Mẹ kể con nghe...

.

Con trai à, vậy là con đã bước gần đến năm cuối cấp 1 - cấp học mở màn, mở ra cả chân trời kiến thức và sẽ trở thành những ký ức ấm áp nhất, vui tươi nhất cho con trong tuổi trưởng thành sau này. Như thường lệ, trước khi bắt đầu năm học mới, mẹ lại thức khuya chuẩn bị cặp sách, bao bọc sách vở cho con thật tỉ mỉ, thật đẹp để góp phần giúp những ngày đầu tiên đến trường của con thêm trọn vẹn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Và cũng như thường lệ, mỗi lần như vậy, trong mẹ lại đan xen nhiều xúc cảm, vui có, buồn có, hy vọng có, hoài niệm có... Những chiếc giấy gương bóng, những cái nhãn tên, từng động tác gấp giấy, bọc sách, từng nét chữ ghi tên trường, môn học..., tất cả đều gợi nhớ, gợi nhắc đến một người... Mẹ đã từng kể con nghe rồi, phải không con?

Ngày xưa ấy, cái ngày mẹ bằng tuổi con, mỗi dịp hè, ông ngoại của mẹ (tức là cụ ngoại của con) đều lặn lội đường sá xa xôi từ ngoài Bắc vào thăm cháu. Cái thuở chưa có điện thoại, ông vào không lần nào báo trước, có lúc đang ngủ trưa, tỉnh giấc dậy thấy ông bên cạnh mà cứ ngỡ đang mơ, có lúc chúng bạn không hiểu sao con bé này đang chơi say sưa lại nhảy cẫng lên reo hò rồi lao đến ôm chầm lấy ông. Rồi cứ thế, những ngày hè có ông, đêm nào cũng có những câu chuyện thật hay và sinh động đưa mẹ vào giấc ngủ. Mỗi sáng ông đi tắm biển về, mẹ lại có quà là bịch sắn dừa hay khoai lang luộc còn nóng hổi.

Đôi khi trong khu tập thể nhỏ bé nhưng ấm áp, bình yên đó, mẹ và các bạn mẹ lại quây quần bên ông, nghe ông hát những bài ca kháng chiến cùng đĩa lạc rang thơm lừng mà ông tự tay trồng và đem vào cho cháu. Bọn nhỏ xóm 10 gian ngày ấy tự bao giờ cũng thuộc lòng “Năm anh em trên một chiếc xe tăng...” hay “Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ.../đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi...”.

Rồi hè gần qua, thu sang, năm học mới bắt đầu. Trước khi về quê, bao giờ ông cũng cặm cụi ngồi bao bọc từng quyển sách, quyển vở mới cho cháu. Chỉ với chiếc bàn là đồ chơi nhỏ trong tay, ông miệt mài cắt cắt, miết miết để bao hết bộ sách này đến chồng vở khác cho mẹ. Mỗi khi đến lớp, mẹ luôn cảm thấy tự hào về những quyển sách, quyển vở sạch đẹp, bóng loáng giấy gương; dù trên lớp có nhiều bạn được bố mẹ bao sách vở bằng giấy màu và giấy gương bán sẵn, nhưng không thể thẳng đẹp, sít sao bằng những tờ giấy gương mà ông đã cẩn thận đo, cắt theo từng quyển một.

Cũng có lúc vì sợ ông mệt, mẹ vô tình làm ông buồn khi “tuyên bố” ra ngoài mua cả cuộn giấy gương cắt sẵn về bao bọc cho nhanh. Dần dần sau này mẹ mới hiểu, bao sách vở cho con cháu - đó không chỉ là công việc tay chân đơn thuần - mà còn chất chứa rất nhiều nỗi niềm, rất nhiều gửi trao cùng những gì trìu mến nhất.

Ông - người đại đội trưởng năm nào, cựu chiến binh trở về từ chiến trường khói lửa, giờ đây bình dị ngồi giữa hiên nhà vừa chuẩn bị sách vở cho các cháu, vừa mỉm cười đầy hạnh phúc. Bom đạn, giặc thù, chiến tranh... không hạ gục được ông. Nhưng rồi, tuổi già, quy luật sinh tử của cuộc sống đã mang ông đi vào một buổi sáng mùa hè năm ấy... Công việc, gia đình riêng và cả khoảng cách địa lý đã đem đến nhiều mối bận tâm thường nhật, để rồi khi giật mình nhìn lại thì mẹ đã không còn cơ hội bên ông nữa.

Những ca khúc kháng chiến ngày nào như còn vang vọng đâu đây trong cái ngõ nhỏ xóm nhỏ, chiếc bàn là đồ chơi bé xíu ngày nào - giờ chỉ còn lặng im trên một góc giá sách. Làm sao có thể tìm lại được bóng dáng ấy, làm sao để lại được nghe giọng nói ấy... Nhưng mẹ vẫn tin, có lẽ ở nơi nào đó, ông vẫn luôn dõi theo và mỉm cười cùng con cháu...

Mãi nghĩ ngợi, mẹ đã để nước mắt rơi ướt một góc giấy gương đang cắt dở. Sắp xếp sách vở và dụng cụ học tập lên bàn học cho con, mẹ biết sáng mai khi thức dậy, con sẽ rất ngạc nhiên và hào hứng với những quyển sách, quyển vở đẹp nhất. Mẹ tự nhủ, năm nào trước lễ khai giảng, mẹ cũng luôn tự đo, tự cắt từng tấm giấy gương để bao sách vở thật cẩn thận cho con. Có lẽ mẹ đã học được sự tỉ mỉ, ân cần đó từ ông. Và mẹ cũng muốn con được như mẹ, sau này mỗi khi nhớ lại thời khắc này, con biết tuổi thơ mình đã tràn ngập tình yêu thương, sự ấm áp như thế nào, nhé con!

ĐỖ LAN HƯƠNG



 

;
;
.
.
.
.
.