Trước chính điện nhà thờ tiền hiền làng Phong Lệ - quê hương Ông Ích Khiêm, có treo đôi câu đối: Sổ bách niên trường hà hồng hưu, tích thụ kim hoa, tứ diện hoàn quan tân cảnh sắc/ Thập tam tộc tương an nhạn trạch, nông trù sĩ đức, thiên thu tín mỹ cựu giang sơn (Dịch nghĩa: Mấy trăm năm gánh mãi ơn lớn, cây xưa hoa nay, bốn mặt sáng sủa cảnh sắc mới/ Mười ba họ êm thấm ở đầm nhạn, ai chăm việc nấy, ngàn năm đẹp đẽ nước non xưa). Theo chuyên gia Hán học Ngô Văn Lại nay đã qua đời, tác giả câu đối này chính là Cao Bá Quát. Và nhằm tỏ lòng ngưỡng mộ một nhà thơ có nhiều gắn bó với thành phố bên sông Hàn, người Đà Nẵng đã 2 lần đặt tên Cao Bá Quát cho một con đường dài 490 mét ở quận Sơn Trà (theo Nghị quyết số 35/2003/NQ-HĐND ngày 23-7-2003 của HĐND thành phố khóa VI và Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND ngày 23-12-2011 của HĐND thành phố khóa VIII).

Ngoài tài năng thi phú, Cao Bá Quát còn tạo ấn tượng đậm nét với người đọc, người học văn chương ông qua hai câu thơ thẩm định chất lượng mang khát vọng “Thoát Trung”: Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường, với hai cách hiểu khác nhau: một là văn như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thời Tiền Hán phải thua, thơ như Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương thời Thịnh Đường còn kém; hai là văn như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát không còn là văn Tiền Hán, thơ đến Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương cũng không còn là thơ Thịnh Đường. Cách hiểu thứ nhất là cách hiểu phổ biến xưa nay, còn cách hiểu thứ hai là cách hiểu của PGS.TS Phạm Tú Châu ở Viện Văn học trong một bài viết đăng trên Tạp chí điện tử Hồn Việt ngày 19-8-2014. Người viết bài này thiên về cách hiểu thứ hai, bởi ở đây không phải là chuyện hơn thua, mà là nỗ lực tạo khác biệt, nỗ lực giảm ảnh hưởng Tiền Hán và Thịnh Đường của văn chương Đại Nam nửa đầu thế kỷ XIX - và bằng hồn thơ phóng khoáng của mình, Cao Bá Quát đã có nhiều đóng góp.

Nâng niu, trân trọng cái Đẹp

Hồi nhỏ học thơ Cao Bá Quát, tôi thường hình dung ông là nhà thơ có tài và ngang tàng không biết sợ ai. Tài thơ Cao Bá Quát thì rõ rồi, còn ngang tàng không biết sợ ai cũng dễ thấy qua các giai thoại Cao Bá Quát dám “chơi trội” cả đấng quân vương quyền lực tối cao tối thượng. Có lúc tôi nghĩ ông này sĩ phu Bắc Hà mà sao ngang ngang giống dân Quảng Nam hay cãi… Những tưởng con người ngang ngang ấy sẽ không bao giờ biết cúi đầu, nhưng lớn lên có lần đọc thơ chữ Hán của Cao Bá Quát, tôi mới biết mình nhầm. Hóa ra Cao Bá Quát dọc ngang nào biết trên đầu có ai (Nguyễn Du - Truyện Kiều) vẫn có lúc phải cúi đầu trước cái Đẹp, nâng niu, trân trọng cái Đẹp, đồng thời vẫn luôn ý thức về sự mong manh của cái Đẹp và tỏ ra bất lực khi không thể trì níu được cái Đẹp.

Thực ra thì một nhà thơ tài hoa như Cao Bá Quát không hẳn đã bất lực trong việc trì níu cái Đẹp, bởi làm văn chương chính là một cách để bất tử hóa/ vĩnh cửu hóa cái Đẹp... Cao Bá Quát từng cảnh báo “văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi”, nhưng bản thân Cao Chu Thần cũng thường xuyên đắm mình trong thế giới nghệ thuật của văn chương, bởi như Phương Đình Nguyễn Văn Siêu quan niệm: “Văn chương có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chuyên chú ở văn chương; loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”.

Xin nói thêm di sản thơ chữ Hán của Cao Bá Quát được một số người Đà Nẵng rất trân trọng, chẳng hạn chuyên gia Hán học Ngô Văn Lại - được xem là người dịch thơ chữ Hán Cao Bá Quát nhiều nhất nước ta hiện nay - đã dịch đến mấy trăm bài thơ chữ Hán của Cao Bá Quát; hay chẳng hạn học viên Ngô Hòa Liên từng bảo vệ thành công vào năm 2010 tại Đại học Đà Nẵng luận văn thạc sĩ khoa học xã hội và nhân văn Tư tưởng nghệ thuật của Cao Bá Quát qua thơ chữ Hán.

Trong trái tim nhiều người Đà Nẵng, nhất là các thế hệ người Đà Nẵng từng học trung học ở thành phố bên sông Hàn vào hai thập niên 50, 60 và nửa đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, cũng như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát trước hết là một nhà thơ tài hoa. Và nếu đã bỏ công nghiền ngẫm bài Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ thì học sinh lớp 11 ở Đà Nẵng hồi ấy cũng đọc đi đọc lại Tài tử đa cùng phú của Cao Bá Quát, đồng thời cũng sớm tiếp cận bài thơ Đề sau khúc“Yên Đài anh ngữ” của quan Đô sát họ Bùi nói trên.

Bùi Văn Tiếng

.